Một startup thương mại điện tử của Thái ra đời nhờ cảm giác có lỗi của người sáng lập

Nhờ một sai lầm, người sáng lập ra Page365 đồng thời cũng là CEO hiện tại của công ty này đã cho ra đời một ý tưởng kinh doanh mới. Hiện tại, công ty này đang làm ăn với hơn 150.000 thương nhân và hơn 1 triệu người mua hàng cá nhân ở 3 thị trường Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.


Ảnh minh họa

Rất nhiều các startups ra đời để giải quyết một vấn đề nào đó, nhưng đối với Trumph Lusarun Silpsrikul, công ty Page365 lại ra đời do cảm giác có lỗi với người bạn của anh.

Bạn của Silpsrikul có một cửa hàng trên Facebook và cố gắng để mở rộng việc kinh doanh của mình. Silpsrikul đã khuyên cô ấy nên chuyển lưu lượng truy cập trang Facebook sang một trang web thương mại điện tử thay vì tiếp tục bán hàng trực tiếp trên trang mạng xã hội này.

Anh giải thích cho lý do của mình vào thời điểm đó:

“Rõ ràng, một trang web thương mại điện tử có chi phí vận hành thấp hơn, số liệu phân tích tốt hơn, và nhiều chức năng hơn để hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh thương mại điện tử.”

Nhưng anh sớm nhận ra đó là một sai lầm. Bạn của Silpsrikul đã mất 80% doanh thu của mình và sớm phải quay lại bán sản phẩm trên Facebook. Đây cũng chính là thời khắc Silpsrikul nảy ra ý tưởng cho ra đời công ty Page365 của anh:

“Đó là lý do vì sao chúng tôi đã tạo ra một quy trình làm việc và phần mềm giúp mua hàng trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội trong khi cho phép các doanh nghiệp mở rộng một cách hiệu quả. Sau đó, dự án đó đã trở thành Page365.”

Từ khởi đầu bất khả thi vào năm 2011, Page365 đã phát triển thành nền tảng một cửa dành cho quản lý cửa hàng trên “thương mại xã hội” (thương mại điện tử trên mạng xã hội).

CEO của Page365 chia sẻ về giá trị công ty của mình:

“Nền tảng của chúng tôi cho phép người bán hàng tương tác với hàng ngàn khách hàng mỗi ngày, xử lý số lượng đơn đặt hàng khổng lồ, và thấu hiểu những suy nghĩ, mong muốn then chốt ảnh hưởng đến hành vi mua bán của khách hàng. Những người bán hàng nhận quyền truy cập các dịch vụ nền tảng end-to-end bao gồm tìm kiếm các khách hàng tiềm năng, xử lý thanh toán, cho đến vận chuyển và theo dõi gói hàng thông qua thông báo của SMS.”

Ví dụ, sau khi phát hiện một sản phẩm thông qua một người bạn hoặc thông qua quảng cáo trên Facebook, người mua có thể thể hiện sự quan tâm đến sản phẩm đó thông qua bình luận hoặc trò chuyện. Sau đó người bán sẽ đưa ra một hóa đơn trên Page365 dưới dạng một đường link trong khung chat riêng với người mua. Người mua sau đó có thể trả tiền cho sản phẩm và theo dõi việc vận chuyển từ hóa đơn đó.

Từ trang tổng quan của Page365, người bán có thể theo dõi trạng thái hóa đơn, thông tin và những số liệu liên quan đến khách hàng này.

Giá trị lớn nhất của Page365 chính là thị trường. Công ty hiện đang cung cấp dịch vụ cho các thương gia đến từ Thái Lan, Việt Nam và Indonesia. Tổng cộng, công ty này làm ăn với hơn 150.000 thương nhân và hơn 1 triệu người mua hàng cá nhân. Cơ sở khách hàng của họ bao gồm những người bán hàng bán thời gian cho đến các thương hiệu lớn và các tập đoàn.

Silpsrikul tin rằng công ty của anh đã phát triển với tốc độ nhanh như vậy vì nó tập trung hoàn toàn vào thương mại xã hội. “Chúng tôi hợp tác với các nền tảng xã hội như LINE và Facebook để tìm ra cách tốt nhất giúp các thương nhân bán được hàng trên các nền tảng đó và cung cấp dịch vụ hỗ trợ như thanh toán, logistics, và quảng cáo.”

Mặc dù có nhiều nền tảng thương mại xã hội ở phương Tây, nhưng một ưu điểm của Page365 là sự khoanh vùng.

“Chúng tôi biết rằng chúng tôi không thể sao chép các mô hình thương mại điện tử thành công tại Mỹ hoặc châu Âu vì hành vi của người tiêu dùng ở các thị trường đó hoàn toàn khác ở đây. 4 năm nghiên cứu và thử nghiệm cho phép chúng tôi thiết kế những phương pháp tốt nhất cho thương mại xã hội.”

Nhiều thương nhân ở khu vực Đông Nam Á luôn mong đợi các phần mềm sẽ miễn phí. Đối với những người không có khả năng trả phí thuê bao, Page365 cung cấp mô hình freemium. Họ không phải trả tiền hàng thàng/quý/năm, nhưng giá dịch vụ bổ sung của họ sẽ cao hơn, bù lại họ được hưởng lợi ích của sự linh hoạt. Gói Premium cho những cửa hàng tầm trung có giá khá mềm là 375 000 VND/năm, còn gói Pro cho những cửa hàng lớn là 3.740.000 VND/năm. Gói Unlimited phù hợp cho các tổ chức lớn với chi phí 24.990.000 VND/năm.

Kế hoạch của Page365 thậm chí còn đầy tham vọng và bao quát hơn trong tương lai. CEO của công ty chia sẻ:

“Chúng tôi đang mở rộng các dịch vụ và phương tiện truyền thông của chúng tôi để đáp ứng mọi nhu cầu của các thương gia ở Thái Lan và Việt Nam. Logistics theo yêu cầu, các phương án thanh toán thay thế, các kênh xã hội thay thế là những ví dụ về những gì mà chúng tôi đang chuẩn bị.”

Theo Thời đại