Dubai chi trăm triệu USD mở cuộc thi, thu hút startup tới giải quyết những vấn đề công cộng, startup Việt cũng có thể tham gia

Mục tiêu của chương trình này là tạo dựng sự vững mạnh trong quá trình đổi mới để Dubai có thể chiến thắng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp trong tương lai.


Ảnh minh họa

Hiện có rất nhiều nơi trên thế giới đang nỗ lực trở thành trung tâm khởi nghiệp, kinh doanh với nhiều ưu đãi về thuế, cải cách chính phủ và nguồn vốn. Kuwait là một ví dụ, họ đã dành 7 tỷ USD để phát triển các doanh nghiệp nhỏ.

Dubai cũng đang nỗ lực thực hiện điều tương tự. Họ đã triển khai một chương trình xúc tiến nhằm thu hút 30 công ty khởi nghiệp tốt nhất trên toàn thế giới đến đây để giải quyết những vấn đề công cộng bức bối nhất. Dưới đây là đường link nếu muốn ứng tuyển.

https://dubaifutureaccelerators.com/en

Mục tiêu của chương trình này là tạo dựng sự vững mạnh trong quá trình đổi mới để Dubai có thể chiến thắng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp trong tương lai.

“Chúng tôi muốn tạo ra sự tương tác giữa các nhà đổi mới trong nước và quốc tế”, theo Saif Al Aleeli – CEO Quỹ Dubai Future. “Chúng ta đang sống trong một thế giới mà sự thay đổi diễn ra với tốc độ nhanh chóng mặt”.

Sẽ có một quỹ trị giá 275 triệu USD dành để đầu tư vào các startup. Ngoài ra, Dubai còn trao tặng một hợp đồng với chính phủ trị giá 30 triệu USD cho các startup. Để nhận được đầu tư, các startup phải nghiên cứu, giải quyết các vấn đề liên quan tới lợi ích công cộng như y tế, nhập cư hoặc thực thi pháp luật.

Thành phố này hiện đã chọn ra được một nhóm gồm 19 startup trong tổng số hơn 2.000 startup ứng tuyển. Những đơn vị giành chiến thắng bao gồm cả những công ty tên tuổi như Honeywell, Medativ Hyperloop, Grow…

“Đây là một cuộc chiến tranh kinh tế”, ông Aleeli khẳng định. Al Aleeli cũng hy vọng sáng kiến này của chính phủ có thể thúc đẩy những nhà đầu tư khác chi tiền.

Dẫu vậy, ông Aleeli cũng thẳng thắn chia sẻ trở ngại lớn nhất với tham vọng phổ cập tinh thần doanh nhân của Dubai là nỗi sợ thất bại. Điều này khác biệt hoàn toàn so với thung lũng Silicon khi họ coi thất bại chỉ như một cột mốc trên con đường tiến tới thành công và hoàn toàn không bị lên án.

“Tại Dubai, thất bại đồng nghĩa với việc bạn không làm việc chăm chỉ. Mọi người không quen với việc thất bại”, Al Aleeli nói.

Bản thân ông đã thực hiện nhiều nỗ lực để khuyến khích mọi người dám chấp nhận rủi ro và ứng dụng những điều mới mẻ. Điển hình như việc văn phòng của Quỹ Dubai Future được xây dựng toàn bộ từ vật liệu in 3D. Al Aleeli tin rằng Dubai đang xây dựng làn sóng thứ 3 của nền kinh tế.

“Trong những năm 1970, nền kinh tế của chúng tôi dựa chủ yếu vào thương mại. Cuối những năm 1990 và 2000, chúng tôi nhận ra mình có lợi thế về dịch vụ và có thể trở thành trung tâm kinh doanh cho toàn khu vực. Làn sóng thứ 3 là dựa trên tương lai. Dubai cần một hệ thống quy củ để có thể tái thăm dò, khai phá những ngành công nghiệp mới”.

Theo Trí Thức Trẻ