Điều này nghe có vẻ là một sự thật hiển nhiên thế mà việc vi phạm nguyên tắc này ngày gia tăng khiến các công ty càng trở nên cảnh giác khi tuyển dụng nhân viên. Để tránh các sai sót khi tuyển dụng, các nhà tuyển dụng thường phải phỏng vấn rất nhiều ứng cử viên và sàng lọc rất kỹ.
Trong cuộc chiến săn lùng công việc bạn có thể tự loại chính mình ra khỏi cuộc chơi nếu bạn không trung thực khi phỏng vấn hoặc viết sơ yếu lý lịch. Các chi tiết về nhiệm vụ, giáo dục, lương bổng là những cái dễ bị khai gian nhất.
Có những người hay nói quá mức lương trước đây của họ vì nghĩ rằng điều này có thể giúp họ thuận lợi hơn khi thoả thuận mức lương. Giới chuyên môn gọi đó là “hét giá”. Lương bổng thường là vấn đề mà người chủ cũ của bạn sẽ xác nhận lại; do đó nếu bạn không trung thực về thu nhập của mình thì hậu quả thật khó lường.
Có những người hay khai thêm các trách nhiệm của họ trong các vị trí công tác trước. Ví dụ, một nhà quản lý trong lĩnh vực dịch vụ tài chính đã tự nâng địa vị của ông ta trong công việc trước đây lên. Ông ta nói với nhà tuyển dụng ông ta đã từng giữ chức vụ phó giám đốc khi làm việc cho hai công ty trước. Ông ta được tuyển vào làm việc. Vài tháng sau ông được gọi vào phòng giám đốc và nhận quyết định sa thải ngay tại chỗ. Thì ra họ đã phát hiện ông nói dối. Mặc dù ông ta đã kháng nghị và nêu lên những đóng góp của ông cho công ty nhưng tất cả đã quá muộn. Nói dối khiến ông ta phải trả giá bằng công việc và còn ảnh hưởng đến cả tương lai của ông ta nữa. Ông phải bắt đầu lại từ đầu.
Một bài học cũng thật đáng tiếc khác cho một nhà quản lý trong lĩnh vực sản xuất đã từng làm việc cho công ty nọ 10 năm. Ông ta lo sợ rằng khả năng của ông bị giới hạn trong mắt của nhà tuyển dụng nên ông sửa bản lý lịch làm việc của ông lại bằng cách thêm vào tên của vài công ty. Khi nhà tuyển dụng hỏi về kinh nghiệm làm việc trước đây, ông đã bịa ra một vài công việc ông đã từng làm. Ông ta còn nêu tên một công ty rất nổi tiếng và nói rằng đã làm việc vài năm cho công ty đó. Thật trùng hợp, giám đốc công ty đó là bà con với nhà tuyển dụng này. Khi nhà tuyển dụng đặt một câu hỏi về vị giám đốc nọ, nhà quản lý đã tỏ ra rất ngạc nhiên và hỏi lại “Ai cơ?”. Ngay lập tức cuộc phỏng vấn chấm dứt ở đó.
Nếu người tìm việc tập trung vào ưu thế của ông ta thay vì nói dối, ông ta đã có thể được tuyển vào làm. Kinh nghiệm làm việc của ông được rất nhiều nhà tuyển dụng để ý bởi vì ông đã được thăng tiến vài lần và có khả năng đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau.
Nêu không đúng sự thật một điều gì đó, dù là nói hay viết, thì chỉ sẽ phản tác dụng mà thôi, bởi chỉ cần nhà tuyển dụng phát hiện ra thì bạn sẽ bị loại ra khỏi tầm ngắm ngay. Nếu bạn cảm thấy trong kinh nghiệm làm việc hay quá trình học tập của bạn có điều gì đó bất lợi khi đi xin việc thì bạn hãy tập trung làm nổi bật những ưu điểm của bản thân thay vì nói dối.
Có nhiều cách để tạo dựng nên hình ảnh của một người dễ mến, tự tin, vui vẻ và có khả năng mà một nhà tuyển dụng thường tìm kiếm. Trong khi phỏng vấn, thay vì nói chung chung bạn tuyệt vời và có khả năng như thế nào thì hãy đưa ra những ví dụ cụ thể về những đóng góp bạn có thể mang lại cho công ty. Bạn không cần phải nói dối hay nói quá sự thật. Thể hiện tốt trong công việc sẽ thay bạn nói tất cả.
Tránh đề cập đến những điều có thể gây bất lợi cho bạn. Hãy nêu lên những ví dụ thể hiện khả năng hợp tác tốt với người khác của bạn. Các nhà tuyển dụng hơn bất cứ lúc nào muốn tuyển những người có thể thích nghi tốt với công ty ngay lập tức và là những người có khả năng làm việc theo nhóm. Bằng cách nêu lên những điểm tích cực, bạn sẽ có thêm cơ hội được tuyển dụng.
Theo Vietnamworks