Chiến lược Chiến lược kinh doanh “Toàn châu Á” – Khả thi hay vọng...

Chiến lược kinh doanh “Toàn châu Á” – Khả thi hay vọng tưởng

15
Liệu có được sự đồng nhất toàn châu Á? Bên ngoài lục địa này, vấn đề đó thường được nhắc đến như một điều kiện quyết định.

Bạn chỉ có thể dựa vào hành vi của mọi người để khái quát nền văn hóa của họ, vấn đề trong kiểu tư duy kinh doanh này gây ra nhiều khó khăn trong thực tế cũng như làm mất đi những cơ hội.

Đó là vấn đề khi chấp nhận kiểu suy nghĩ “toàn châu Á”, nó sẽ dẫn đến “mẫu tâm trạng” của châu Á. Nhưng như nhiều độc giả đã nhận xét, chúng ta phải thật thận trọng khi sử dụng những phương thức làm việc mình cho rằng “có hiệu quả tại Nhật và cũng sẽ có hiệu quả tại Hàn Quốc” trong khi vẫn còn tồn tại biên giới giữa các quốc gia.

Hơn nữa, một vài quốc gia vốn có bản sắc sâu rộng, như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, những nước này giống như một lục địa thu nhỏ với nhiều nhóm dân tộc khác nhau cùng sinh sống, sử dụng những ngôn ngữ và ở trên những khu vực khác nhau. Ví dụ, thị trường bia của Trung Quốc là thị trường lớn nhất trên thế giới nhưng nó lại bị phân mảnh đến mức những nhà máy lớn như Yanjing hay Tsingtao phải sử dụng chiến lược thương hiệu “đa khu vực” để thu hút từng thị trường địa phương. Thông điệp đã quá rõ ràng, không có “toàn châu Á”.

Nhưng bù lại những công ty toàn cầu có thể thu về lợi nhuận đáng kể nếu biết chấp nhận sự đa dạng của châu Á. Bởi các quốc gia sẽ có những phản ứng khác nhau về sản phẩm và nhãn hiệu, sự khác biệt này sẽ là cơ hội để các công ty tạo ra những khía cạnh mới vượt lên đối thủ của mình. Việc Yahoo tiếp tục vượt lên Google để thống trị thị trường Nhật Bản là một ví dụ điển hình về việc tập trung đầu tư để củng cố vị thế của mình bất chấp việc mất đi thị phần tại Mỹ và một vài nơi ở châu Á. Tương tự với Audi ở Trung Quốc và LG ở Ấn Độ, các công ty này đã đánh bại các đối thủ cạnh tranh tại các nước này bất chấp việc mất thị phần tại một số khu vực khác.

Để tránh mắc sai lầm về một sự đồng nhất toàn châu Á, các công ty nên xem xét các quan điểm của họ về con người và đất nước châu Á theo bài kiểm tra dưới đây:

1. Những quan điểm của bạn về châu Á đã lỗi thời?

Rất nhiều các quốc gia châu Á đã có những thay đổi sâu rộng về kinh tế, chính trị và xã hội trong vài thập kỷ trở lại đây. Trong khi đó chúng ta vẫn dựa vào những nguồn thông tin cũ và “cổ lỗ” để đánh giá một khu vực hay một quốc gia, đặc biệt là về nền văn hóa của họ. Đặc biệt, sự năng động của một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc đòi hỏi việc cập nhật thông tin thường xuyên để xác nhận tính bền vững của các quan điểm cũ. Vấn đề này còn tồi tệ hơn nếu việc thiếu đi thông tin về các giá trị văn hóa đương đại khiến ta hiểu sai đi ý nghĩa của chúng.

2. Bạn có lấy một quốc gia làm hình mẫu cho toàn châu Á?

Các quốc gia châu Á đều có những hình ảnh đặc trưng và sẽ thật tai hại nếu chúng ta nhầm nó với một quốc gia khác cho dù mục đích có là tích cực đi chăng nữa. Ở châu Ấu, trong một thời gian dài, Nhật Bản trở thành tâm điểm của tất cả mọi thứ liên quan đến châu Á và hiện tại là Trung Quốc. Cả hai quốc gia này đều tạo ra những cái bóng lớn khiến cho bản sắc của các quốc gia bé hơn có thể bị bỏ qua.

3. Kế hoạch của bạn chỉ thích hợp cho một quốc gia?

Việc đánh đồng các quốc gia châu Á với nhau được hình thành khi người quản lý chỉ tập trung vào một quốc gia nhất định. Ví dụ, tại các khu trung tâm như Mumbai, Thượng Hải, Tokyo, và Seoul, người dân được đào tạo tốt nhất về giáo dục và được quốc tế hóa về tư tưởng xã hội. Nếu nhìn vào họ rồi suy rộng ra toàn bộ các quốc gia châu Á thì hoàn toàn sai lầm. Vì vậy, các nhà quản lý mới nên tìm hiểu một lượng lớn dân bản địa để có thể nắm rõ hơn quốc gia đó.

4. Chỉ xem xét theo nhóm chứ không chú ý đến từng cá nhân?

Có nhiều bản sắc xuất phát từ những giá trị về tư tưởng và tôn giáo lâu đời. Một vài chính phủ và tổ chức thuyết giảng cho người dân về việc tuân theo những bản sắc đó. Đồng thời, những nước này lại theo chế độ dân chủ nơi mà mọi người có thể tự do thể hiện cá nhân mình. Do đó, người dân ở một số quốc gia châu Á có hai cấp độ bản sắc: họ phải tin vào những giá trị của cộng đồng và đồng thời lại hoạt động như một cá nhân độc lập. Các công ty nước ngoài cần phải phân biệt được giữa hai vấn đề này.

5. Bạn có đưa ra những lời nhận xét không công bằng?

Ngay cả trong kinh doanh cũng có cuộc chiến giữa những anh hùng chống lại cái ác. Người hùng và cái ác có thể đứng dưới hình dạng của một ngành công nghiệp trọng điểm, công ty, hoặc một cá nhân nào đó. Ở bên ngoài châu Á, họ có thể miêu tả, đôi khi không công bằng về những cái tốt và xấu của một đất nước hay khu vực. Khó khăn gần đây của Toyota, thay vì chỉ đơn giản được nhìn dưới góc độ khó khăn của một công ty, có thể được chụp mũ cho phần còn lại của Nhật Bản hay thậm chí toàn bộ khu vực. Việc đánh đồng này cũng có thể nhận thấy khi đề cập đến những vấn đề liên quan tới “những ông trùm châu Á”, những người thường xuyên xuất hiện trên tivi.

Nếu câu trả lời của bạn là “có” ở hầu hết các mục trong bài kiểm tra, có thể thấy bạn đang đánh đồng cả châu Á với nhau và bạn nên xem xét việc xây dựng lại những ý tưởng và cách tiếp cận các quốc trong khu vực.

Theo Tuần Việt Nam