Tìm ra ứng cử viên sáng giá

Bạn là một nhà tuyển dụng và nhận được nhiệm vụ phải tuyển thêm nhân sự. Với hàng tá hồ sơ ứng tuyển thì biết ai là ứng cử viên sáng giá cho vị trí bạn đang tuyển? Sau đây là vài bí quyết nhỏ giúp bạn tìm được người tài. 
Dự đoán người tài qua hồ sơ
Đâu là một “ngôi sao”?
1. Trong thư xin việc, cô ấy kể nhiều kinh nghiệm cần thiết cho công việc bạn đang tuyển dụng. Điều này cho thấy cô ấy không chọn công việc chỉ để kiếm sống mà để đạt đến thành công.
2. Cô ấy đưa ra những bằng chứng cụ thể về năng lực của mình. Bạn đã quá nhàm với lời tự giới thiệu đại loại như: “Nói tiếng Anh lưu loát”. Cô ấy viết “Giải nhất toàn trường cuộc thi hùng biện tiếng Anh”. Những bằng chứng như thế chứng tỏ cô ấy vừa có năng lực, vừa là người không nhắm mắt làm theo những tiêu chuẩn lỗi thời của đơn xin việc.
3. Thư xin việc trình bày rõ ràng. Một lá thư xin việc rõ ràng, mạch lạc cho thấy óc tổ chức, khả năng sắp xếp của người viết.
Một ứng viên bình thường sẽ có những biểu hiện sau:
1. Điểm khởi đầu của cô ấy là trưởng phòng sales. Sau một năm cô ấy là quản lý. Hai năm tiếp theo đó, cô ấy là nhân viên. Việc đi thụt lùi cho thấy người này thiếu năng lực quản lý.
Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý những người giậm chân tại chỗ. Nếu họ thỏa mãn ở vị trí đó thì không vấn đề gì. Nhưng nếu họ không thể thăng tiến thì bạn nên nghĩ lại.
2. Đổi công việc liên tục: Cô ấy khởi nghiệp là một chuyên viên thiết kế, sau đó nhảy sang làm kế toán và bây giờ muốn có một chỗ trong phòng sales của bạn. Bạn có cần phỏng vấn không?
Người có những bước nhảy như thế thường không thu thập đủ kinh nghiệm trong bầt kỳ một lĩnh vực nào. Mặt khác, biểu hiện này chứng tỏ cô ấy là người hay thay đổi. Cho dù có tài đi nữa, liệu cô ấy sẽ làm ở chỗ bạn bao lâu?
3. Làm như thế muốn giấu giếm điều gì: Trong bảng tóm tắt lịch sử công việc có những khoảng thời gian trống. Bạn nên tìm hiểu xem đó là vì họ đi học hay nghỉ ở nhà. Điều này sẽ giúp bạn đoán được họ có hứng thú với công việc hay không.
4. Thư xin việc không rõ ràng: Bạn chẳng nên bận tâm đến tác giả của lá thư xin việc câu cú lủng củng và đầy lỗi chính tả.
Thời nay, kiểm tra lỗi chính tả văn bản tiếng Anh chỉ đơn giản cần một cú nhấp chuột. Vì vậy, một lá thư xin việc sai lỗi chính tả là điều không thể chấp nhận được. Nó khiến ta băn khoăn rằng họ chẳng quan tâm đến công việc hay không biết sử dụng máy vi tính?
Tìm được “ngôi sao” trong buổi phỏng vấn
Ăn mặc chuyên nghiệp
Ứng viên cần ăn mặc chuyên nghiệp khi đi phỏng vấn vì ấn tượng đầu tiên có vai trò rất quan trọng đối với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn cứng nhắc đòi hỏi ứng viên phải trịnh trọng trong bộ complê và chiếc cà vạt truyền thống. Một ứng viên biết chọn trang phục phù hợp với văn hóa công ty là người đang nghiêm túc tìm kiếm cơ hội làm việc với công ty đó.
Chuẩn bị chu đáo
Bất kỳ ứng viên nào đi phỏng vấn cũng cần chuẩn bị kỹ về công ty tuyển dụng. Vì vậy, hãy hỏi ứng viên càng nhiều càng tốt những gì họ biết về hoạt động và thành tích của công ty. Hãy hỏi ứng viên vì sao họ chọn công ty bạn? Nếu ứng viên mơ hồ về điều này, rõ ràng họ không có ý định gắn bó nghiêm túc với công ty bạn.
Có khả năng trình bày rõ ràng
Một ứng viên giỏi sẽ biết cách trình bày ý kiến của mình một cách rõ ràng. Ngoài ra, họ còn có khả năng diễn đạt mạch lạc và súc tích quan điểm bản thân. Vì vậy, khi bạn cảm thấy ứng viên trả lời còn mơ hồ, chưa thống nhất, hãy “ép” ứng viên nói thêm để kiểm tra xem ứng viên có khả năng trình bày mạch lạc rõ ràng hay không.
Có phong thái tự tin
Tự tin khác với kiêu ngạo. Một ứng viên thật sự giỏi luôn nhún nhường, khiêm tốn, nhưng họ biết rõ sở trường của mình và tự tin về điều này. Họ cũng biết chấp nhận những khuyết điểm và tìm cách khắc phục những hạn chế của bản thân.
Có phong cách thể hiện chuyên nghiệp
Hãy chọn ứng viên có thể làm việc chuyên nghiệp và dễ hòa đồng với mọi người xung quanh. Những ứng viên này sẽ dễ dàng thích nghi với môi trường làm việc mới.
Ngoài ra, 5 câu hỏi dưới đây sẽ giúp bạn “nhìn thấu” được khả năng thực sự của ứng viên:
1. “Đồng nghiệp thường đánh giá anh/chị là người thế nào?”
2. “Anh/chị không thích làm công việc nào? Anh/chị làm thế nào để hoàn thành tốt những công việc này?”
3. “Anh/chị đã bao giờ phạm phải sai lầm nào ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự thành công của dự án hay đe dọa mối quan hệ tốt đẹp của công ty với khách hàng? Anh/chị đã khắc phục sai lầm đó như thế nào?”
4. “Điều gì làm anh/chị phấn chấn trong công việc?”
5. “Anh/chị có thể kể lại tình huống công việc vui nhất đã có từ trước đến nay?”

Theo Tuyendung