Trong 15 năm qua, tiêu đề “Dấu chấm hết của truyền hình” đã được nhiều tờ báo, chuyên gia đưa lên tít, nhưng từ đó đến nay, ngành truyền hình vẫn sống tốt và kinh doanh có hiệu quả. Thậm chí, nó còn kinh doanh hiệu quả đến nỗi, các ông lớn trong lĩnh vực Internet đang manh nha tìm cách đầu tư ngược lại lĩnh vực truyền hình.
Quá trình đầu tư được đẩy mạnh trong 2 năm trở lại đây, khi xu thế rõ rệt đó là khán giả muốn được xem truyền hình thông qua Internet thay vì phụ thuộc vào nhà đài qua mạng cáp.
Truyền hình cáp vs. Truyền hình Internet
Thực tế đã chứng minh, ngày nay người ta không còn gắn bó với TV như đã từng. Giai đoạn 2011 – 2016, theo số liệu của Nielsen, thời gian xem truyền hình của nhóm 25 – 34 tuổi đã giảm hơn 25%. Với nhóm trẻ hơn, khoảng cách này thậm chí còn lớn hơn – ở mức 37,9%.
Người ta đang xem video nhiều hơn bao giờ hết, với trung bình hơn 6 tiếng/ngày trong năm 2016. Ông Ngô Quốc Bảo, Giám Đốc Trung tâm Phát triển Kinh doanh FPT Shop đánh giá, việc người trẻ tuổi đang ngày càng yêu thích việc xem truyền hình qua Internet hơn là qua cáp của nhà đài liên quan đến vấn đề: Con người đang muốn được tiếp cận các nội dung đa dạng hơn.
“Xu hướng của người dùng đang dần thay đổi: không chỉ có các kênh truyền hình như một thói quen tất yếu, họ cần sự tiện dụng, linh hoạt, hiện đại. Người xem truyền hình muốn được lựa chọn nội dung theo cá tính và sở thích của họ. Đây chính là bài toán khó nhất đối với dịch vụ truyền hình về các mặt hạn chế mà họ đang gặp phải”, ông Bảo đánh giá.
Với truyền hình cáp truyền thống, quá trình trải nghiệm của người xem là tuyến tính. Họ bị gò bó trong một số kênh truyền hình nhất định, phải đi theo khung giờ của nhà cung cấp và bị giới hạn trong một khu vực hay một quốc gia cụ thể. Trong khi đó, với truyền hình Internet, người xem có thể tự do và thoải mái hơn nhiều. Đó cũng là lý do người trẻ tuổi đang bị Internet hấp dẫn nhiều hơn.
Điều này một lần nữa được khẳng định khi tạp chí Variety thực hiện một điều tra vào 2015 khi hỏi giới trẻ Mỹ: ai là người họ quan tâm nhất. Kết quả bất ngờ khi 8/10 người được quan tâm nhiều nhất không phải là ngôi sao điện ảnh hay nhạc sĩ mà là các “hot YouTuber”.
Tại Việt Nam, ông Bảo đánh giá, ưu điểm của dịch vụ truyền hình cáp sẽ cung cấp chất lượng hình ảnh tốt. Tuy nhiên, truyền hình cáp cũng có những hạn chế như chỉ xem được các kênh truyền hình do nhà cung cấp sản xuất, không có truyền hình tương tác. Đây chính là điểm mà các “set-top-box” đang tập trung đẩy mạnh để tạo lợi thế cạnh tranh với mô hình truyền thống.
“Điểm nổi bật của sản phẩm FPT Play Box chính là không mất các loại phí thuê bao hàng tháng như truyền hình cáp. Thiết bị được cài đặt sẵn các nội dung phong phú, hơn nữa, kho nội dung của sản phẩm này vượt xa sức cung cấp của truyền hình cáp thông thường”, ông Bảo chia sẻ.
Đấy là chưa kể, những set-top-box kiểu FPT không bị ràng buộc bởi hợp đồng, dây mạng, thiết bị hỗ trợ, hạ tầng,… những rào cản cố hữu mà các nhà đài không thể thay đổi.
Thị trường béo bở
Và FPT không phải đơn vị duy nhất nhìn thấy tiềm năng từ sự chuyển mình của thị trường truyền hình. Chớp thời cơ, không ít doanh nghiệp viễn thông cũng đã nhảy vào tham gia cuộc chiến truyền hình.
Chẳng hạn, chỉ tính riêng quý cuối năm 2016, người ta đã chứng kiến sự tham gia của tới 3 doanh nghiệp lớn vào thị trường thiết bị – dịch vụ truyền hình số. Đó là FPT với sản phẩm FPT Play Box, VNPT với SmartBox 2, hay tân binh Vega Corp. với ClipTV Box.
Ông Nguyễn Trung Kiên – Giám đốc Ban Quản lý và phát triển sản phẩm công nghệ (VNPT Technology) chỉ ra 2 lý do khiến mảng thị trường thiết bị – dịch vụ truyền hình số tại Việt Nam trở nên sôi động trong dịp cuối năm:
“Thứ nhất, nhờ sự đầu tư của nhiều nhà cung cấp hạ tầng Internet tại Việt Nam đã đủ tốt để người dùng Internet không rơi vào cảnh lag, trễ hình khi xem video chất lượng cao bằng mạng máy tính.
Thứ hai, đó là khách hàng ngày càng có nhu cầu giải trí đa dạng hơn, có nhu cầu xem truyền hình và các nội dung đa phương tiện khác (phim, ca nhạc, karaoke, game, ứng dụng giáo dục, tiện ích…)”.
Biến TV không chỉ là nơi phát kênh truyền hình mà còn là một “chợ” ứng dụng là điều chỉ có Internet mới có thể mang lại. Khi công bố sản phẩm Apple TV vào cuối năm 2015, CEO Tim Cook đã từng nhận định “tương lai của TV là các ứng dụng”, và cho tới thời điểm này, mọi thứ dường như vẫn đang đi đúng đường mà Tim Cook chỉ ra. Hiện tại, các chương trình truyền hình có thể được bán như một chợ ứng dụng, khi khách hàng có thể xem những kênh miễn phí hoặc trả tiền để xem những chương trình đặc sắc hơn.
Tất nhiên, tất cả những chương trình này đều có thể được xem qua mọi loại thiết bị, từ smartphone cho đến TV. Mặc dù vậy, bản thân các đầu box do FPT hay VNPT cung cấp cũng còn bộc lộ những hạn chế.
“Người dùng ngày càng cần nội dung phong phú – được cập nhật liên tục và mang tính tương tác cao, chi phí hợp lý. Bản thân chúng tôi thấy cung chưa thể đáp ứng được hết các nhu cầu nên đánh giá tiềm năng mảng dịch vụ này còn rất lớn”, ông Bảo chia sẻ.
Thêm vào đó, việc người dùng còn xa lạ với sản phẩm và sự cạnh tranh từ phía những nhà đài truyền thống cũng là sẽ là trở ngại đối với các nhà cung cấp dịch vụ đầu box. Không dấu giếm, ông Bảo thừa nhận nhiều khách hàng cũng bỡ ngỡ khi một chuỗi cửa hàng chuyên bán phụ kiện, hàng công nghệ như FPT Shop cũng tham gia kinh doanh sản phẩm dịch vụ truyền hình.
Tuy nhiên, đại diện FPT Shop cũng không quá lo lắng. Theo ông Bảo, đến cuối cùng, nhà cung cấp nào đáp ứng được nhu cầu khách hàng tốt hơn sẽ là người dành ưu thế.
“Với bất kì 1 nhà bán lẻ hay phân phối sản phẩm nào, việc cần làm là khảo sát định kỳ nhu cầu cụ thể của từng khu vực thị trường, từ đó, có kế hoạch phân bổ hàng hoá, quảng bá qua các kênh truyền thông một cách phù hợp. Bán quen rồi, khách hàng sẽ không chỉ nghĩ rằng FPT Shop chỉ bán điện thoại, máy tính và phụ kiện”, ông Bảo nhận định.
Theo Trí Thức Trẻ