Những công việc “miễn dịch” với khủng hoảng

Phục vụ những nhu cầu cơ bản, thiết yếu nhất, đây là những công việc không chịu ảnh hưởng của những biến động trên thị trường lao động và khủng hoảng kinh tế do hãng tin CNBC đưa ra.

1. Dược sĩ

Đối với một số bệnh nhẹ thì bệnh nhân chỉ cần bồi bổ và nghỉ ngơi là khỏi. Nhưng những bệnh nặng hơn thì đương nhiên phải đến bệnh viện. Ở đó, bác sĩ là người kê đơn thuốc, nhưng để mua được thuốc thì phải đến dược sĩ. Lúc nào cũng có người ốm đau nên việc làm của các dược sĩ lúc nào cũng được đảm bảo kể cả lúc khủng hoảng kinh tế. Được biết, nghề dược sĩ tại Mỹ có mức sống khá cao với lương trung bình hằng năm là 111.570 USD.

2. Nhà toán học

Toán học là một môn khoa học cơ bản. Bất cứ lúc nào người ta cũng cần đến sự tư vấn từ những người mà kiến thức của họ vượt xa những phép cộng, trừ, nhân, chia thông thường. Đó chính là những nhà toán học, những người mà kỹ năng của họ có thể được áp dụng vào rất nhiều lĩnh vực, trong đó có khoa học máy tính và vật lý. Tại Mỹ, một nhà toán học có mức lương trung bình hằng năm là 99.380 USD. Bên cạnh đó, họ vẫn có thể kiếm thêm trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

3. Nhà hoạch định tài chính

Một số người có khả năng tự quản lý tài chính cho mình. Tuy nhiên, rất nhiều người khác lại cần có sự giúp đỡ, tư vấn. Nhu cầu đó chính là động lực tồn tại của các nhà hoạch định tài chính. Họ giúp khách hàng của mình quản lý tài sản, nợ, bảo hiểm, đầu tư, quỹ lương hưu và dòng tiền. Đôi khi, một nhà hoạch định đầu tư tài năng chính là nhân tố giúp khách hàng giảm bớt được ảnh hưởng của thảm họa tài chính. Lương trung bình của một nhà hoạch định tài chính là 64.750 USD mỗi năm. Tuy nhiên, mức lương này dao động theo từng bang tại Mỹ. Một nhà hoạch định tài chính làm việc tại New York có thể bỏ túi tới 136.310 USD mỗi năm.

4. Kế toán

Kế toán là những người có kỹ năng, nghiệp vụ giúp cho khách hàng, doanh nghiệp biết về tình hình tài chính, về tiền thuế… những vấn đề luôn đồng hành cùng mọi doanh nghiệp. Lương trung bình của kế toán tại Mỹ là 61.690 USD/năm. Tuy nhiên, họ còn có thể kiếm thêm 15.000 USD nữa nếu làm việc tại Columbia hoặc New York.

5. Nhà văn

Kiếm sống bằng nghề viết văn đòi hỏi ở nhà văn nhiều thứ chứ không chỉ đơn thuần là việc nhả chữ. Những thứ được viết ra cần có sự tinh tế và sinh động. Nhà văn phải có khả năng đưa được sự hài hước vào một bức thư từ chối, phê bình hay phải đưa ra được những nhận xét hữu ích đối với những tác phẩm nghệ thuật… Nếu sở hữu tất cả những điều đó, một nhà văn sẽ có cuộc sống tương đối khá giả. Có rất nhiều lĩnh vực khác nhau mà một nhà văn có thể kiếm sống và hưởng mức lương đều đặn, ví dụ như viết văn bản kỹ thuật, với mức lương trung bình khoảng 100.060 USD mỗi năm. Còn đối với những người muốn tạo ra những bài viết sáng tạo thì có được khoảng 55.420 USD một năm.

6. Lập trình máy tính

Bất kể suy thoái kinh tế có xảy ra hay không, nhìn chung những lập trình viên máy tính chịu rất ít tác động. Chỉ cần máy tính là tâm điểm trong đời sống công việc và sinh hoạt của mọi người thì đất dụng võ của các lập trình viên mấy tính vẫn còn, bất chấp tình hình kinh tế. Miễn là mọi người yêu thích công nghệ và đổi mới, thì vẫn cần đến những lập trình viên máy tính. Một người làm nghề này tại Mỹ có mức lương khoảng 74.900 USD một năm.

7. Giáo viên

Dù cho thâm hụt ngân sách khiến chính phủ phải đóng cửa nhiều trường học hoặc cắt giảm nhân sự tại nhiều trường, nhưng chỉ cần người ta còn nhiều điều chưa biết thì vẫn cần đến giáo viên để dạy họ những điều đó. Mức lương trung bình hằng năm của một giáo viên bình thường tại Mỹ là 29.820 USD. Còn đối với những giáo viên giỏi, những giáo sư được trọng vọng tại trường đại học thì mức lương trung bình khoảng 71.440 USD.

8. Công nhân xây dựng

Công nhân xây dựng là một trong những nhân tố then chốt trong việc xây dựng những toà nhà, từ những ngôi nhà nhỏ tại miền quê cho tới những cao ốc chọc trời nơi đô thị. Mặc dù trong thời suy thoái, người ta sẽ hạn chế xây dựng nhưng sẽ luôn có những đổi mới, cải cách đảm bảo cho công việc này luôn tồn tại. Mức lương trung bình hằng năm của nghề này tại Mỹ là khoảng 33.590 USD.

9. Kỹ sư hóa học

Đây là những người có chuyên môn cần thiết trong các lĩnh vực như công nghệ, năng lượng và dược phẩm. Không chỉ vậy, công việc của họ còn có liên quan đến cả ngành sản xuất mỹ phẩm, đồ ăn, nước uống. Con người khó có thể tồn tại nếu thiếu các sản phẩm đó. Do vậy, kỹ sư hóa học là một nghề có triển vọng lâu dài. Mức lương trung bình của nghề này tại Mỹ là 94.590 USD một năm.

10. Đầu bếp

Các nhà hàng ăn uống vốn nổi tiếng về lợi nhuận lớn. Kinh tế suy thoái có thể ảnh hưởng xấu tới các ông chủ cửa hàng nhưng đối với đầu bếp thì ngược lại. Miễn là vẫn có người muốn ăn uống nhưng lại ngại vào bếp và vẫn còn những nhà hàng thì công việc của đầu bếp sẽ vẫn còn. Mức lương trung bình hằng năm của một đầu bếp tại Mỹ là khoảng 44.780 USD.

Theo Doanhnhan