Kinh doanh với nhãn hàng riêng là một chiến lược cạnh tranh

Để đối phó với tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” của nhà phân phối, nhà sản xuất nên tạo thành trì để bảo vệ thị phần.
Nhận thấy việc các nhà bán lẻ làm nhãn hàng riêng là một xu hướng tất yếu, Công ty TNHH Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (chuyên cung cấp trứng gia cầm sạch) đã bắt tay làm hàng gia công cho họ. Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty chia sẻ: “Làm như vậy sẽ mất nhiều thứ, thị phần có thể rơi vào tay họ, nhưng tôi lại nhìn thấy cơ hội khác và không thể để nó rơi vào tay đối thủ”.
Theo ông Thiện, người tiêu dùng đang chuyển từ kênh chợ truyền thống qua kênh siêu thị, đó cũng là phân khúc tiêu dùng mà nhiều công ty đã chọn. “Việc bắt tay với họ sẽ giúp chúng tôi vừa tiết kiệm chi phí, vừa có đầu ra ổn định trong lúc khó khăn. Đặc biệt, từ khi làm hàng nhãn riêng cho các siêu thị, doanh số bán hàng của Công ty tăng lên đáng kể, trong đó hàng nhãn riêng chiếm tới trên 30%. Công ty đã vượt qua đối thủ của mình tại thị trường TP. HCM”, ông Thiện nói.
Tương tự, Công ty Giấy Sài Gòn là doanh nghiệp thành công trong gia công nhãn hàng riêng cho các hệ thống siêu thị. Hiện tỷ lệ hàng nhãn riêng làm gia công còn khá thấp so với hàng nhãn Công ty, nhưng sản lượng hàng nhãn riêng đang tăng nhanh vì giá rẻ và đó là điều mà công ty này băn khoăn.
Với các nhà bán lẻ, việc làm nhãn hàng riêng giờ đây không đơn thuần là để tận dụng lợi thế sẵn có nhằm gia tăng lợi nhuận nữa, mà thực sự là bước đi có tính toán, bài bản và chắc chắn. Thuận lợi lớn nhất của nhà phân phối khi đầu tư phát triển hàng nhãn riêng là kiểm soát được chất lượng, giá cả của sản phẩm; tối ưu hóa chi phí marketing, quầy kệ; xây dựng được hình ảnh thương hiệu đối với người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op; Giám đốc chuỗi Co.opMart nhận xét rằng, thông thường, hướng chọn gia công nhãn hàng riêng chỉ phù hợp với nhà sản xuất có năng lực sản xuất lớn, chưa sử dụng hết và có những sản phẩm độc quyền, chất lượng tốt. Tuy vậy, theo quan sát của ông Thiện, nhà bán lẻ rất thực dụng ở chỗ, họ không chọn doanh nghiệp đứng đầu trong ngành đó, mà chọn những doanh nghiệp đứng thứ nhì, thứ ba. Điều này vừa tạo giá trị cộng hưởng giúp doanh nghiệp được chọn vượt qua đối thủ, vừa không bị nhà bán lẻ đẩy ra khỏi hệ thống phân phối.
Còn những nhà sản xuất nhỏ, để đối phó với tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” của các siêu thị, họ nên tạo “thành trì” bảo vệ thị phần. Theo đó, dùng chiến lược sản phẩm bao vây, liên tục cho ra mắt sản phẩm mới, với thế mạnh riêng biệt, buộc nhà phân phối phải chọn lựa sản phẩm của mình. Chẳng hạn, bên cạnh các sản phẩm trứng gà công nghiệp cạnh tranh trực tiếp với siêu thị, Vĩnh Thành Đạt đã có chiến lược tìm dòng sản phẩm mới của riêng mình như trứng gà ta, trứng gà ác, đựng trong giỏ tre thân thiện và dân dã hơn.
Trên thực tế, nhãn riêng của Metro Cash & Carry, Co.opMart, Big C, Lotte Mart, Hapro tập trung vào phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo thống kê của Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, hiện Hiệp hội có khoảng 6/15 thành viên đã có những “nhãn hàng riêng” và chiếm tỷ lệ khoảng 3-5% trong hệ thống siêu thị. Mặc dù xu hướng này đã phát triển khá mạnh trên thế giới, nhưng tại Việt Nam, phải 10 năm nữa, tỷ lệ “nhãn hàng riêng” của các nhà phân phối mới đạt mức 15% trong chính siêu thị của mình. “Đó là khoảng thời gian mà các nhà sản xuất vốn có thế mạnh trong lĩnh vực nêu trên đủ để lo chiến lược rõ ràng, nhằm thích ứng với tình hình mới”, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nói.

Theo Marketingchienluoc