Việc hứa hẹn không phải là xấu nhưng lại dễ khiến nhà tuyển dụng mất cảm tình với bạn, bởi người ta vẫn thường nghĩ, những người hay hứa thì không biết có làm nên trò trống gì không.
Bước vào cuộc phỏng vấn, nhiều ứng viên tỏ ra lúng túng vì không biết nên làm gì, nói những gì và điều gì nên tránh. Thậm chí, ngay cả những ứng viên lành nghề, từng dày dạn trên con đường xin việc cũng không kém phần lo lắng, dù họ tỏ ra tự tin hơn.
Đôi khi, ứng viên mải thể hiện bản thân, khoe kỹ năng của bản thân mà mắc phải những lỗi đáng tiếc. Thực tế, có rất nhiều điều bạn không nên làm trong một buổi phỏng vấn việc làm, nhưng 5 vấn đề sau có thể coi là quan trọng nhất.
Hứa hẹn
Điều này nghe có vẻ hơi ngớ ngẩn, nhưng thực tế lại rất nhiều ứng viên mắc phải. Trong công việc thường nhật, đôi khi, lời hứa của bạn có thể chấp nhận được nhưng khi phỏng vấn thì hoàn toàn không nên có. Tất nhiên, không loại trừ một số công việc cần sự hứa hẹn khi đối diện nhà tuyển dụng nhưng đó chỉ là thiểu số, còn lại, bạn đừng nên tự mình hứa hẹn bất kỳ điều gì nếu nhà tuyển dụng không nhắc đến.
Thực sự, việc hứa hẹn không phải là xấu nhưng lại dễ khiến nhà tuyển dụng mất cảm tình với bạn, bởi người ta vẫn thường nghĩ rằng, những người hay hứa thì không biết có làm nên trò trống gì không, hay chỉ là những “con ma nhà họ hứa”. Rất nhiều ứng viên cứ hứa hẹn đủ điều nhưng thực tế, hiệu quả công việc họ đem lại không được như thế. Nhà tuyển dụng sẽ ít nhiều ác cảm với những kiểu người đó.
Vì vậy, tốt nhất, bạn đừng nên hứa hẹn điều gì nếu nhà tuyển dụng không yêu cầu. Thay vào đó, hãy nhấn mạnh lòng nhiệt huyết và sự hứng thú của bạn với vị trí công ty đang cần.
Điện thoại di động ở chế độ im lặng
Rõ ràng là có nhiều chuyện bất ngờ có thể khiến điện thoại của bạn rung lên hoặc reo inh ỏi khi đang phỏng vấn. Vì vậy, bạn nên để điện thoại ở chế độ im lặng, hoặc cùng lắm là để rung trong suốt quá trình phỏng vấn. Bởi như thế, người phỏng vấn sẽ cảm thấy bạn thực sự tôn trọng họ và nghiêm túc với công việc. Bạn nên nhớ rằng, không có gì dễ khiến người khác bực mình hơn việc điện thoại reo inh ỏi trong rạp chiếu phim, khi mọi người đang tập trung vào màn hình, hay trong cuộc họp quan trọng và đặc biệt là khi phỏng vấn xin việc.
Nếu có những việc quan trọng khiến bạn không thể không để chuông điện thoại, tốt hơn là nói ngay từ đầu với nhà tuyển dụng để họ hiểu và chấp nhận lý do của bạn.
Thảo luận về tiền bạc trong cuộc phỏng vấn đầu tiên
Đôi khi cũng có trường hợp ngoại lệ cho quy tắc này, nhưng thông thường đây không phải là một ý tưởng hay. Thảo luận ngay về vấn đề lương lậu, tiền bạc ngay trong buổi phỏng vấn đầu tiên dễ khiến nhà tuyển dụng có cảm giác bạn là kẻ chỉ biết đến tiền mà không nhìn thầy đam mê công việc từ bạn.
Tuy nhiên, nếu được hỏi, bạn hãy trả lời với thái độ thoải mái và xem nó như là một rào cản cần vượt qua, coi như đó là một câu hỏi nhà tuyển dụng đưa ra cho bạn vậy. Nhưng chắc chắn đừng tạo ấn tượng rằng bạn muốn làm công việc này chỉ để kiếm tiền.
Ngắt lời người phỏng vấn
Hãy tôn trọng và kiên nhẫn chờ đợi người phỏng vấn kết thúc câu hỏi của họ trước khi bạn bắt đầu nói. Có thể, khi nhà tuyển dụng vừa mở lời, bạn đã đọc ngay ra ý họ muốn hỏi gì, nhưng dù sao, cũng để họ nói hết câu đã. Thậm chí nếu người phỏng vấn nói nhiều hơn bạn thì đó cũng là một dấu hiệu tốt. Đừng ngắt lời họ bởi họ có thể cung cấp cho bạn một số thông tin tốt để bạn sử dụng trong câu trả lời đấy.
Đến muộn
Đây là điều tối kị khi đi phỏng vấn bởi nó khiến nhà tuyển dụng có cảm giác bạn thiếu nghiêm túc, cẩu thả trong công việc. Kể cả bạn đến sớm thì cũng nên ngồi chờ chứ đừng lăng xăng đi ăn sáng hay la cà trà đá vỉa hè để rồi lại thành người đến muộn. Tốt nhất là bạn nên đến sớm và đừng đi đâu cả.
Nếu bạn có việc bận đột xuất và không thể đến đúng giờ, hãy chủ động gọi điện báo tin và xin một cuộc hẹn phỏng vấn vào thời gian thích hợp hơn. Bất kỳ cuộc phỏng vấn xin việc nào, bạn cũng sẽ gặp nhiều sự cạnh tranh, vì vậy, hãy chắc chắn bạn luôn sẵn sàng, chuẩn bị kỹ lưỡng và nhớ đến đúng giờ để gây ấn tượng tốt ngay từ đầu.
Theo Zing