Tái cơ cấu trở thành nhu cầu bức thiết và động lực thúc đẩy các doanh nghiệp thay đổi,

Không phải là câu hỏi tồn tại hay tái cơ cấu nữa, mà tái cơ cấu đã trở thành nhu cầu bức thiết và là động lực thúc đẩy các DN trong ngành thép phải thay đổi, khi từ đầu năm 2012 đến nay, đã có 5 DN trong ngành phá sản.
Một trong những DN lớn của ngành thép đã chính thức phá sản “đau đớn” là Cty Thép Thái Sơn – DN xuất nhập khẩu sắt thép lớn nhất Hải Phòng trong năm 2011. Do sử dụng đòn bẩy tài chính mạnh để mua sắt thép và khi giá thép rớt giá trong năm 2008, đồng thời hàng tồn kho không tiêu thụ được, Thái Sơn đã sớm lâm vào cảnh nợ nần thua lỗ từ năm 2008 nhưng cái “bọc nhọt” chỉ thực sự vỡ ra ở đầu năm 2012, khi dư nợ vay của Thái Sơn tại 13 tổ chức tín dụng đã lên tới gần 1.000 tỉ đồng và 100% các khoản vay của Thái Sơn quá hạn.
“Cái chết” của Thái Sơn tiêu biểu cho nhiều DN ngành thép trong thời điểm hiện nay: Nợ vay lớn và hàng tồn kho quá nhiều. Hệ quả là chi phí tài chính do sử dụng đòn cân nợ với lãi suất cao đã dần dần gặm mòn sức khỏe DN, DN không xoay được tiền trả lãi vay và nợ gốc NH, rơi vào vòng xoáy kiệt quệ.
Trên thực tế thì thị trường ngành thép xây dựng tuy có nhiều DN lớn, nhỏ, nhưng thị phần chỉ chia cho một số tổ chức đầu ngành. Thép Pomina, Thép Hòa Phát, Gang Thép Thái Nguyên, Thép Việt Ý và Thép Dana -Ý đang là những Cty đang nắm giữ hơn 60% thị phần ngành thép xây dựng, thì điều oái ăm đây lại cũng là những DN có hệ số đòn bẩy nợ/ vốn chủ sở hữu khá cao. Tính đến ngày 30/6/2012, hệ số này ở các DN khoảng 1,9 lần, trong đó chỉ có Thép Hòa Phát là có hệ số nợ/VCSH thấp ởmức 0,6 lần. Tuy nhiên, tại thời điểm 31/9/2012, Thép Hòa Phát đang có tài sản ngắn hạn đạt hơn 9.582 tỉ đồng, trong đó hàng tồn kho đã chiếm 2/3 và có trị giá 6.340 tỉ đồng. Còn Pomina, đơn vị đang đứng đầu về thị phần ngành thép xây dựng và cũng có nhà máy hiện đại, công suất lớn nhất Đông Nam Á, thì lại đang phải nỗ lực giảm công suất vận hành nhà máy để giải phóng hàng tồn kho. Nhờ vậy, hàng tồn kho của Pomina tính đến 6 tháng đầu năm đã giảm đến 28% so với đầu năm và góp phần là giảm gánh nặng chi phí hàng tồn kho, nhưng việc giảm công suất vận hành nhà máy lại làm tăng mạnh chi phí cố định trên mỗi đơn vị sản phẩm và ảnh hưởng đến lợi nhuận gộp biên của Cty, khiến Pomina đang sụt giảm lợi nhuận tới 90% so với cùng kỳ năm trước.
Một trong những yếu tố khiến DN ngành thép không thể không tái cơ cấu, là bên cạnh thị trường tiêu thụ sụt giảm, nguồn cung của thị trường lại vẫn đang tăng lên do thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc tràn sang. Với lợi thế về lãi suất, thuế, trợ giá, khi vào thị trường VN, giá thép cuộn của Trung Quốc đang rẻ hơn thép trong nước hơn 1 triệu đồng/tấn và DN ngành thép VN gần như “vô phương khó đỡ” nếu thép Trung Quốc tiếp tục chính sách cạnh tranh về giá này.
Theo Hiệp hội ngành thép VN, sự phá sản của một số DN và việc hàng loạt Cty cắt giảm công suất hoạt động là một tín hiệu rõ nét nhất cho sự tái cơ cấu của ngành. Trước mắt, các DN ngành thép nói chung khó có kỳ vọng đạt lợi nhuận cao trong năm nay do khả năng hồi phục của ngành thép rất khó xảy ra vào ngắn hạn. Chứng khoán Maybank Kim Eng cho biết hiện tại Trung Quốc đang chiếm 47% sản lượng thế giới. Giá thép Trung Quốc đã giảm 20% trong năm nay do hàng tồn kho tăng đến 22%. Vì vậy, việcTrung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu thép để giảm lượng thép tồn kho là điều tất yếu và điều này sẽ kéo giá thép thế giới tiếp tục đi xuống. DN Thép nào “cắt” được gánh nợ tồn kho và giảm chi phí tài chính trong quá trình tái cơ cấu hiện nay, sẽ là DN “bứt” lên để đón đầu cơ hội hồi phục.

Theo M.Lê