Nhượng quyền mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên khi đã vào cuộc, cả người nhượng quyền và nhận nhượng quyền đều phải đối mặt với nhiều nỗi lo.
Theo các chuyên gia tư vấn nhượng quyền: “Lợi ích lớn nhất của nhượng quyền, chính là giảm thiểu rủi ro. Khi tham gia vào hệ thống nhượng quyền, bên nhận quyền sẽ được huấn luyện, đào tạo và truyền đạt các kinh nghiệm quản lý, bí quyết thành công của bên nhượng quyền.
Bên nhận quyền không phải trải qua giai đoạn xây dựng và phát triển ban đầu, chỉ tập trung vào việc điều hành hoạt động kinh doanh. Phần xây dựng chiến lược tiếp thị, quy trình vận hành, chiến lược kinh doanh sẽ do bên nhượng quyền đảm trách và chuyển giao; được mua nguyên liệu, sản phẩm với giá ưu đãi…
Thực tế, nhiều doanh nghiệp nhượng quyền cũng đã thu được những khoản lời rất lớn từ mô hình này. Chủ một cửa hàng mua nhượng quyền lẩu bò Hai Châu thừa nhận: “Sau một năm mua nhượng quyền, chúng tôi đã kinh doanh có lãi và hàng năm tăng đều doanh thu từ 30 – 40%”.
Song, qua thăm dò một số đơn vị mua nhượng quyền và nhượng quyền, mới biết cả hai phía đều có những nỗi lo riêng. Chị Nguyễn Quỳnh Sa, Giám đốc Công ty Chúc mừng Sinh nhật cho biết:
“Để thực hiện một hợp đồáng nhượng quyền không đơn giản. Sau 6 tháng đàm phán với đối tác nhận nhượng quyền ở Hà Nội, chúng tôi vẫn chưa đi đến thống nhất. Lý do, bên đối tác nhận nhượng quyền có quá nhiều đòi hỏi hỗ trợ khó thực hiện.
Theo thỏa thuận, phí “bảo trì” nhượng quyền khoảng ba, bốn chục triệu đồng/năm nhưng chúng tôi phải chịu rất nhiều ràng buộc trách nhiệm như: hỗ trợ tìm khách hàng, xây dựng website riêng cho đối tác và mỗi năm phải nâng cấp, cập nhật thêm hình ảnh cho web. Thậm chí phải mua riêng đường truyền để sau mỗi sự kiện, hình ảnh tặng khách hàng sẽ truyền nhanh hơn…
Vì vậy, với số tiền này, chúng tôi phải chi rất lớn, chưa kể nếu kéo dài thời gian trách nhiệm từ 5 năm thành 8 năm như bên nhượng quyền yêu cầu. Mặt khác, nếu khách hàng kinh doanh không thành công, thương hiệu của mình sẽ bị ảnh hưởng theo”.
Anh Võ Ngọc Quang, giám đốc hệ thống nhà hàng cơm tấm Mộc cho biết thêm:
“Do yếu tố cạnh tranh mà kế hoạch mở 6 cửa hàng cơm tấm tại Hà Nội của một đối tác mua nhượng quyền Cơm tấm Mộc chưa thực hiện được. Hiện tại, sau 19 tháng hoạt động, bên nhận nhượng quyền mới mở được 2 cửa hàng.
Chưa kể, vào thời điểm mùa Thu – Đông vắng khách, chúng tôi còn phải giảm mức đóng phí quản lý hàng năm cho đối tác để đảm bảo cho họ có lãi, tránh kinh doanh thêm các món ăn khác làm mất bản sắc thương hiệu”.
Nhận nhượng quyền: không dễ
Về phía đối tác nhận nhượng quyền, chị T.H – chủ một cửa hàng Phở 24 ở quận 1 cho biết: “Hầu hết những công ty nhượng quyền đều đề nghị người nhận nhượng quyền phải mở cửa hàng ở vị trí tốt nhất để dễ quảng cáo thương hiệu cho họ. đây là yếu tố khiến hoạt động kinh doanh của chúng tôi khó khăn trong thời gian đầu vì chi phí thuê mặt bằng rất cao.
Chuỗi cửa hàng cháo Cây Thị Nếu bên nhận nhượng quyền không có khả năng về vốn, khách còn ít, sẽ nhanh chóng đóng cửa, hoặc khi chưa thu được vốn nhưng bị phía cho thuê mặt bằng lấy lại cũng là một bất trắc. Và điều này đã xảy ra với tôi”.
Đại diện của thương hiệu lẩu tươi MK (Thái Lan) cũng cho biết:
“Hơn 50% sự thành công của chuỗi nhượng quyền là nhờ vị trí. Thế nhưng, giá cho thuê mặt bằng tại Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới và chiếm đến 25 – 30% tổng doanh thu của các chuỗi cửa hàng nhượng quyền, nên khó có lời.
Đã vậy, mặt bằng tại các đô thị lớn lại ngày càng eo hẹp và hầu hết đều thuộc về các “đại gia“ nước ngoài. Vì vậy, chúng tôi phải thuê mặt bằng ở các trung tâm thương mại, mà các trung tâm này giá cũng rất cao.
Song, lo nhất là theo thỏa thuận của nhượng quyền, sau 2 – 3 năm, phía nhận nhượng quyền phải mở thêm 2 – 3 cửa hàng mới, nếu không sẽ bị bên nhượng quyền rút hợp đồng. Thế nhưng, ngay tại các trung tâm thương mại cũng không đủ mặt bằng để cho chúng tôi thuê theo đủ số lượng cam kết”.
Ở góc độ khác, anh Quang chia sẻ thêm: “Thời gian đầu cơm tấm Mộc nhượng quyền cũng gặp không ít rắc rối, chẳng hạn khẩu vị hai miền Nam – Bắc không phù hợp nên đối tác yêu cầu tôi phải thay đổi, như nước mắm phải mặn, thịt ướp không ngọt…, nhưng tôi không đồng ý. Sau 5 – 6 tháng căng thẳng chịu đựng, doanh thu của đối tác mới dần ổn định.
Bên cạnh đó, nhân sự cũng là một nan giải, bởi hầu hết nhân viên phục vụ ở phía Bắc không có ý thức làm dịch vụ, chẳng hạn yêu cầu nhân viên đứng chào khách hoặc trong lúc phục vụ, họ sẽ không làm. Điều đó có nghĩa văn hóa phục vụ của cơm tấm Mộc đã bị biến tướng về sự đồng nhất”.
Không chỉ khó về mặt bằng, nhân sự, đại diện một doanh nghiệp nhận nhượng quyền một thương hiệu bánh pizza tại TP.HCM cho biết, họ đang có nguy cơ bị thu lại hợp đồng nhượng quyền vì kinh doanh không hiệu quả. Lý do, bánh pizza không phải là món ăn được đón nhận nhiều ở Việt Nam như hambuger. Và ngay cả phía đơn vị nhượng quyền thương hiệu này cũng đang nằm trong tình trạng doanh thu chưa khả quan.
Trước thực tế còn nhiều thách thức, ông Trần Tịnh Minh Triết – Công ty Best Fortune chia sẻ: “Đừng bao giờ nghĩ rằng mua nhượng quyền là mình sẽ sở hữu một cơ sở kinh doanh không có rủi ro.
Khi bạn thấy yêu thích một thương hiệu nhượng quyền và mong muốn đầu tư, hãy kiên nhẫn và xem xét thật kỹ xem mặt hàng mình nhận nhượng quyền có phù hợp không, vì nếu chưa được thị trường ưa chuộng thì nhượng quyền sẽ khó thành công. Những lúc ấy hãy hỏi ý kiến thật nhiều người hoặc có thể gặp chuyên gia tư vấn để có một quyết định chính xác”.
Ở góc độ là chủ nhượng quyền, anh Quang góp thêm kinh nghiệm: “Không nên chạy theo số lượng mà bán nhượng quyền cho nhiều người, vì như vậy không chỉ khó quản lý mà còn gây áp lực cho phía mua nhượng quyền do phải cạnh tranh nhiều, dẫn đến nhượng quyền không thành công và ảnh hưởng uy tín thương hiệu”.
Theo Lữ Ý Nhi