Kiến thức quản trị Học hỏi những chữ C tạo nên thành công của NeighborGoods

Học hỏi những chữ C tạo nên thành công của NeighborGoods

11
Bí quyết thành công của neighborgoods.net chỉ gói gọn trong những chữ “C” đơn giản mà doanh nghiệp nào cũng có thể vận dụng được.
Lần đầu tiên tôi (tác giả bài viết- Erika Napoletano) tiếp xúc với người sáng lập ra NeighborGoods – Micki Krimmel là khi cô xuất hiện trong một gian hàng giới thiệu sản phẩm đầy ấn tượng của công ty cô tại Hội chợ âm nhạc SXSW Accelerator được tổ chức trong năm nay tại Austin, Texas. Sự thể hiện cương quyết, bạo dạn của cô đã dẫn đến nhiều cuộc tranh luận sôi nổi, nhất là tranh luận về chủ đề “các chữ C”.
Khi neighborgoods.net mở rộng kinh doanh ra phạm vi toàn quốc vào mùa hè năm 2010, công ty này đã sớm đi tiên phong về không gian “tiêu dùng hợp tác”. Công ty này cho phép cộng đồng có thể xây dựng không gian hợp tác, chia sẻ trực tuyến. Bạn cần một chiếc thang? Bạn hoàn toàn có thể mượn một từ một người bạn nào đó. Bạn có một chiếc máy khoan? Hãy chia sẻ nó với một ai đó trong cộng đồng của bạn. Trang web này khá giống với trang web Airbnb – đều cho phép tiết kiệm tiền bằng cách chia sẻ với nhau những đồ vật cũ. NeighborGoods ra đời với mục tiêu giúp mọi người xây dựng các mối quan hệ trong cộng đồng của họ, tương tác và giúp đỡ nhau trong cả cuộc sống thực tiễn. Hiện các thành viên của trang web đang chia sẻ hơn 3,5 triệu đô la từ các loại hàng hoá, từ máy cắt cỏ, đến các loại máy móc thiết bị khác như xe ô tô …
Hãy xem và phân tích những chữ C tạo nên thành công của NeighborGoods:

Chữ C đầu tiên: Cheap – giá rẻ
Trong thời gian thử nghiệm beta, NeighborGoods phát hiện ra rằng họ có thể đạt được doanh thu lớn bằng cách xây dựng cộng đồng chia sẻ trực tuyến. Các số liệu cho thấy các giao dịch tự do vượt xa số giao dịch cho thuê với tỷ lệ 8 – 1.
“Nếu bạn định cho thuê chiếc máy hút bụi với giá 5 đô la và nghĩ rằng mức giá đó là khá hời thì hãy xem lại Thực tế, để cho thuê được chiếc máy hút bụi với mức giá như vậy, bạn sẽ phải bố trí gặp gỡ người muốn thuê, chở nó tới nơi khách hàng yêu cầu, dỡ nó ra rồi quay lại mang nó về và với bao nhiêu công sức bỏ ra như thế thì 5 đôla không hề hời chút nào. ” Krimmel cho hay. “Nhưng nếu bạn thực hiện công việc này miễn phí thì đó lại là một công việc nhẹ nhàng. Bởi vì bạn đang làm một việc có ích cho ai đó trong cộng đồng của bạn. Vì vậy, chúng tôi đã chuyển đổi mô hình kinh doanh của mình theo hướng như vậy và tiếp tục tìm những cách khác để sinh lợi cho cộng đồng của mình”.
Nếu bạn nghĩ rằng “Cheap – giá rẻ” không thể là một mô hình kinh doanh, NeighborGoods sẽ chứng minh cho bạn thấy suy nghĩ của bạn hoàn toàn sai. Có nhiều cách để kiếm tiền bằng cách cung cấp một dịch vụ chi phí thấp hoặc bằng cách kết nối mọi người người cho vay và mượn. Với NeighborGoods, website này sẽ thu lệ phí của những thành viên muốn xây dựng các nhóm chia sẻ riêng tư hoặc những người muốn trở thành thành viên chính thức.

Chữ C thứ hai: Community – Cộng đồng
Cách quảng cáo cho dịch vụ “NeighborGoods” là một ví dụ cho bất cứ ai muốn nắm trong tay bí quyết để có một mô hình kinh doanh khả thi. Với số tiền ít ỏi dành cho việc tiếp thị, họ đã phải dựa vào mức độ phủ sóng của các phương tiện truyền thông và dựa vào những khách hàng hiện tại của họ để tạo nên điểm nhấn. Với việc được xuất hiện trên các trang web nổi tiếng như website của Thời báo New York, của tạp chí Oprah và Lifehacker.com, NeighborGoods đã xây dựng cho mình một cộng đồng đông đảo các thành viên trực tuyến thuộc nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội.
“Chúng tôi dành 100% sự quan tâm cho cộng đồng của mình,” Krimmel cho hay. “Những thành viên trong cộng đồng cũng là những người đưa ra những ý tưởng tốt nhất cho chúng tôi. Chúng tôi đang xây dựng và phát triển mô hình tối ưu hơn để phục vụ cộng đồng được tốt hơn, và chúng tôi có thể làm điều đó qua việc tìm hiểu và nắm rõ những điều mà khách hàng cảm thấy quan trọng nhất.”
Như vậy, rõ ràng là cho dù bạn quản lý một quán cà phê hay sở hữu một dịch vụ trực tuyến – một trong những bí quyết mang lại thành công cho bạn là liên hệ chặt chẽ với cộng đồng và cho họ thấy rằng bạn luôn sẵn sàng thay đổi để có được những khách hàng trung thành.

Và những chữ C khác?
Ngoài những chữ C trên, chúng ta không thể không nhắc đến collaboration – cộng tác và communication – truyền thông..v.v… Chúng ta hãy liệt kê ra những chữ C mà chúng ta có thể áp dụng. Chúng ta có thể cộng tác – collaboration với những công ty khác, cung cấp những sản phẩm giá rẻ – cheap nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và xây dựng cộng đồng khách hàng – community. Tất cả những điều này gộp lại sẽ mang lại những thành công đầy bất ngờ cho chúng ta.

Theo Erika Napoletano