Bạn cần phải làm những gì để có một cuộc phỏng vấn xin việc thành công?
Nhiều người không nhận ra được rằng kỹ năng, kiến thức và năng lực chuyên môn chỉ là một phần mà thôi. Ngoại hình của chúng ta cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Điều này lại càng đúng hơn đối với những công việc đòi hỏi tiếp xúc nhiều với khách hàng.
Bị quá cân rõ ràng là một rào cản không nhỏ đối với khả năng tìm việc, đặc biệt là với phụ nữ. Các nhà nghiên cứu đã rất nhiều lần khẳng định rằng những người đi xin việc mà bị quá cân hoặc béo phì sẽ ít có khả năng được tuyển dụng hoặc thăng chức hơn so với những người có trọng lượng bình thường.
Những người béo cũng phải chịu đựng những thành kiến tiêu cực mà đa phần là không chính xác từ những người xung quanh. Tình trạng này còn bị giới truyền thông làm cho trầm trọng hơn vì họ liên tục xây dựng hình ảnh về một người phụ nữ (hoặc đàn ông) “lý tưởng” thường có thân hình gầy guộc một cách phi thực tế.
Bằng chứng từ nghiên cứu khoa học
Để biết sự kỳ thị này có thể đi xa đến đâu, các nhà khoa học đã tiến hành tìm hiểu để xem liệu ngay cả một sự tăng cân nhẹ trong ngưỡng cho phép của chỉ số khối cơ thể (BMI) có ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng được tuyển dụng hay không.
Họ bắt đầu với những bức ảnh của 4 người đàn ông và 4 phụ nữ, tất cả đều có chỉ số BMI trong ngưỡng bình thường (tức 18,5 đến 24,9). Sau đó họ dùng một phần mềm chuyên dụng thêm cân nặng vào gương mặt của mỗi người để có thể tạo ra 2 phiên bản của mỗi người: một phiên bản “bình thường” và một phiên bản “lên cân”. Nhưng đối với 4 người đàn ông, các bức ảnh được tăng thêm trọng lượng để họ đi vào ngưỡng quá cân trên thang BMI (25 đến 29.9), còn với 4 phụ nữ, dù tăng thêm trọng lượng nhưng vẫn để họ nằm trong ngưỡng có BMI khỏe mạnh.
Sau đó các bức ảnh được mang cho 120 tình nguyện viên (TNV) xem và đánh giá khả năng được tuyển dụng theo thang điểm từ 1 đến 7, với 1 là thấp nhất và 7 là cao nhất. Các TNV được yêu cầu tuân theo giả định là những người trong ảnh đều đủ khả năng để làm công việc mà họ ứng tuyển.
Các TNV được xem ảnh 2 lần. Lần đầu họ phải giả định vị trí tuyển dụng là một công việc đòi hỏi tiếp xúc với khách hàng liên tục (như phục vụ bàn chẳng hạn), và lần thứ 2 họ phải giả định là vị trí này ít khi phải gặp khách hàng (như đầu bếp chẳng hạn).
Và kết quả như sau
Các nhà khoa học nghĩ rằng các TNV sẽ cho điểm các gương mặt “lên cân” cao hơn ở lần thứ 2 so với lần đầu vì đã loại bỏ đòi hỏi tiếp xúc với khách hàng.
Tuy nhiên điều họ nghĩ chỉ đúng với những người đàn ông mà thôi. Với 4 người đàn ông, các TNV cho điểm thấp hơn hẳn ở vòng 2 so với vòng 1 đối với những công việc cần tiếp xúc với khách hàng, còn với những công việc không có đòi hỏi ấy thì gần như không có sự khác biệt đáng kể nào.
Trái lại, những phụ nữ “lên cân” bị cho điểm thấp hơn hẳn so với phiên bản “bình thường” ở cả 2 loại công việc trên, bất chấp sự thật là phiên bản “lên cân” vẫn nằm trong ngưỡng “khỏe mạnh” của chỉ số BMI.
Vậy nó nói lên điều gì? Rõ ràng ngay cả tăng cân nhẹ cũng có ảnh hưởng đến khả năng được tuyển dụng, đặc biệt là với phụ nữ. Họ phải chịu nhiều thiệt thòi hơn trên thị trường lao động so với những người “cùng cảnh quá cân” nhưng là nam giới.
Kết quả này rất đáng suy ngẫm. Đó là sự phản ánh những tiêu chuẩn phi thực về ngoại hình mà nhiều phụ nữ (và ít phổ biến hơn là đàn ông) phải đối mặt trong xã hội hiện nay.
Để đấu tranh với sự kỳ thị về cân nặng, chúng ta cần khuyến khích các nhà tuyển dụng “xem xét kỹ” thành kiến của mình và tập trung hơn vào kỹ năng cũng như kinh nghiệm của các ứng viên. Nếu không, chúng ta sẽ phải chờ cho đến khi các tiêu chuẩn xã hội về sự hấp dẫn trở nên thực tế hơn – và khoảng thời gian đó chắc là rất dài.
Theo Trí Thức Trẻ