Nhìn lại thị trường kinh doanh những năm qua, có thể thấy sự thay đổi rất nhanh. Vì vậy, khi biết môi trường kinh doanh biến động, chúng ta phải nhìn vào khả năng của doanh nghiệp (DN) để có ngay chiến lược ứng phó, không thể chậm trễ.
Sở dĩ, phải nhấn mạnh bốn chữ “Không thể chậm trễ” bởi đã có rất nhiều DN bị đối thủ vượt mặt chỉ vì sự chậm trễ này. Chẳng hạn, Kodak
từng là cái tên lớn nhất trong ngành công nghiệp ảnh nhưng đã bị bỏ lại trong cuộc đua máy ảnh số vì quá chậm trễ thay đổi công nghệ.
Hoặc iPhone đã nhanh chóng trở thành hãng công nghệ số một vì tiên phong đưa ra dòng sản phẩm tích hợp các chức năng vốn đang nằm riêng lẻ ở các sản phẩm.
Để có được chiến lược ứng phó nhanh với thị trường, sau khi nắm bắt được sự biến động của môi trường kinh doanh, DN cần phải xây dựng cho đội ngũ nhân sự một tinh thần ham học hỏi, một văn hóa sáng tạo, đổi mới, đủ kiến thức, tư duy mới để biết đối thủ đang làm gì.
Chính vì thách thức luôn thay đổi nên muốn đưa DN đến tầm cao mới, thành công mới, chúng ta cần phải có kế hoạch điều chỉnh chiến lược. Song, nếu chỉ có chiến lược cũng chưa đủ.
Thực tế có không ít DN tuy đưa ra chiến lược rất hay nhưng DN vẫn không tạo được sự thay đổi và vẫn luẩn quẩn trong khó khăn, nguyên nhân chính là do không có người thi hành chiến lược. Để có đội ngũ này, DN phải quan tâm đến đào tạo và mạnh dạn đào thải.
Một thực tế khiến DN Việt Nam trong khó khăn càng bị đình trệ là vì các hệ thống quản lý theo mô hình gia đình. Ở đây, các thành viên trong DN thường không phân biệt rạch ròi giữa thành viên trong gia đình và DN nên không có sự khác biệt rõ ràng trong cách hành xử và kinh doanh.
Mặt khác, nhiều DN cũng mang nặng tâm lý ngại thay đổi nên thường làm theo cái cũ. Trong khi đó, nguyên tắc tiên quyết nhất để DN nâng tầm và lớn mạnh là phải biết thay đổi cái cũ, không phù hợp.
Người lãnh đạo không nên đặt mình ở một trung tâm quá cao, bởi một khi mọi quyết định của cấp dưới đều phải thông qua người lãnh đạo cấp cao nhất này thì kinh doanh sẽ gặp nhiều rủi ro do quyết định mang tính cá nhân. Hơn nữa, DN cũng không tối ưu hóa được tất cả khả năng, sự sáng tạo của người khác, kể cả chuyên môn của nhân viên cũng không được sử dụng.
Vì vậy, điều nên làm của một nhà lãnh đạo, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn, là phải biết sử dụng khả năng của mọi người và phân chia công việc. Tuy nhiên, để giữ chất xám và việc giao quyền không bị rủi ro khi nhân sự nghỉ việc, DN cần có những ký kết cam kết thỏa thuận đào tạo, làm việc.
Ngoài ra, kinh nghiệm ở các nước, một người quản lý sẽ được đào tạo từ 2-3 công việc chuyên môn khác nhau để khi có người bỏ đi, DN vẫn có người thay thế, không rơi vào bị động. Hoặc cũng có thể thuê các công ty ở ngoài làm các công việc trả lương, báo thuế. Thuê ngoài sẽ giúp DN tinh gọn bộ máy nhân sự và giảm đáng kể chi phí.
Theo GS. Dominic Mwenja