Cửa hàng tiện lợi lên ngôi
Tính đến tháng 4/2017, Việt Nam có khoảng 1.600 cửa hàng thực phẩm tiện lợi (tăng hơn 10 lần trong vòng 5 năm) thuộc 10 thương hiệu lớn nhất trên thị trường. Tuy nhiên, con số này thay đổi chóng mặt do các chuỗi mở rộng liên tục để nắm giữ thị phần.
Trong bối cảnh đó, thương hiệu cửa hàng tiện lợi lớn nhất thế giới 7 – Eleven đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam hôm 15/6 vừa qua. Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà kinh doanh lẫn tiêu dùng.
Trước đó, CEO của MM Mega Market Việt Nam (mua lại từ hệ thống Metro Cash & Carry), ông Phidsany Pongwatana đã nhận xét thói quen tiêu dùng đã thay đổi. Mô hình siêu thị bán lẻ truyền thống tại Việt Nam không còn phát triển như trước và dự đoán mô hình cửa hàng tiện lợi sẽ lên ngôi do người Việt càng ngày càng ưa thích sự tiện lợi hơn.
Báo cáo của Tổ chức nghiên cứu và đào tạo chuyên về ngành thực phẩm và tạp hoá toàn câu IGD cho biết Việt Nam sẽ là thị trường cửa hàng tiện lợi tăng trưởng nhanh nhất châu Á vào năm 2021 với tốc độ 37,4%. Lý do khiến điều này xảy ra bởi: tốc độ đô thị hoá, dân số trẻ và thu nhập của họ đều tăng nhanh.
Ông Nick Miles, GĐ IGD châu Á – Thái Bình Dương còn đưa ra dự báo các nhà bán lẻ và sản xuất sẽ tiếp tục đầu tư vào mảng kinh doanh cửa hàng tiện lợi, tạo ra những sản phẩm mới và cách thức mới.
Kết quả khảo sát Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu, mô hình cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ đang là phân khúc phát triển nhanh nhất của thị trường bán lẻ Việt Nam. Năm nay, Việt Nam đã tăng 5 bậc, lên vị trí thứ 6 của thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu.
Hiện thị phần lớn nhất của 2 mô hình này đang nằm ở 4 thành phố lớn: TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ. Đặc biệt là TP. HCM, nơi được đánh giá là đầu mối để các nhà kinh doanh bán lẻ “thử lửa” trước khi mở rộng. Đó cũng chính là lý do cửa hàng bán lẻ 7 – Eleven đầu tiên mở tại đây chứ không phải Hà Nội như ông Vũ Thanh Tú, CEO CTCP Seven System Việt Nam giải thích cho báo giới.
Thị trường cạnh tranh khốc liệt
Trước khi 7 – Eleven có mặt, thị trường Việt Nam đã có nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini. Theo thống kê, hiện chuỗi Vinmart+ đang chiếm ưu thế về số lượng với 843 cửa hàng trên cả nước, kế tiếp là Circle K, vào Việt Nam năm 2008 hiện có 232 cửa hàng, B’s mart với 166 cửa hàng…
Để cửa hàng tiện lợi trở thành điểm đến ưa thích, đặc biệt là của giới trẻ, các tên tuổi như Circle K và Family Mart đã đưa cửa hàng trở thành nơi không chỉ bán hàng tiện lợi cung cấp từ cây kim, sợi chỉ đến những món đồ văn phòng phẩm… mà còn trở thành nơi gặp gỡ, hẹn hò.
Ví dụ như chuỗi hệ thống cửa hàng MiniStop, FamilyMart (đến từ Nhật Bản) đã mở rộng không gian ăn uống, phục vụ cả các món sushi, lẩu hot pot, thực phẩm chiên, bánh bao, trà sữa, kem tươi… Tùy vào từng khu vực họ xây dựng các cửa hàng đáp ứng các nhu cầu khác nhau của nhiều đối tượng khách hàng.
Bên cạnh đó, ở nhiều chuỗi cửa hàng, khách còn có thể trả hoá đơn điện thoại, điện nước, đặt vé, rút tiền hay là mua Vietlott.
Gia nhập thị trường sau, nhưng 7 – Eleven tỏ ra khá tự tin, như lời của ông Vũ Thanh Tú trả lời Forbes Việt Nam: “Tôi nghĩ các thương hiệu đã có trên thị trường đều có chiến lược tìm kiếm và tiếp cận khách hàng riêng”. Ông cũng khẳng định: “Chúng tôi tập trung vào tìm hiểu khác hàng của mình, và các mặt hàng dành cho họ. Thị trường rất rộng lớn”.
Trước ngày khai trương, phía 7- Eleven đã tung ra một danh mục 100 món ăn phù hợp với văn hoá ẩm thực Việt và không giấu kỳ vọng trở thành điểm hẹn ẩm thực mới cho cư dân thành thị. Đó là những món ăn quen thuộc như: phở, bánh giò, bánh mỳ, gỏi, bún thịt nướng, hột vịt xào me…
Trên thực tế, 7 – Eleven được đánh giá là mô hình có tính địa phương hoá cao. Hầu hết các cửa hàng 7-Eleven tại Mỹ và ở nước ngoài đều theo hình thức nhượng quyền nhưng các cửa hàng được khuyến khích có sự điều chỉnh phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của người địa phương.
Với thực trạng trên, các nhà kinh doanh Việt Nam cũng không ngồi yên trước miếng bánh ngon. Các chuỗi cửa hàng tiện lợi của doanh nghiệp trong nức như Co.opFood, Co.op Smile, SatraFoods, Vinmart+, Hapro, Vissan… cũng có sự phát triển nhanh chóng.
Tuy nhiên, khác với các cửa hàng của doanh nghiệp ngoại, những chuỗi của hàng tiện lợi Việt Nam tập trung vào các sản phẩm thiết yếu của các bà nội trợ như gạo, gia vị, đồ tươi sống…
Saigon Co.op được xem là nhà bán lẻ tiên phong với sự ra đời cửa hàng Co.op Food đầu tiên vào năm 2008 nhằm đáp ứng nhu cầu của những phụ nữ vừa đi làm, vừa làm nội trợ. Hiện Saigon Co.op đã nhân rộng mô hình này ra hơn 130 điểm. Họ cũng đang phát triển thêm chuỗi cửa hàng tạp hóa hiện đại Co.op Smile với mục tiêu đi nhanh hơn cả Co.op Food.
Chuỗi cửa hàng SatraFoods cũng có nhiều điểm tương tự. Đến nay, chuỗi đã có hơn 100 điểm bán. Nhưng, để tính đến độ nhanh, độ phủ của chuỗi cửa hàng tiện lợi phải kể đến Vinmart+. Dù ra đời sau (năm 2014), nhưng đến nay thương hiệu này đã đứng đầu thị trường về số lượng với 843 cửa hàng. Riêng trong năm 2016, trung bình mỗi ngày, có khoảng 2 cửa hàng Vinmart+ ra đời, tốc độ chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam.
Mặt khác, trong thời gian gần đây, CTCP Thế giới Di động, vốn chuyên về bán lẻ ngành công nghệ cũng đã nhảy vào thị trường với 50 cửa hàng Bách hoá xanh. Công ty cũng cho biết, sẽ mở rộng đầu tư để đại tới 350 cửa hàng trong thời gian sắp tới.
Việt Nam, Philippines và Indonesia đang được đánh giá là nơi để lĩnh vực kinh doanh cửa hàng tiện lợi bùng nổ. Với con số tăng trưởng hàng năm trên 2 con số, đây là những thị trường hấp dẫn nhất, đặc biệt là Việt Nam, với 37,4%, đứng đầu danh sách, báo hiệu những cuộc chiến tiện lợi sẽ còn khốc liệt hơn nữa.
Theo trí thức trẻ