Mark Zuckerberg ra mắt Facebook vào tháng 2 năm 2004. Khi đó, anh vẫn chỉ là một cậu sinh viên 22 tuổi của trường đại học Harvard. Vì theo đuổi khao khát xây dựng mạng xã hội lớn nhất hành tinh, Mark thậm chí đã quyết định bỏ học khi vừa lên năm hai đại học. Cho đến thời điểm hiện tại, anh đã trở thành giám đốc điều hành công ty công nghệ nổi tiếng khắp thế giới.
Tuy Mark Zuckerberg chạy thành công dự án Facebook và nhanh chóng thu hút hàng triệu người dùng ngay từ giai đoạn đầu mới ra mắt nhưng anh lại không hẳn là một nhà quản lý giỏi lúc bấy giờ. Minh chứng rõ ràng là vào tháng 7 năm 2006, Mark đã gặp khó khăn và vô cùng áp lực khi phải đưa ra quyết định trước lời chào mua lại Facebook từ Yahoo với giá hơn 1 tỷ USD.
Mark đã từ chối lời đề nghị mua lại Facebook với giá khổng lồ đó vì đam mê và muốn tự tay phát triển đứa con tinh thần của mình. “Khi đó, chúng tôi đang trong giai đoạn xây dựng News Feed (bảng tin) đầu tiên bao gồm các status, hình ảnh, video, liên kết và hoạt động ứng dụng. Tôi đã nghĩ rằng nếu chúng tôi có thể khởi động nó thành công, nó có thể giúp chúng ta thay đổi cách tìm hiểu về thế giới”, ông chủ của Facebook chia sẻ trong buổi lễ tốt nghiệp tại trường đại học Harvard.
Vấn đề là Mark Zuckerberg đã không thông báo việc Yahoo muốn mua lại mạng xã hội của mình cho các đồng đội. Anh không muốn đồng đội đứng trên bờ vực nguy hiểm và phải suy nghĩ nhiều. Nhưng, đó là quyết định sai lầm nhất của anh với tư cách là người lãnh đạo Facebook. Kết quả, họ đã tức giận với anh vì đã từ chối lời đề nghị hấp dẫn như vậy.
“Nếu không phải vì mục đích cao hơn, có lẽ tôi đã nghĩ rằng giấc mơ khởi nghiệp đã trở thành hiện thực khi Yahoo mua lại dự án của mình với giá cao như vậy”, Mark Zuckerberg tiết lộ lời đề nghị đó đã khiến công ty anh rơi vào tình trạng lục đục nội bộ, “Chúng tôi đã xảy ra tranh cãi gay gắt. Cố vấn công ty còn nói rằng, tôi sẽ phải hối hận suốt phần đời còn lại nếu không quyết định bán Facebook cho Yahoo. Sự căng thẳng trong mối quan hệ của chúng tôi kéo dài khoảng một năm. Sau đó, từng người trong đội ngũ quản lý cũng rời bỏ Facebook mà đi. Đó là quãng thời gian khó khăn nhất với tôi khi lần đầu tiên làm lãnh đạo, người dẫn dắt Facebook”.
Mark tuyệt đối tin tưởng vào quyết định của mình, tin vào những điều bản thân đã, đang và sẽ làm cho Facebook. Mặc dù vậy, anh vẫn cảm thấy cô đơn và tự cho rằng việc đồng đội lần lượt ra đi là do lỗi của bản thân không quản lý tốt: “Không ít lần tôi tự hỏi nếu quyết định đó là sai lầm, tôi sẽ trở thành kẻ lừa đảo và tội đồ. Tôi cũng chỉ là một đứa trẻ 22 tuổi và không hiểu biết nhiều về thế giới bên ngoài”.
Lẽ tất nhiên, Mark đã từ chối lời đề nghị của Yahoo cho dù họ có gợi ý mức giá cao hơn. Anh vẫn khăng khăng với quyết định của mình. Hơn thập kỷ nỗ lực đi lên, Mark Zuckerberg đã thành công đưa Facebook trở thành mạng xã hội có ảnh hưởng lớn nhất thế giới với gần 2 tỷ người dùng.
Anh cũng đã học cách giao tiếp và quản lý tốt hơn nhờ những lời khuyên chuyên nghiệp từ người đồng hành Sheryl Sandberg. “Sau nhiều năm nhìn lại, tôi nhận thấy rằng nếu không có mục đích thì cuộc sống sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Chúng ta phải tạo ra những mục đích cao hơn để cùng nhau tiến về phía trước”, Mark Zuckerberg chia sẻ..
Tháng 2 vừa qua, vị tỷ phú trẻ này cũng đã viết một bản tuyên ngôn truyền đạt lại khát vọng kết nối tương lai, gắn kết toàn cầu. “Facebook là đại diện cho ý nghĩa đưa chúng ta đến gần nhau hơn, xây dựng một cộng đồng kết nối toàn cầu. Trong thời điểm này, điều quan trọng nhất mà chúng tôi phải làm là phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp sức mạnh để xây dựng cộng đồng toàn cầu vì lợi ích của tất cả chúng ta. Chúng ta không chỉ có những thử thách phía trước mà còn là cơ hội. Không chỉ là vấn đề tạo cơ hội việc làm mà còn vì mục đích chung của nhân loại”.
Bên cạnh đó, Mark Zuckerberg cũng thẳng thắn cho biết chỉ tìm ra mục đích của bản thân là chưa đủ. Thử thách cho thế hệ của chúng ta là tạo ra một thế giới nơi mọi người đều có ý thức về mục đích chung để giữ cho xã hội phát triển không ngừng.
Theo trí thức trẻ