Chuyện tuyển dụng: Đừng trách 9x hay ‘nhảy việc’, đã đến lúc nhà tuyển dụng cũng nên nhìn lại mình

Nhân sự 9x luôn được đánh giá là những người trẻ, năng động, không ngại xông pha nhưng hay bị “chê” vì nhanh chán, thiếu tập trung và thích “nhảy việc”.


Ảnh minh họa

Tại hội thảo “Thu hút, tuyển dụng và giữ chân nhân sự 9x” được tổ chức tại Hà Nội mới đây, các khách mời đã đưa ra nhiều quan điểm khá thú vị liên quan đến vấn đề tưởng như không có gì mới này.

Thế hệ 9x được dùng để chỉ những người trẻ sinh ra trong giai đoạn 1990-1999. Do ảnh hưởng của yếu tố thời đại, sinh ra khi đất nước đã bước vào thời kỳ mở cửa, Internet tràn tới kéo theo sự phát triển của mạng xã hội, thế hệ 9x có nhiều cơ hội học hỏi, tiếp cận cái mới và dễ nắm bắt xu hướng.

Anh Trần Trung Hiếu, CEO, người sáng lập TopCV, startup hoạt động trong lĩnh vực nhân sự – tuyển dụng cho biết: “Nhân sự 9x, do tác động của xu hướng công nghệ, họ có sự chủ động tìm hiểu thông tin, chủ động tiếp cận các cơ hội việc làm nhiều hơn thế hệ trước. Trong quá trình làm việc, đây là đối tượng trẻ, năng động nên có thể trở thành nguồn lực tốt để các công ty sử dụng và khai thác”.

Đồng quan điểm này, chị Trần Thùy Linh, giám đốc nhân sự EWAY.VN khẳng định điểm tuyệt vời ở nhân sự 9x là sức trẻ và tinh thần không sợ hãi. Nếu 8x đọc nhiều quá, va vấp nhiều quá nên làm gì cũng tính kỹ, tính xong lại sợ không làm thì 9x lại là những người bắt trào lưu nhanh, sẵn sàng theo đuổi một ý tưởng, sản phẩm mới.

“Ở chiều ngược lại, họ cũng tồn tại nhiều điểm yếu như thiếu tập trung và tinh thần kỷ luật, không quyết tâm đến cùng, nhiều khi đang làm cái này thì dừng lại, chuyển sang làm cái kia vì thấy hay hơn”.

Theo một báo cáo của TopCV thực hiện trên đối tượng nhân sự trẻ 9x, chỉ 23% người tham gia chưa nhảy việc bao giờ; 60,7% đã nhảy việc từ 1-2 lần, thậm chí có những người nhảy việc 5-7 lần.

Thừa nhận thực tế người trẻ hiện nay có nhiều cơ hội, các công ty thành lập ngày càng nhiều nên nhu cầu tuyển dụng càng cao, nhưng anh Trần Trung Hiếu cho rằng không nên nhìn nhận việc 9x nhảy việc như một điều gì đấy tiêu cực.

“Chúng ta không nên lăn tăn quá nhiều vào câu chuyện 9x nhảy việc. Ngay một công ty trong thời đại hiện nay, mọi thứ từ sản phẩm, dịch vụ đến quy trình đều thay đổi rất nhanh nên các nhân sự cũng cần thay đổi để thích ứng. Trong quá trình đó, các bạn ấy sẽ nhận ra mình hợp với môi trường nào, với công việc nào”.

“Đôi khi các bạn ra đi không phải vì vấn đề lương bổng, đãi ngộ mà chỉ đơn giản họ nhận thức được mục tiêu của mình khác mục tiêu của công ty, hai bên không hợp nhau nên không thể đi cùng được nữa. Thái độ của người quản lý nhân sự lúc này là hãy tôn trọng và tạo điều kiện cho các bạn ấy, đồng thời tiếp tục lựa chọn người có hướng đi và cách làm phù hợp với công ty mình. Đấy mới là điều quan trọng”.

Trong trường hợp các công ty muốn giữ chân nhân sự 9x, CEO TopCV cho rằng hãy chú ý vào yếu tố môi trường làm việc, cơ hội học hỏi, lộ trình thăng tiến và cuối cùng mới đến lương. Vì phần lớn nhân sự giữa và cuối 9x, đặc biệt các bạn sinh năm 1994, 1995 vừa mới ra trường đi làm, họ có nhu cầu cao nhất trong vấn đề học hỏi tích lũy kinh nghiệm để có thể thăng tiến và phát triển xa hơn trong tương lai. Lương cũng là yếu tố phụ nhưng không phải không quan trọng, vì càng những nhân sự giỏi càng hiểu rõ giá trị bản thân và quan tâm đến vấn đề lương thưởng, đãi ngộ.

“Muốn có nhân tài phải song hành giữa câu chuyện đào tạo, cho họ cơ hội phát triển và thưởng xứng đáng với những gì họ đã đóng góp”, anh Hiếu kết luận.

Theo trí thức trẻ