Phỏng vấn là một trong những kỹ năng quan trọng giúp nhà tuyển dụng chọn được ứng viên phù hợp giữa hàng trăm ứng viên “thường thường bậc trung” khác. Để buổi phỏng vấn thành công và đạt được kết quả mong muốn, người phỏng vấn cần lên kế hoạch rõ ràng và nhất quán trước và trong suốt cuộc phỏng vấn.
Vì vậy, trước khi tiến hành phỏng vấn, hãy chắc rằng bạn đã chuẩn bị sẵn các câu hỏi phù hợp để tìm hiểu những thông tin cần thiết về ứng viên:
Trước buổi phỏng vấn
Xác định rõ mục tiêu tuyển dụng:
Bạn cần xác định rõ bạn muốn ứng viên đáp ứng những yêu cầu, mong đợi và những phẩm chất gì qua những câu hỏi sau:
Ứng viên cần đảm trách những nhiệm vụ gì, có những kiến thức và kỹ năng nào?
Ứng viên cần đạt được những thành tích cụ thể nào ở vị trí này?
Xóa tan sự ngượng ngập ban đầu
Hãy để cho buổi phỏng vấn của bạn diễn ra thật tự nhiên. Là người phỏng vấn, bạn nên giúp ứng viên đỡ căng thẳng, lo lắng trước khi buổi phỏng vấn thực sự bắt đầu. Bạn có thể hỏi ứng viên:
– Bạn tìm công ty của chúng tôi có khó không?
– Bạn muốn dùng chút café hay nước lọc trước khi chúng ta bắt đầu không?
Trong cuộc phỏng vấn
Đặt câu hỏi để xác định đúng khả năng thật sự của ứng viên
Bạn không nên chỉ đặt câu hỏi phỏng vấn dựa vào bảng mô tả công việc và kinh nghiệm làm việc của ứng viên. Với những câu hỏi sau đây, bạn sẽ có thông tin chính xác hơn để biết được ứng viên có đủ kỹ năng và phẩm chất phù hợp với công việc hay không.
Các câu hỏi dạng truyền thống:
Ứng viên thường đoán trước họ sẽ được hỏi những câu này, vì vậy họ sẽ chuẩn bị sẵn câu trả lời trước buổi phỏng vấn. Tuy nhiên, bằng cách hỏi các câu hỏi sau đây, bạn sẽ có được những thông tin cơ bản về ứng viên. Ví dụ:
Hãy cho tôi biết về anh/chị.
Điểm mạnh của anh/chị là gì?
Tại sao anh/chị muốn làm việc cho công ty chúng tôi?
Câu hỏi tình huống:
Đây là dạng câu hỏi giúp bạn đánh giá khả năng xử lý tình huống của ứng viên. Hãy hỏi ứng viên cách họ xử lý một tình huống cụ thể trong công việc như thế nào. Ví dụ:
– Bạn sẽ làm gì khi gặp một khách hàng đang vô cùng tức giận?
– Bạn sẽ làm gì để giảm căng thẳng trong công việc?
Câu hỏi về hành vi trong quá khứ:
Dạng câu hỏi này yêu cầu ứng viên cho biết kinh nghiệm làm việc trước đây của họ. Cách giải quyết vấn đề của ứng viên trong quá khứ là cơ sở đáng tin cậy giúp nhà tuyển dụng dự đoán được cách họ xử lý công việc trong tương lai như thế nào. Ví dụ:
– Hãy cho tôi một ví dụ về cách anh/chị giải quyết thành công một sự cố trong công việc trước đây cùng với đội nhóm của mình?
– Anh/chị đã từng xử lý thành công một vấn đề nan giải trong công việc trước đây như thế nào?
Tìm nhân viên biết “chung vai sát cánh”.
Bạn cần tìm ứng viên có thể làm việc tốt với đội nhóm và phù hợp với văn hóa công ty. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng! Các câu hỏi sau đây sẽ giúp bạn biết được ứng viên có phải là một thành viên phù hợp không:
– Anh/chị sẽ làm gì để hoàn thành dự án A trong một hạn định rất ngắn với một đội ngũ có 3 thành viên?
– Theo anh/chị, đâu là tiêu chí quan trọng nhất khi làm việc theo nhóm?
Nên có nhiều người tham gia buổi phỏng vấn
Nếu điều kiện cho phép, bạn nên mời một số người liên quan tham gia buổi phỏng vấn để có đánh giá khách quan và thấu đáo hơn về ứng viên. Ngoài cấp quản lý trực tiếp và đại diện phòng nhân sự ra, bạn nên mời thêm một nhân viên khác làm việc chung bộ phận với ứng viên sau này.
Theo Vietnamworks