“Đối với sinh viên mới ra trường, tìm được một công việc phù hợp không phải là chuyện dễ. Nhưng tình hình còn tồi tệ hơn nếu bạn đợi đến phút chót mới tìm ra công việc mình muốn làm”, Giám đốc Phòng Hướng Nghiệp tại trường Đại học NTU của Singapore – ông Loh Pui Wah chia sẻ.
Trích dẫn một ví dụ điển hình cho nhận xét này, ông nói: Có một cậu sinh viên tốt nghiệp đến gặp tôi để được tư vấn về nghề nghiệp. Cậu cho biết đã gửi hồ sơ xin việc tới nhiều công ty tuyển dụng, nhưng chỉ nhận được vài cuộc trao đổi qua điện thoại hỏi han về những chi tiết ghi trong hồ sơ chứ chưa được tham dự bất kỳ một cuộc phỏng vấn chính thức nào.
Cậu ngày càng lo lắng bởi bè bạn hoặc đã bắt đầu đi làm hoặc đang đắn đo nên nhận việc cho công ty nào. Tôi hỏi vì sao lại đợi cho đến tận bây giờ mới đi tìm việc thì cậu trả lời rằng: Em phải tập trung vào học tập và thực sự chưa bao giờ nghĩ đến việc mình muốn làm gì sau khi tốt nghiệp.
Có lẽ bạn đọc sẽ bắt gặp đâu đây những cái tôi-ngơ-ngác của một cô/cậu sinh viên mới ra trường hay thậm chí vẫn còn đang ngồi trên giảng đường Đại học: người được bố mẹ trợ cấp tiền hàng tháng, người trang trải cuộc sống bằng vài công việc bán thời gian, dốc sức học lấy kiến thức, ít hoặc chưa từng va chạm thực tế… nhưng chưa bao giờ nghĩ đến việc “Mình sẽ làm gì sau khi ra trường?”.
Nếu bạn vẫn đang băn khoăn về tương lại của mình, thì những chia sẻ dưới đây của thầy Loh Pui Wah – người đứng đầu phòng Hướng Nghiệp tại NTU,một trong những trường Đại học danh tiếng trên Thế giới và trong khu vực Đông Nam Á, có thể sẽ cho bạn những lời khuyên hữu ích.
Tại sao sinh viên cứ đợi đến khi sắp ra trường mới lo tìm việc?
Tôi thường bảo sinh viên phải luôn ghi nhớ một câu hỏi then chốt trong hành trình học Đại học của mình rằng: “Liệu bạn sẽ đợi cho đến khi sắp tốt nghiệp mới nghĩ đến chuyện tìm việc phù hợp?”
Đôi khi tôi cũng bị bối rối khi hỏi sinh viên câu này. Khảo sát thêm nhiều sinh viên, tôi cũng nhận không ít câu trả lời quen thuộc như “Tốt nghiệp vẫn còn xa mà thầy, nên em chưa nghĩ đến”, hay “Em đã chọn khóa học đó vì mọi người nói đây là một bước đệm tốt, nhưng em nhận ra là em không thực sự hứng thú làm việc trong lĩnh vực này”, hoặc những câu tương tự như “Học ở trường quá bận rộn nên em chưa có thời gian để nghĩ. Khi nào đến lúc em sẽ tìm ra thôi ạ”.
Sinh viên đặt ra kế hoạch để làm tốt các bài kiểm tra, kế hoạch trao đổi học tập ở nước ngoài và kế hoạch đi chơi mỗi dịp nghỉ giữa các kỳ học. Vậy tại sao họ lại không lên một kế hoạch nghề nghiệp hay ít nhất là dành chút tâm trí nghĩ xem công việc đầu tiên mình sẽ làm ngay khi tốt nghiệp là gì?
Đại học không phải là đích đến!
Một đồng nghiệp của tôi từng nói: “Đại học không phải là hình thức mở rộng của trường Cao đẳng, nhưng là khởi đầu cho hành trình sự nghiệp của một người”. Thế nên, lớp học, các dự án, bài kiểm tra hay điểm tốt chỉ là những điều kiện cần để bạn lấy bằng cấp và có được một nền giáo dục cao hơn, chứ không phải là mục tiêu cuối cùng. Đó là lí do vì sao ngay từ những ngày đầu tiên sinh viên cần phải biết mình muốn đạt được gì và muốn làm trong ngành gì.
Nếu bạn xem Đại học là một phương tiện hơn là đích đến và thời gian học Đại học là khoảng thời gian khám phá và thử những trải nghiệm mới để chuẩn bị cho bản thân trước khi dấn thân vào con đường sự nghiệp , thì thời gian bạn học Đại học sẽ có mục đích hơn. Tất cả những trải nghiệm này có thể dạy bạn những bài học giá trị về bản thân và giúp bạn tìm ra điều mình quan tâm, hiểu biết về ngành nghề và vai trò bạn muốn đảm nhiệm trong một tổ chức nào đó.
Vậy nên, các sinh viên : Hãy coi những tháng ngày học Đại học như khoảng thời gian giữa hiện tại với khi bạn bắt đầu sự nghiệp của mình, là khoảng thời gian để lên kế hoạch cho sự nghiệp, tìm hiểu lĩnh vực mình muốn làm và tích lũy những kỹ năng cần thiết cho những công việc sau này.
Mỗi chủ đề bạn đọc, mỗi hoạt động ngoại khóa bạn tham gia, mỗi chương trình trao đổi sinh viên hay kỳ thực tập nào cũng sẽ bồi đắp thêm giá trị cho sự nghiệp và mục tiêu cuộc sống của các bạn. Không ý thức được mục tiêu, bạn sẽ như đang lái xe mà không biết đích đến, lang thang hết nơi này đến nơi khác rồi chẳng biết tại sao mình lại không đến được nơi mình muốn đến.
Khi mới bắt đầu học Đại học, có thể các bạn thấy hứng thú với điều gì đó khác xa so với ngành học đã chọn. Nhưng đừng thất vọng. Bạn vẫn có thể điều chỉnh một khi sớm bắt tay lên kế hoạch cho sự nghiệp hoặc nếu chưa tìm ra câu trả lời xác đáng lựa chọn công việc mong muốn thì ít nhất bạn vẫn có thể thay đổi được tình hình và hướng tới việc bồi đắp kỹ năng và kinh nghiệm cho một lĩnh vực khác.
Hãy hành động, đừng trì hoãn!
Sinh viên nào đợi đến lúc chỉ còn 6 tháng nữa là tốt nghiệp mới nhận ra rằng mình không thích ngành đang học thì có lẽ đã quá muộn để thay đổi khóa học, học thêm hoặc thậm chí là xin đi thực tập lần nữa. Vậy, những sinh viên này có thể tìm việc trong những tháng cuối cùng trên giảng đường Đại học bằng cách nào?
Trước hết, hãy tự ý thức về bản thân. Bạn giỏi điều gì? Đâu là thế mạnh, kỹ năng và năng lực của bạn? Một hoặc hai điều bạn thực sự quan tâm là gì? Tại NTU, chúng tôi có những công cụ đánh giá nghề nghiệp giúp sinh viên hiểu hơn về bản thân và gợi ý công việc phù hợp với hồ sơ cá nhân của từng người.
Điều tiếp theo là đừng trì hoãn. Hãy đặt ra mục tiêu cho bản thân ngay lập tức, tham khảo ý kiến của người bạn tin tưởng, những người có thể cho bạn những lời khuyên hay định hướng nghề nghiệp đúng đắn. Đừng quá căng thẳng khi muốn bản thân phải đi tìm một công việc hoàn hảo. Công việc đầu tiên chưa chắc là đã công việc cuối cùng của bạn. Trong sự nghiệp, có thể bạn sẽ phải thay đổi vài công việc, nhưng hãy nhớ rằng, mỗi công việc sẽ cho bạn thứ gì đó đáng để học hỏi.
Cuối cùng, hãy kiểm soát và hành động! Hãy chủ động làm chủ sự nghiệp của bản thân. Tìm hiểu những công ty mà bạn thấy quan tâm, những vị trí hiện tại họ đang và có ý định tuyển dụng trong thời gian tới. Nếu các vị trí tuyển dụng đáp ứng được nguyện vọng của bạn, hãy tự tin đặt câu hỏi và cố gắng nắm lấy cơ hội đó.
Theo Trí Thức Trẻ