DN Nhật Bản tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Long An.

Gần đây, nhiều DN Nhật Bản đã đến tham quan và tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Long An.
Trong buổi làm việc mới đây với VCCI Cần Thơ, Giáo sư Hirotoshi Tamura cùng 15 đại biểu Nhật Bản đến từ trường Đại học Kagawa, Vụ Kinh tế Công thương Shikoku, tổ chức JETRO Kagawa và các DN trong ngành lương thực thực phẩm ở vùng đảo Shikoku đã đề nghị VCCI Cần Thơ làm cầu nối cho việc trao đổi thương mại trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và cung cấp những chính sách, ưu đãi trong thu hút đầu tư của vùng ĐBSCL cho các nhà đầu tư Nhật Bản.

Cải thiện môi trường đầu tư
Theo ông Toshio Nakamura – Giám đốc điều hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI), Long An với vị trí thuận lợi, là tỉnh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư với những chính sách đúng đắn, chính quyền địa phương nhiệt tình hỗ trợ DN… đang trở thành địa điểm đầu tư “hấp dẫn” đối với các DN FDI, đặc biệt là các DN Nhật Bản.
Tuy nhiên, để thu hút dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản, theo ông Toshio Nakamura, bên cạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tỉnh Long An cần nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong môi trường đầu tư như chính sách ưu đãi về thuế, giá thuê đất ở khu công nghiệp, hoặc cung cấp thông tin những lĩnh vực mà địa phương chú trọng thu hút đầu tư…
Và theo như ông Tao Takeda – Giám đốc Cty NSK VN, đại diện cho 35 nhà đầu tư Nhật Bản tại khu công nghiệp Long Hậu (Long An): “Trước khi tham gia đầu tư ra nước ngoài, các DN chúng tôi thường tham khảo và tin tưởng sự đánh giá, nhận xét của các nhà đầu tư đi trước. Do vậy, việc chăm sóc các nhà đầu tư sau khi cấp giấy chứng nhận đầu tư là rất quan trọng và đây cũng là thể hiện sự quan tâm của chính quyền đối với các DN FDI”.

Hướng đến một chính quyền “phục vụ”
Ông Nguyễn Minh Hạ – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An cho biết, thông qua các buổi hội thảo, tiếp xúc trực tiếp với các nhà đầu tư FDI mà đặc biệt là các nhà đầu tư Nhật Bản, tỉnh đã sớm tìm hiểu yêu cầu của nhà đầu tư và quyết tâm xây dựng mô hình đáp ứng đầy đủ, kịp thời các tiêu chí mà họ đặt ra: Các khu công nghiệp được xây dựng với hạ tầng hoàn chỉnh, có mặt bằng riêng biệt, cung cấp dịch vụ trọn gói để các nhà đầu tư có đầy đủ thông tin và thuận tiện khi đầu tư vào Long An.
“Hiện 23/30 khu công nghiệp của tỉnh đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và một số khu công nghiệp như Đức Hòa III – Silico, Long Hậu đang gấp rút hoàn thiện các hạng mục còn lại để chuẩn bị đón các nhà đầu tư” – ông Hạ cho biết.
Theo ông Hạ, để đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, Long An đã và đang quyết tâm xây dựng môi trường đầu tư thật tốt với mục tiêu thu hút được nhiều nguồn đầu tư FDI theo hướng đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, chú trọng thu hút vào các ngành công nghiệp, dự án công nghệ mới. Và đây cũng chính là lĩnh vực đầu tư mà các nhà đầu tư Nhật Bản đang quan tâm. Bên cạnh đó cũng ưu tiên cho đầu tư hạ tầng, xử lý môi trường… nhằm tạo ra hiệu ứng lan tỏa kéo các ngành kinh tế khác phát triển.
Hiện nay, việc kết nối giao thông giữa TP HCM với Long An là tốt nhất so với các tỉnh, thành trong ĐBSCL. Đây là điều kiện tạo nên sức bật cho Long An trong việc khai thác lợi thế cạnh tranh để thu hút các dự án FDI vào địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Nguyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An: Kiên quyết thu hồi các dự án không đảm bảo tiến độ

Trong thời gian tới, Long An sẽ tiếp tục đổi mới cơ chế để thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư trong và ngoài nước theo hướng đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, chú trọng thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ rà soát, đánh giá, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, kiên quyết thu hồi các dự án không đảm bảo tiến độ.

Ông Phan Thành Phi – Trưởng Ban Quản lý kinh tế tỉnh Long An (Laeza): Thực hiện cơ chế “một cửa”

Laeza luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư khi đến tham gia đầu tư vào Long An và đặc biệt là đầu tư xây dựng nhà xưởng trong các khu công nghiệp hiện có của tỉnh. Với cơ chế “một cửa”, các hồ sơ của nhà đầu tư luôn được giải quyết nhanh chóng và đúng hẹn nhằm giúp cho nhà đầu tư triển khai dự án trong thời gian sớm nhất.

Ông Sakae Yoshida – Giám đốc tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro): Lợi thế cửa ngõ ĐBSCL

Ông Sakae Yoshida – Giám đốc tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro): Từ tháng 4/2011 đến nay, đã có hơn 2.400 nhà đầu tư Nhật Bản đăng ký tìm hiểu đầu tư vào VN thông qua tổ chức này. Nếu tính luôn cả các DN không thông qua Jetro thì con số này sẽ cao hơn rất nhiều.
Riêng với Long An, với lợi thế là cửa ngõ của vùng ĐBSCL, tiếp giáp với TP HCM – trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ cả nước, lại nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên hai năm gần đây (2011 – 2012), Long An đã trở thành tâm điểm của các nhà đầu tư FDI mà đặc biệt là các nhà đầu tư Nhật Bản. Theo đó, đã có 47 DN Nhật Bản với tổng vốn đầu tư khoảng 160 triệu USD đầu tư địa phương trong năm 2011 – 2012.
Phần lớn các DN Nhật Bản tham gia đầu tư vào những lĩnh vực sản xuất công nghiệp phụ trợ cho nhiều ngành nghề khác nhau như gia công sản xuất tấm decal ép nhiệt, sản xuất các loại ốc vít, bù loong, gia công linh kiện kim loại ngành công nghiệp, sản xuất và sửa chữa các loại máy công nghiệp, chế tạo khuôn nhựa, ép nhựa, sản xuất phụ tùng, thiết bị điện, linh kiện máy điều hòa, thiết bị chính xác…

Theo Quốc Chánh