Những kinh nghiệm, bài học được chia sẻ bởi các doanh nghiệp có tên tuổi dưới đây sẽ phần nào đó giúp các doanh nghiệp Việt nói chung và Công ty Tập đoàn Trung Nguyên tìm ra con đường để chiến thắng đối thủ lớn trong cuộc chiến thương trường quyết liệt hiện nay…
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), việc “vua cà phê Việt” đã sẵn sàng thách đấu với “người khổng lồ” cà phê Mỹ Starbucks được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng trong những ngày gần đây đủ thấy ý chí và quyết tâm trở thành thương hiệu toàn cầu của doanh nghiệp Việt.
Những kinh nghiệm, bài học được chia sẻ bởi các doanh nghiệp có tên tuổi như nước rửa chén Mỹ Hảo, gốm sứ Minh Long dưới đây sẽ phần nào đó giúp các doanh nghiệp Việt nói chung và Công ty Tập đoàn Trung Nguyên tìm ra con đường để chiến thắng đối thủ lớn trong cuộc chiến thương trường quyết liệt hiện nay, đặc biệt là khi 2 bên có sự chênh lệch quá lớn, chẳng khác nào “châu chấu đá voi”.
Mỹ Hảo “lì lợm” sống cạnh các ông lớn
Ông Lương Vạn Vinh – TGĐ Công ty hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo cho biết: Nếu như các doanh nghiệp đa quốc gia trong ngành hóa mỹ phẩm tung thật nhiều tiền để dội bom tấn bằng hàng loạt TVC quảng cáo lộng lẫy trên truyền hình, gõ cửa đầy ấn tượng tới tận phòng khách, phòng ngủ từng gia đình, làm những chương trình tiếp thị tốn kém, rầm rộ ở siêu thị, công viên, trang bị đầy đủ “vũ khí hạng nặng” cho đội ngũ nhân viên bán hàng xuống tận vùng sâu, vùng xa để mở mạng lưới phân phối… thì Mỹ Hảo chỉ có một con đường duy nhất là tiếp thị trực tiếp, gắn bó tin cậy với người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm, giá cả phù hợp và mạng lưới bán hàng sát sao từng địa bàn.
Ông Vinh chia sẻ: “Tôi làm Tổng Giám Đốc mà đi về khắp các nẻo thị trường như con thoi, bằng sự tận tụy, thủy chung và chịu cực khổ đến cùng để có thể hiểu được nhu cầu các bà nội trợ khắp mọi vùng miền của đất nước cần gì, muốn gì và sản phẩm luôn theo sát bên cạnh họ.
Có những đêm khuya, tôi cùng các cộng sự ngồi với bản đồ Việt Nam, thật là vui một niểm vui khó tả xiết khi tự tay mình cắm thêm một cái lá cờ nhỏ xíu “đã có đại lý” trên các vùng còn trắng của bản đồ…”.
Không đồng ý bán công ty cho Unilever, ông chủ của Mỹ Hảo đã chọn con đường khó: tìm ra ngách để tồn tại bên cạnh đối thủ mạnh hơn bội phần.
“Họ gặp tôi và thử đưa ra một con số: 30 triệu USD. Nghe cũng hấp dẫn, nhưng mà thợ của mình, đối tác làm ăn lâu nay với mình và cái tên chung như đứa con gây dựng nuôi nấng mấy chục năm của mình, tất cả sẽ đi đâu? Thế là tôi bỏ lại sau lưng cái giá rất hấp dẫn đó, lại tiếp tục xắn quần lội sình vô tận các vùng quê hẻo lánh để chào hỏi đại lý, lại về đứng giữa chợ, cùng các nhân viên bán hàng hướng dẫn tiểu thương và bà con nông dân cách giặt đồ bằng kem giặt Siu Sốp mới… Chính sợi dây liên kết rất đời thường, và chịu thương chịu khó của tôi và các anh em ở Mỹ Hảo đã làm cho người tiêu dùng “thương”, và thương hiệu Mỹ Hảo hình thành từ đó…”.
Báo chí trong nước bảo: Mỹ Hảo “lì lợm” sống cạnh các ông lớn. Đó có lẽ là điều đặc biệt, khi mà ông chủ này từ chối tất cả những đề nghị từ các đại gia lớn khác. Người ta muốn mua đứt thương hiệu Mỹ Hảo và triệt hạ đối thủ nặng ký cuối cùng trong lĩnh vực hóa phẩm tiêu dùng, đặc biệt là nước rửa chén.
Ông Vinh và các đồng đội ở Mỹ Hảo, chấp nhận bước vào một trận chiến không cân sức với các đối thủ toàn cầu mạnh mẽ hơn nhiều chục lần. Ông tin vào sức mình luôn biết khôn ngoan kiếm được cách tồn tại, “nếu chết thì đã chết rồi”, và tin vào sự ủng hộ của người tiêu dùng đối với một thương hiệu Việt tận tụy như Mỹ Hảo…
Minh Long kiên trì nguyên tắc “4 không – 4 có”
Ông Lý Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT – người sáng lập Minh Long I cho biết, ông kiên định thực hiện nguyên tắc “Bốn không – Bốn có” trong sản phẩm của mình, đó là: Không biên giới, không thời gian, không giới tính, không tuổi tác; có văn hoá, có nghệ thuật, có phong cách riêng, và quan trọng nhất là có hồn.
Trong một triển lãm hàng hiệu mới đây tại TP HCM dành cho giới “siêu giàu”, bên cạnh các nhãn hàng nổi tiếng toàn thế giới, Việt Nam góp mặt hai thương hiệu quen thuộc: CAO Fine Jewellery và gốm sứ Minh Long I. Cái tên Minh Long giờ đây đã được nhắc tên trên toàn thế giới như một biểu tượng của sự tinh xảo, cái đẹp vượt thời gian và đậm nét văn hóa Việt Nam…
Nhắc đến gốm sứ, người ta hay nghĩ ngay đến… Trung Quốc. Tuy nhiên, cách mà Minh Long I “hơn người” nằm ở 4 yếu tố:
Thứ nhất là văn hóa. Ông Lý Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT – người sáng lập Minh Long I cho biết, ông kiên định thực hiện nguyên tắc “Bốn không – Bốn có” trong sản phẩm của mình, đó là: Không biên giới, không thời gian, không giới tính, không tuổi tác; có văn hoá, có nghệ thuật, có phong cách riêng, và quan trọng nhất là có hồn.
Theo ông Minh, đã làm gì dính đến văn hóa thì đều phải nghiên cứu về văn hóa một cách cẩn thận và nghiêm túc. Ví dụ muốn có con rồng thì phải biết con rồng VN khác con rồng TQ ra sao để khỏi làm sai, hay hoa văn của trống đồng thế nào mới là chuẩn…
Thứ hai là công nghệ. Trên thế giới chỉ có vài nước Châu Âu và Minh Long của Việt Nam là sử dụng công nghệ nung lên đến 1.380 độ C, giúp mặt men cứng chắc, độ bóng cao, khó bám bẩn và không chứa độc chất. Ở châu Á, sản phẩm sứ thông thường chỉ nung ở 1.250 – 1.320 độ C (riêng ở Nhật là: 1.320 – 1.340 độ C). Ngoài ra, Minh Long còn áp dụng công nghệ nano trong tráng men sản phẩm, đảm bảo an toàn cho người dùng về mặt lâu dài, tìm ra ra công nghệ một lần nung để tạo những dòng sản phẩm cho phân khúc thu nhập trung bình mà vẫn đảm bảo các yếu tố về chất lượng và mỹ thuật của Minh Long.
Thứ ba là luôn dẫn đầu về tính mới, tức liên tục đưa ra thị trường các sản phẩm mới đầy sáng tạo. Từ bộ bàn ăn hoa mai, hoa sen cho hạng khách thương gia của Vietnam Airlines, bộ Ngọc Biển dành cho phân khúc trung lưu, đến bộ cỏ tím bình dân dành cho người lao động… tất cả đều ra đời nhờ sự am hiểu sâu tâm lý khách hàng thuộc nhiều phân khúc và sở thích khác nhau.
Chuyện thứ tư chính là luôn xây dựng và đảm bảo hình ảnh một công ty Việt Nam đẳng cấp chuyên nghiệp cao với thế giới. Minh Long I xuất hàng đi nước ngoài rất nhiều, toàn các thị trường khó tính như Châu Âu, Mỹ và năm 2012, công ty Minh Long I đặc biệt thiết kế riêng cho thị trường Nhật Bản sản phẩm hình tượng cao cấp với tên gọi là tượng Nhật Hoàng – đây được xem là bước đột phá mới trong kỹ nghệ đồ sứ… nên đa phần sản phẩm vào thị trường này do các nhà thiết kế người Đức và nước ngoài sáng tạo, còn việc xây dựng chính gian hàng lộng lẫy của Minh Long tại hội chợ triển lãm hàng nội thất lớn nhất thế giới Frankfurt cũng do các kiến trúc sư và nhà thi công quốc tế xây dựng.
Sau nhiều năm, gian hàng triển lãm của Minh Long tại mỗi kỳ hội chợ này đều được “đặc cách” xếp cạnh các công ty tên tuổi nhất thế giới của ngành sứ. Sản phẩm gốm sứ Minh Long ngày nay đã trở thành món quà quen thuộc mà lãnh đạo Việt Nam dành tặng các nguyên thủ các nước, các chính khách quốc tế, như một niềm tự hào về sự kết tinh giữa văn hóa truyền thống và công nghệ, kỹ thuật đỉnh cao của thế giới.
Theo dddn