Trong những năm gần đây, hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thương trường gây ra những tổn thất lớn cho nhiều thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam. Và đến hôm nay, khi sự “chơi xấu” đó ngang nhiên xâm phạm đến một trong những thương hiệu quyền lực hàng đầu tại Việt Nam là cà phê Trung Nguyên thì đến ngay cả người bình tĩnh nhất cũng không thể ngồi yên.
Từ ngoài đánh trong
Hành động phá hoại Trung Nguyên lần này không có gì mới: một số cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức từ nước ngoài thông qua mạng internet tung tin đồn thất thiệt về thương hiệu hàng hóa trong nước.
Cụ thể mới đây trên nhiều diễn đàn, trang mạng xã hội… đã xuất hiện đường links có thông tin xấu về chất lượng cà phê Trung Nguyên. Thực chất đó là một trong nhiều bài viết nói xấu các thương hiệu nổi tiếng có xuất xứ từ Việt Nam của một tác giả hải ngoại, nhằm kêu gọi cộng đồng Việt Kiều và những người tiêu dùng tại Việt Nam tẩy chay các thương hiệu hàng Việt uy tín. Vụ việc đã được Cơ quan An ninh chặn đứng và có kết luận từ năm 2009. Nay, vì mục đích cạnh tranh bất chín, vô đạo đức; lợi dụng cả sự tin tưởng của người tiêu dùng và tính chất dễ lan truyền của môi trường mạng, một tổ chức nào đó đã sử dụng lại thông tin này và gieo rắc, lan truyền trên mạng, gây hoang mang trong cộng đồng người tiêu dùng, gây tổn hại đến uy tín của thương hiệu cà phê Trung Nguyên nói riêng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành cà phê Việt Nam nói chung.
Hơn nữa, để gây khó khăn về mặt tổ chức nhân sự, khai thác thông tin kỹ thuật và bí quyết công nghệ của Trung Nguyên tổ chức này đang thực hiện thủ đoạn dùng tiền để mua chuộc cán bộ cốt cán của Trung Nguyên rời bỏ công ty, đặc biệt các chuyên gia đang nắm giữ bí quyết công nghệ, nhằm phá hoại tổ chức.
Những việc làm trên không những phi đạo đức mà còn phi phạm điều khoản về cạnh tranh không lành mạnh của Luật cạnh tranh. Tất cả làm nguy hại đến một thương hiệu đã được công nhận là Thương hiệu quốc gia, một thương hiệu luôn vì người tiêu dùng, vì ngành cà phê Việt Nam, một thương hiệu luôn đồng hành cùng các hoạt động quảng bá cho hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường Quốc tế trong những hội nghị thượng đỉnh, hội nghị toàn cầu, các sự kiện ngoại giao nổi bật của Việt Nam trong nhiều năm qua.
Việc sử dụng bài báo và những thủ đoạn phi đạo đức, phản luật pháp trên trên có thể chỉ là một trong nhiều hành động có toan tính của những đối thủ cạnh tranh của Trung Nguyên, nhằm hạ thấp uy tín thương hiệu của cà phê Trung Nguyên cũng như thương hiệu nông sản Việt Nam, tạo điều kiện cho những thực hành kinh doanh xấu lên ngôi, cho các thế lực xấu thôn tín kinh tế Việt Nam…
Các thương hiệu khác thì sao?
Sự việc xảy ra với công ty cà phê Trung Nguyên trong những năm qua, đặc biệt là trong 2 tháng trở lại đây đã gây hoang mang cho nhiều doanh nghiệp có thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam.
Ai cũng biết cà phê Trung Nguyên là một thương hiệu không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn nổi tiếng trên các quốc gia thế giới. Sản phẩm cà phê Trung Nguyên đều đã được kiểm định và chứng nhận về an toàn chất lượng bởi các cơ quan chức năng có thẩm quyền có liên quan trong lĩnh vực y tế, chất lượng thực phẩm tại Việt Nam. Đặc biệt, Trung Nguyên cũng được chọn là Thương hiệu Quốc gia trong ngành cà phê. Do vậy nhiều thập kỷ qua sản phẩm cà phê Trung Nguyên đã vượt qua những tiêu chuẩn kiểm định ngắt nghèo nhất của những thị trường quốc tế khó tính và kỹ lưỡng nhất như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản… để được nhập khẩu vào thị trường này, tới gần 60 quốc gia trên thế giới và được người tiêu dùng của các nước này ngày càng mến chuộng. Có thể khẳng định không một số tiền nào có thể mua chuộc được người tiêu dùng và cơ quan chức năng của gần 60 quốc gia ấy. Với niềm tin và uy tín đó, sản phẩm của Trung Nguyên đã được chọn làm đại sứ ngoại giao văn hóa chính thức của Việt Nam, là thức uống chính thức tại nhiều Hội nghị như Hội nghị Thượng đỉnh APEC, ASEM, ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu, Hoa hậu Trái đất, Hoa hậu Quý bà Thế giới , giao lưu hội Việt – Bỉ 2009, ASEAN Open Food day 2010…
Trong bức tâm thư gửi các cơ quan mới đây doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên có đoạn:”Là một doanh nghiệp tiên phong trong ngành cà phê Việt Nam, chúng tôi hi vọng và mong muốn các doanh nghiệp trong cùng ngành có thể giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau vì mục tiêu nâng cao giá trị và hình ảnh của ngành cà phê Việt Nam trên trường quốc tế, với mục tiêu mang lại sự thịnh vượng cho Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam vốn đã thua thiệt, yếu kém hơn nhiều nước khác, muốn cạnh tranh được phải nỗ lực gấp nhiều lần những thương hiệu tới từ các quốc gia phát triển. Vì thế, với những doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành, chúng tôi kêu gọi việc chung tay xây dựng nền móng và văn hóa kinh doanh tốt để giúp cho Việt Nam cạnh tranh được với thế giới. Quan điểm của chúng tôi là nếu có doanh nghiệp nào đó trong ngành có sai lầm, thì trước tiên cần có chế tài xử lý; sau đó cần có biện pháp hỗ trợ, khắc phục hậu quả, vì lợi ích chung của toàn ngành. Một doanh nghiệp không thể nào độc chiếm giá trị của cả một ngành, nhất là những ngành kinh tế truyền thống và có uy tín của Việt Nam. Chúng tôi kiên quyết đả phá những hành vi mang tính chất phá hoại, vì lợi ích cục bộ, nhỏ lẻ của một số doanh nghiệp trong ngành mà gây ra hậu quả khôn lường cho các doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh; đẩy doanh nghiệp Việt Nam vào thế khó khăn, khiến cho ngành cà phê Việt Nam mất đi hình ảnh và những lợi thế.”
Từ những việc làm cạnh tranh không lành mạnh nhằm tiêu diệt những thương hiệu quốc gia của Việt Nam của những đối tượng xấu nhằm hạ uy tín để chiếm lĩnh thị trường và nhiều lý do khác nữa cần phải được làm rõ để cho mỗi doanh nghiệp Việt Nam khi đã có được danh hiệu là thương hiệu quốc gia cũng như cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không bị tổn hại bởi những trò “chơi bẩn” để doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh trên thị trường trong và ngoài nước đúng như doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ khẳng định: “Là một doanh nghiệp trên thương trường, chúng tôi hiểu và chấp nhận việc cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh, ủng hộ một môi trường cạnh tranh cởi mở nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp nỗ lực hết sức để phục vụ người tiêu dùng tốt nhất có thể; nhưng chúng tôi kiên quyết đả phá những xảo thuật kinh doanh không lành mạnh như nói xấu đối thủ, làm giàu không lương thiện dựa trên việc gieo rắc nỗi sợ hãi trong cộng đồng”.
Rõ ràng chuyện không may xảy đến với Trung Nguyên khiến nhiều doanh nghiệp phải thận trọng hơn trên thương trường. Họ cần tự nhìn lại mình, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thông tin, tổ chức nhân sự… tất cả để sẵn sàng đề phòng trong một cuộc chiến cam go nhằm bảo vệ và gìn giữ thương hiệu của Doanh nghiệp. Đó cũng là hồi chuông cảnh tỉnh các doanh nghiệp khác trong việc bảo vệ chính mình.
Theo Mai Hà