Cần những giải pháp căn cơ để gỡ khó cho nền kinh tế

Trước tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, nhiều đại biểu QH cho rằng cần phân tích rõ hơn tình trạng nợ xấu hiện nay trong ngân hàng, trong DN. Trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp căn cơ, cụ thể từng bước tháo gỡ sản xuất kinh doanh.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong tổng số 15 chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2012, dự kiến có 5 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP), tỉ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, tạo việc làm, mức giảm tỉ lệ hộ nghèo và tỉ lệ che phủ rừng; 10 chỉ tiêu còn lại đều có triển vọng đạt và vượt kế hoạch.


Đánh giá lại thực trạng
Về hai chỉ tiêu quan trọng dự kiến không đạt là tốc độ tăng trưởng kinh tế và tỉ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, đại biểu Vương Đình Huệ (Bình Định) cho rằng, thực tế khó khăn không chỉ của VN mà là thực trạng chung của thế giới. Mặc dù việc phân bổ vốn chậm song hiện nay Bộ đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn đầu tư qua đó góp phần giải quyết hàng hoá tồn kho từng bước thúc đẩy phát triển KT- XH.
Đại biểu Thân Văn Khoa (Bắc Giang) cho rằng, Chính phủ cần phân tích đánh giá kết quả và nguyên nhân tồn tại một cách đầy đủ, toàn diện hơn. Bởi lẽ nền kinh tế đang đối mặt với tình trạng lạm phát giảm, nhập siêu giảm nhưng cho thấy những dấu hiệu lo ngại về sự trì trệ nền kinh tế; thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng dư thừa nhưng DN vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vay vốn; tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt sự thống nhất cao, nhưng việc thực hiện trên thực tế đến nay chưa mang lại kết quả rõ nét. Việc nhập siêu giảm mạnh liên tục và xuất siêu trong 9 tháng cho thấy thực trạng đáng lo ngại về năng lực hấp thụ đầu vào và tổng cầu của nền kinh tế đang suy giảm mạnh; hai nút thắt của nền kinh tế là nợ xấu và hàng hóa tồn kho đang làm tắc nghẽn quá trình chu chuyển nguồn lực quốc gia. Bên cạnh đó, thu ngân sách nhà nước 9 tháng chỉ đạt 67,3% dự toán, là năm có tiến độ thu thấp nhất trong các năm gần đây; khả năng thu những tháng còn lại rất khó khăn, ảnh hưởng đến thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội.
Một số ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đánh giá toàn diện, đầy đủ thực trạng tình hình khó khăn của DN hiện nay, nhất là DN nhỏ và vừa; đánh giá sự tác động đến tăng trưởng, việc làm trong thời gian tới, đồng thời có các giải pháp hỗ trợ hữu hiệu.
Bên cạnh đó, cũng đề nghị cần phân tích rõ hơn tình trạng nợ xấu hiện nay trong hệ thống ngân hàng, trong các DN để có sự phân loại phù hợp, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp cụ thể từng bước tháo gỡ sản xuất kinh doanh cho các DN.

Công khai minh bạch số liệu
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, Chính phủ ước tính GDP đạt 5,2% trong năm 2012 nhưng sẽ rất khó, vì quý 4 phải đạt 5,6 – 5,7% trở lên thì mới đạt tới con số này. Chắc GDP năm 2012 chỉ đạt 5 – 5,1%. Theo ông Ngân, VN đang ở giai đoạn cực khó khăn, chưa có dấu hiệu phục hồi. Số DN giải thể vẫn tăng. Tổng vốn đầu tư xã hội chỉ đạt khoảng 30% GDP. Điều đó thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư vào chính sách của Chính phủ có suy giảm, họ chưa dám đầu tư mà chờ đợi động thái tiếp theo của Chính phủ về chính sách. Lạm phát giảm, liệu có phải do kiềm chế thành công hay là lực cầu bị suy kiệt ? – đại biểu Ngân hỏi. Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) khẳng định, GDP quý sau tăng hơn quý trước, hàng tồn kho giảm đi là đúng, nhưng thiếu phân tích. 

Không thể kích cầu như 2009, nhưng đừng sợ lạm phát quay lại mà siết cầu.

Hơn nữa, theo đại biểu Lịch, trong suốt 5 năm qua, tất cả những khó khăn của Chính phủ chỉ là tập trung xử lý những tình thế, chưa giải quyết được căn cơ, ví dụ nguồn gốc của nhập siêu, lạm phát, mất giá đồng tiền. Vì vậy, năm 2011, áp dụng tất cả những biện pháp giảm lạm phát thì chỉ là giọt nước tràn ly, dẫn đến năm 2012 lạm phát giảm nhưng GDP giảm, và lạm phát có thể quay trở lại bất kỳ lúc nào. Không thể kích cầu như năm 2009, nhưng đừng sợ lạm phát quay lại mà siết cầu. Đừng để DN vì thiếu vốn lưu động mà phá sản, không trả được nợ.
Riêng về hỗ trợ lãi suất, giải quyết nợ xấu, đại biểu Trần Du Lịch đề nghị các ngân hàng phải có trách nhiệm rõ ràng với xã hội, công khai số nợ xấu thực chất là nợ gì, nợ bao nhiêu. Quốc hội cũng phải chất vấn làm rõ vấn đề này. Các ngân hàng thương mại phải lập quỹ dự phòng để giải nợ xấu, không có chuyện nợ xấu tăng mà lương thưởng tại các ngân hàng vẫn cao. “Nên hỗ trợ các DN có thị trường, có điều kiện, nếu có nợ xấu vẫn cho họ vay để tiếp tục phát triển” – đại biểu Lịch nói.
Hơn nữa, đại biểu Trần Du Lịch đề nghị lập Ủy ban quốc gia về tái cơ cấu kinh tế do Thủ tướng đứng đầu. Ủy ban này soạn ra thể chế về tái cơ cấu kinh tế, giải quyết các vấn đề về tái cơ cấu ngân hàng, đầu tư công, DN Nhà nước, vì kinh nghiệm thế giới cho thấy, không có ngân hàng nào tự mình giải quyết việc tái cơ cấu, nợ xấu. Theo ông Lịch, nếu kỳ họp này mà QH không quyết được các giải pháp cụ thể thì năm 2013 chưa thể có chuyển biến.

Theo baocongthuong