Kinh tế Việt Nam năm 2017: Cơ hội cất cánh!

Năm 2017, Quốc hội đã thông qua chỉ tiêu GDP phải tăng khoảng 6,7%, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; Tổng kim ngạnh xuất khẩu tăng khoảng 6 – 7%…


Ảnh minh họa

Nhiều mảng sáng

Về tổng thể, năm 2017, bức tranh kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục các động lực tăng trưởng đã tích lũy từ năm trước và có thể nhận thêm nhiều xung lực mới và cơ hội mới, với nhiều kỳ vọng sẽ ngày càng khởi sắc hơn cùng với năng lực đổi mới công nghệ, đà tăng giá dầu thô, độ ấm trong quan hệ kinh tế Mỹ-Nga-EU, trong khi giá vàng, giá bất động sản khó có bứt phá và lạm phát có thể gia tăng áp lực.

Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục thuộc nhóm có tốc độ tăng GDP cao hàng đầu khu vực và gấp đôi mức tăng trưởng chung toàn thế giới. Động lực tăng trưởng chung của nền kinh tế được hội tụ và lan tỏa từ đà tăng trưởng tốt của công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ; sự hồi phục đáng khâm phục của ngành nông nghiệp, nhờ tăng ứng dụng công nghệ cao và nhiều kết quả nghiên cứu khoa học, giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới được chuyển giao, góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và cải thiện hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, nhờ đó, Việt Nam thuộc tiếp tục trụ hạng trong nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về tôm, cá tra, càphê, hạt điều, hạt tiêu và gạo.

Các cân đối vĩ mô sẽ vẫn được bảo đảm. Dự trữ ngoại tệ được bảo tồn. Lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục được phục hồi và củng cố, nhờ tiếp tục các cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, tạo xung lực mới cho khu vực tư nhân trở thành động lực chính của năm 2017 và thời gian tới, cũng như nhờ giá năng lượng và nông sản thế giới dự báo phục hồi cùng với sự gia tăng tổng cầu tiêu dùng; tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế.

Nhiều áp lực cạnh tranh

Năm 2017, theo các chuyên gia kinh tế, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động có nhiều kịch bản đối phó kịp thời với những diễn biến khó lường của thị trường và thiên tai, biến đổi khí hậu, tình hình khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; dư địa chính sách hạn hẹp (nhất là trong bối cảnh nợ công tăng nhanh), nguồn lực tài chính quốc gia hạn chế và yêu cầu đẩy nhanh tái cơ cấu trên nhiều lĩnh vực. Hệ thống tài chính vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực ngân hàng, khả năng giảm lãi suất cho vay bị hạn chế bởi vấn đề nợ xấu và lạm phát, sở hữu chéo.

Năm 2017, giá hàng tiêu dùng nhập khẩu sẽ giảm cùng với mức độ giảm thuế nhập khẩu, gia tăng hàng rào kỹ thuật và áp lực cạnh tranh thị trường. Đáng quan ngại là nhập siêu từ AEC, Hàn Quốc và Nhật Bản có xu hướng tiếp diễn. Thị trường bất động sản năm 2017 có dấu hiệu chững lại, kém thanh khoản hơn và sẽ có sự điều chỉnh theo hướng giảm bớt nhiệt trên thị trường nhà chung cư thương mại cao cấp, nhà nghỉ dưỡng và tiếp tục ấm dần thị trường nhà xã hội.

Áp lực thất nghiệp và giảm nghèo đói vẫn là thách thức không nhỏ cho các vùng, địa phương còn nhiều khó khăn và đang bị ô nhiễm môi trường nặng nề.

Giá vàng và tỉ giá ngoại tệ trong nước tiếp tục tăng áp lực, biến động theo thị trường thế giới, nhưng còn một số động thái bất thường mang đậm yếu tố tâm lý.

Năm 2017, giá dầu có thể tăng do nhu cầu dầu thô của thế giới có thể tăng nhẹ (riêng Nhật Bản có thể suy giảm do tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân) và sự đồng thuận đậm nét hơn (dù công khai hay ngấm ngầm) của các nước xuất khẩu dầu mỏ, song các rủi ro làm giảm nhu cầu xăng dầu có thể đến từ các nguồn nhiên liệu thay thế, đặc biệt là sự xuất hiện của các phương tiện đi lại tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt, ngày 30.11.2016, OPEC đã thống nhất cắt giảm sản lượng khai thác xuống còn 32,5 triệu thùng/ngày, giảm 1,2 triệu thùng/ngày, với hy vọng đẩy giá dầu thô lên. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008, tổ chức này nhất trí cắt giảm sản lượng dầu mỏ. Thỏa thuận này sẽ khiến các nhà sản xuất bên ngoài khối, như Nga, tham gia nỗ lực chung này. Là quốc gia có tỉ trọng ngân sách từ xuất khẩu dầu mỏ lớn, việc chủ động thu hẹp khai thác dầu thô và giảm phụ thuộc vào nguyên liệu này là lựa chọn đúng đắn của Việt Nam để vừa không lãng phí tài nguyên quốc gia, vừa tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững.

Nguy cơ lạm phát trở lại

Áp lực lạm phát năm 2017 nhiều khả năng sẽ gia tăng do cộng hưởng nhiều nhân tố, nhất là áp lực lạm phát chi phí đẩy gắn với gia tăng giá xăng dầu, thuế môi trường các loại phí dịch vụ công và tăng lương, cũng như áp lực lạm phát tiền tệ do mở rộng dư nợ tín dụng, tăng các công cụ thanh toán và điều chỉnh tỷ giá trung tâm theo đà tăng lãi suất đồng USD. Ngoài ra, khả năng nhu cầu nông sản và giá nông sản thế giới được dự báo sẽ phục hồi cũng góp phần làm tăng giá hàng lương thực, trong khi kỳ vọng mang lại lợi ích cho nông dân và hoạt động xuất khẩu nông sản.

Lãi suất năm 2017 có nhiều khả năng giữ nguyên hoặc tăng nhẹ do gia tăng nhu cầu huy động vốn của ngân hàng và vay vốn của doanh nghiệp. Thành thử, những khoản chi lãi suất vay cao sẽ được doanh nghiệp hạch toán chuyển vào giá thành sản xuất và nâng giá bán, tức góp thêm lực đẩy tăng mặt bằng giá xã hội, bất chấp sức cạnh tranh thị trường ngày càng mạnh, còn sức mua khó có biến động lớn.

Ngoài ra, những hoạt động và kết quả tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và khu vực ngân hàng nói riêng cũng sẽ có tác động lớn hai mặt đến hoạt động kinh tế-đầu tư và do đó, đến xu hướng lạm phát. Nếu được thúc đẩy đúng hướng và xuôi chèo mát mái, áp lực lạm phát sẽ được cải thiện mạnh mẽ và ngược lại, nếu thiếu kiểm soát và bị chi phối bởi lợi ích nhóm, thì chắc chắn sự bùng phát giá cả sẽ là hệ quả tất yếu và cũng chính là thước đo năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước nói chung, khả năng kiểm soát lạm phát vững chắc của nhà nước kiến tạo Việt Nam nói riêng…

Theo lao động