Từ con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, đến sản phẩm thịt lưu thông tới tay 80 triệu dân VN đều đang phụ thuộc phần lớn vào các DN nước ngoài…
Miếng thịt ngon bị chi phối!
Trong khi các DN trong nước liên tục làm ăn thua lỗ, thu hẹp sản xuất, chỉ nghĩ đến đầu tư cho lĩnh vực chăn nuôi đã “kinh hồn, bạt vía”; thì lạ thay, các DN nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực trên tại VN vẫn có doanh thu hàng tỷ USD và tiếp tục lên kế hoạch liên kết mở rộng sản xuất. Tại sao có nghịch lý này?
Trước hết trong lĩnh vực TĂCN, tài liệu của NNVN cho thấy, sau hơn 10 năm bước vào thị trường VN, giờ đây 58 Cty có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi đang “đè bẹp” gần 200 Cty của VN. Cụ thể, dù số lượng Cty ít (chỉ bằng 1/4 của VN), nhưng sản lượng TĂCN của các Cty nước ngoài chiếm tới 60% thị phần. Trong đó, 5 công ty lớn nhất gồm CP Việt Nam chiếm khoảng 18%, Proconco 12%, New Hope khoảng 9 – 10%, Cargill và Viet Nam’s Green Feed khoảng 8%, cộng lại họ đã vượt tổng sản lượng của cả gần 200 DN VN.
Đặc biệt, chăn nuôi là một ngành cực kỳ quan trọng, nhưng buồn là nguồn nguyên liệu TĂCN lại phụ thuộc quá lớn vào nước ngoài, sản lượng nhập khẩu năm sau luôn tăng cao hơn năm trước khiến giá thành sản xuất bị đẩy lên cao.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nếu như năm 2008 VN nhập gần 5 triệu tấn nguyên liệu TĂCN với giá trị gần 2 tỷ USD, thì đến năm 2011 con số này đã tăng vọt lên gần 9 triệu tấn với giá trị 3,7 tỷ USD. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến giá TĂCN tại VN cao hơn các nước trong khu vực từ 10 tới 15%!
Về giống vật nuôi, đối với giống gà công nghiệp lông trắng thì các công ty nước ngoài chiếm ưu thế vượt trội. Trong đó, 3 Cty Japfa, CP Vietnam và Emivest gần như chi phối khi xuất bình quân 6 triệu gà giống/tháng cho người chăn nuôi.
Không chỉ phụ thuộc vào các DN nước ngoài đang hoạt động trực tiếp trong nước, VN còn phụ thuộc rất lớn vào nguồn giống nhập khẩu từ bên ngoài. Chỉ tính riêng con giống gia cầm, mỗi năm VN phải nhập bình quân khoảng 1,0-1,2 triệu con. Đấy là chưa kể một lượng giống nhập lậu khổng lồ từ biên giới Trung Quốc đổ vào nước ta (NNVN đang phản ánh trong loạt bài “Bóc trần những đường dây nhập lậu gà giống”).
Về lĩnh vực thuốc thú y, các Cty nước ngoài cũng đang chiếm thị phần cực lớn tới 80%. Sản phẩm thịt, trứng cung cấp cho 80 triệu dân VN cũng gần như nằm trong tay họ, trong đó riêng Cty CP Vietnam là DN hàng đầu chiếm thị phần “khủng”: 50% trứng gà, 30% thịt gà. Cty này cung cấp khoảng 5% về giống heo nhưng lại chiếm tới 8% thị phần sản phẩm từ heo trên thị trường vì chất lượng giống và công nghệ chăn nuôi hiện đại.
DN Việt thiếu liên kết
Cùng một mảnh đất “dụng võ”, lại lợi thế sân nhà, tại sao DN VN lại không thể làm được như DN nước ngoài? Theo ông Nguyễn Xuân Dương, dù DN hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi của VN có số lượng đông đảo gấp nhiều lần DN nước ngoài, nhưng hầu hết đều hoạt động nhỏ, riêng lẻ, rời rạc từng công đoạn (không tạo chuỗi chăn nuôi khép kín) khiến sức cạnh tranh rất yếu, dễ thua lỗ.
Trong khi đó, các DN nước ngoài làm rất tốt việc này, họ làm từ con giống, TĂCN, tổ chức chăn nuôi, giết mổ chế biến và kinh doanh thực phẩm, đưa sản phẩm cuối cùng tới tận tay người tiêu dùng.
“Vì thế, muốn tạo sức mạnh thì các DN trong nước phải có sự liên kết lại với nhau. Hiện một số DN VN cũng bắt đầu thực hiện chuỗi chăn nuôi khép kín và bước đầu cho kết quả khả quan. Tôi khẳng định đây là xu thế chung của các nước trên thế giới, nếu chúng ta không làm theo thì khó có thể phát triển lớn mạnh. Trong chuỗi khép kín chăn nuôi, có khi kinh doanh con giống lỗ, nhưng TĂCN và thịt, trứng, sữa lại lãi, khi tổng kết cả chuỗi thì DN vẫn hoạt động hiệu quả” – ông Dương nói.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi khẳng định, các Cty nước ngoài có cách quản lý rất khoa học, có sự liên kết chặt chẽ và cách thức thâm nhập thị trường hiệu quả. Đơn cử như như Cty CP Vietnam đang liên kết với hàng chục nghìn hộ dân chăn nuôi gia công bằng việc cung cấp con giống, TĂCN, cán bộ kỹ thuật, sau đó thu mua toàn bộ sản phẩm đảm bảo người chăn nuôi có lãi. Đây cũng là lý do giải thích tại sao, nhiều năm nay Cty này luôn có doanh thu khủng trên dưới 1 tỷ USD/năm!
Theo ông Phan Minh Báu – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai, tỉnh này có đàn gia súc, gia cầm lớn nhất nước với 1,3 triệu con heo và trên 10 triệu con gia cầm. Trong số này, có rất nhiều hộ và trang trại chăn nuôi gia công cho các Cty nước ngoài (đặc biệt là CP Vietnam).
Vì thế, các DN trong nước phải thực hiện kinh doanh theo từng chuỗi, có chiến lược liên kết ưu tiên đầu tư, quản lý theo chuỗi chăn nuôi khép kín theo hướng sinh thái (ví dụ như Đồng Nai quy hoạch vùng chăn nuôi sinh thái theo hướng: 40% diện tích nuôi heo, 25% diện tích nuôi gà, còn lại 35 diện tích quy hoạch để trồng cây xanh) nhằm đảm bảo phát triển bền vững.
Theo Cục Chăn nuôi, chỉ tính trong 2 năm (2010 và 2012), số vốn đầu tư của 17 DN lớn nước ngoài đã lên tới trên 635 triệu USD. Điều này cho thấy tiềm lực tài chính là một thế mạnh của các Cty nước ngoài khi đầu tư vào chăn nuôi.
Trong quá trình đầu tư, các Cty nước ngoài có những đóng góp đáng kể cho quá trình phát triển chăn nuôi của VN. Với những ưu thế vượt trội về trình độ quản lý, công nghệ và vốn, nhiều người chăn nuôi ở nước ta sau một thời gian chăn nuôi gia công cho các Cty này đã tích lũy được kinh nghiệm và vốn, tách ra hình thành nên những Cty chăn nuôi kinh doanh thành công. Đồng thời, các Cty nước ngoài cũng đào tạo cho nước ta một đội ngũ cán bộ quản lý và kỹ thuật chuyên nghiệp, đáp ứng được yêu cầu của chăn nuôi hàng hóa, công nghiệp.
Nhưng sự “bóc lột” của họ với ngành chăn nuôi béo bở của Việt Nam cũng là không nhỏ, và đã nhìn thấy qúa rõ ràng. Trong tương lai nếu các DN chăn nuôi VN không nhanh chóng vươn lên thì ngành chăn nuôi trị giá vài tỷ USD/năm của nước ta chắc chắn sẽ bị các DN nước ngoài nuốt mất.
Theo Nhuongquyenvietnam