Khả năng thoát hiểm của doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa ngày càng bị thu hẹp, khi tỷ lệ DN cải tiến sản phẩm có xu hướng giảm mạnh.
Mất nhiều chi phí không chính thức
Bình luận về Báo cáo “Đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam: kết quả điều tra DN nhỏ và vừa năm 2011” mà Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố mới đây, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Báo cáo đã đưa ra một thông tin hết sức bất ngờ, đó là tỷ lệ DN bỏ nhiều chi phí không chính thức năm 2011 cao hơn năm 2009. Tuy nhiên, động thái này lại không tạo ra nhiều lao động hơn các DN khác và không giúp DN tồn tại trong dài hạn.
“Phải chăng, những DN làm ăn không bài bản sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc phải bỏ ra các chi phí không chính thức. Ngược lại, DN làm ăn chân chính vẫn có thể phát triển bình thường”, bà Hằng đặt vấn đề.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Trọng Hiệu, Phó cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, ở Việt Nam, do các chính sách hỗ trợ DN còn kém minh bạch, nên DN vẫn khó tiếp cận. Về phía DN, năng lực quản trị yếu đã tạo ra những cơ hội để cán bộ, cũng như cơ chế gây khó cho DN. Đây là nguyên nhân dẫn đến chi phí không chính thức.
Điều này càng chứng minh qua kết quả khảo sát của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới (WB) về tham nhũng từ góc nhìn người dân, DN và cán bộ, công chức, viên chức cũng được công bố hôm 20/11. Khảo sát hơn 1.000 DN cho thấy, có 63% DN cho biết, các khoản chi không chính thức đã tạo cơ chế “bất thành văn” để giải quyết chóng vánh công việc.
Trong khi đó, thực tế là, tỷ lệ DN nhỏ và vừa vượt qua khó khăn thấp hơn các DN siêu nhỏ. Trong đó, tỷ lệ DN thuộc lĩnh vực may mặc, xuất bản và in ấn vượt qua khó khăn cao hơn mức bình quân giai đoạn 2009 – 2011. Điều này cho thấy, việc khởi sự một DN đã khó, nhưng việc tăng cường khả năng kinh doanh cho các DN này còn quan trọng hơn.
Muốn tăng trưởng cũng khó
Khả năng thoát hiểm của DN nhỏ và vừa ngày càng giới hạn, nhưng tỷ lệ DN cải tiến sản phẩm có xu hướng giảm mạnh. Bởi lẽ, khi thị trường của các DN này chủ yếu là nội địa và vấn nạn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái vẫn còn nhức nhối, thì việc cải tiến sản phẩm để chiếm lĩnh các thị trường ngách đối với DN càng giảm. “Nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài, DN nhỏ và vừa sẽ sớm bị loại khỏi thị trường” bà Hằng cảnh báo.
Đây là lý do để nhóm nghiên cứu báo cáo nêu vấn đề DN nên theo xu hướng tồn tại hơn là tăng trưởng.
Tuy nhiên, theo bà Hằng, cần nghiên cứu sâu và nên có thực tế phù hợp với Việt Nam và cách tốt nhất là kết hợp cả hai xu hướng tồn tại và tăng trưởng.
Cần phải nhắc lại rằng, xu hướng tồn tại của DN nhỏ và vừa là quy luật phổ biến ở các nước đang phát triển, những thị trường mới nổi thuộc khu vực châu Á, khi mà các cá nhân khởi sự DN để kiếm sống, chứ không phải để sáng tạo. Tuy nhiên, chỉ có đổi mới và cải tiến sản phẩm thì mới có thể tồn tại và mới tạo được sự tăng trưởng bền vững.
“Mặc dù nhiều DN nhỏ và vừa vẫn khẳng định luôn đổi mới về chiến lược kinh doanh, cũng như sản phẩm. Thế nhưng, nhiều ý tưởng đổi mới lại không mới với thị trường và không đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Kết quả là, tình hình kinh doanh của DN đó vẫn chững lại, sản phẩm khó tiêu thụ. Thực tế này làm nản chí DN, đây cũng là lý do giải thích vì sao tỷ lệ DN chăm chút cho sự đổi mới, cải tiến sản phẩm lại có xu hướng giảm, trong khi đáng ra cần phải gia tăng”, bà Hằng phân tích.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Hiệu lại cho rằng, DN Việt Nam đang theo xu hướng tìm giá trị tăng trưởng hơn là tồn tại. Đây là xu hướng tốt, nhưng DN sẽ khó có cơ hội sáng tạo, tìm hướng đi mới cho mình nếu các chính sách hỗ trợ từ cơ quan chức năng không được thực hiện mạnh tay. “Nhiều DN không biết nhiều đến các chính sách và nếu biết, cũng rất khó tiếp cận. Rõ ràng, vấn đề nằm ở khâu tuyên truyền các chính sách và rào cản hành chính”, ông Hiệu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Báo cáo đã chỉ ra một thực trạng trong tiếp cận tín dụng. Số lượng DN có khoản vay phi chính thức cao gấp đôi số lượng DN có khoản vay chính thức. Điều này một lần nữa khẳng định, nhu cầu tín dụng của DN nhỏ và vừa vẫn rất cao, nhưng các rào cản tiếp cận lại chưa được cải thiện nhiều, dù nhiều chính sách hỗ trợ cho họ đã được công bố.
DN phải rút ra được kinh nghiệm, động lực tồn tại”
GS. Finn Tarp, Trường Đại học Copenhagen
Năm 2011, chúng tôi chọn chủ đề cho Báo cáo là: “Khủng hoảng toàn cầu, sự tăng trưởng và năng động của doanh nghiệp”. Báo cáo chỉ ra những nguyên nhân thành công và thất bại của DN. Qua đó, có thông tin về việc làm, năng lực và mạng lưới lãnh đạo DN. Qua 4 năm thực hiện, cơ sở dữ liệu đã có, nhưng vấn đề là Việt Nam có biết tận dụng triệt để quá trình hoạch định chính sách kinh tế và DN có rút ra được kinh nghiệm, cũng như động lực cho sự tồn tại hay không? Khi câu hỏi đó vẫn chưa được trả lời bằng hành động thực tế, thì những gì chúng tôi nghiên cứu cũng chưa thể gọi là thành công.
“Các yếu tố rào cản do quy mô nhỏ gây ra chưa được xem xét”
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI
Báo cáo đưa ra kết luận rất đáng chú ý, nhưng chưa nêu được hàm ý chính sách để cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là ở cấp địa phương. Bởi lẽ, hoạt động của đối tượng DN nhỏ và vừa chủ yếu tại địa phương, chịu ảnh hưởng của những yếu tố, như tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh, phương thức nộp thuế, các khoản phí và lệ phí… Nhiều nhà hoạch định chính sách hiện vẫn cho rằng, một môi trường kinh doanh bình đẳng có nghĩa là không có sự phân biệt chính sách giữa DN lớn với DN nhỏ và vừa. Điều này dẫn đến một thái cực khác trong xây dựng chính sách, đó là các yếu tố rào cản do quy mô nhỏ gây ra không được xem xét và việc tiếp cận nguồn lực để có mặt bằng chung với các DN lớn là hoàn toàn không khả thi với DN nhỏ và vừa.
Theo dddn