Kinh doanh không gian xưa cũ

Việc tìm những không gian xưa cũ trong lòng Thủ đô vốn ồn ào, náo nhiệt trở thành một nhu cầu của không ít người. Nắm bắt điều này, nhiều nhà hàng với thiết kế không gian cũ đã hút khách, kinh doanh thắng lớn.

Quay lại đầu thế kỷ trước
Nhà hàng 1946 ở Hoàng Cầu – Hà Nội với không gian đậm nét văn hóa đầu thế kỷ XX. Ngay tên nhà hàng cũng đã gợi cái gì đó quá vãng, xa xôi trong một nỗi niềm tò mò. 
Người điều hành nhà hàng chia sẻ, với mong muốn lưu giữ lại phần nào những kỷ niệm thiêng liêng và đẹp đẽ, nhà hàng 1946 được hình thành và hoạt động. Năm 1946 cũng đánh dấu thời kỳ mới tươi đẹp của đất nước khi đất nước được độc lập. 
120 món ăn của nhà hàng được sưu tầm từ khắp các vùng miền. Các món ăn thuần Việt, được phục dựng theo hương vị truyền thống. Mỗi món ăn gắn với sự lao động công phu của người nông dân. Dưa muối phải là dưa Đông Dư, vùng quê gần Bát Tràng (Hà Nội). Món lạc nhắm rượu thì cũng phải là lạc đỏ Nghệ An. Hay món cá chìa vôi được đánh bắt ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa. Khách hàng vẫn đùa rằng: Ăn món ăn này để cổ vũ cho người dân chài lưới đang bảo vệ chủ quyền của đất nước… 
Những chiếc bát được nhà hàng sử dụng là loại bát “chiết yêu” được sưu tầm từ các vùng quê Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Bình, Nam Định…
Không gian quán đầy hoài niệm với bộ sưu tập nhiếp ảnh cổ 1880 – 1942 gồm những hình ảnh về Hà Nội với phố cổ, tàu điện… Đặc biệt, chủ nhà hàng mất gần 1 năm để liên hệ với những người Pháp qua bạn bè, thư điện tử để có thể có được bộ sưu tập hình ảnh sinh hoạt của cộng đồng dân cư Hà Nội trong thời kỳ Pháp thuộc. 
Chủ nhà hàng kể, nhiều khách hàng cao tuổi đứng hồi lâu xem bộ sưu tập nhiếp ảnh cổ 1880 – 1942 treo trên tường để so sánh “ngày đó – bây giờ” hoặc tò mò nghe nhóm bạn trẻ tranh luận sôi nổi về món lẩu riêu cua bỗng rượu. Rồi những bạn trẻ lần đầu thấy bát “chiết yêu” như một phát hiện mới lạ về văn hóa dân gian đã mất dần. 
Khuất trong con ngõ nhỏ ven hồ Trúc Bạch, Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37 làm sống lại một thời bao cấp của Hà Nội xưa. 
Tiếng đài cát-sét cũ treo trên bức tường gạch phát ra âm thanh rè rè khiến cho không gian cửa hàng đậm chất hoài niệm của những năm trước Đổi mới. Không gian quán với mái ngói cấp 4, tường quét vôi thô. Những đồ vật có từ thời bao cấp hiện diện ở khắp không gian quán, từ chiếc điện thoại cũ kỹ, chiếc máy chữ xỉn màu đến đôi dép cao su, nón lá, viên gạch xếp hàng, chiếc quạt tai voi, quạt con cóc… đến tem phiếu mua hàng như phiếu mua phụ tùng xe đạp, phiếu mua pin, mua chất đốt… 
Những dòng chữ: “Ở đây có bán nước sôi”, “Ở đây tai vách mạch rừng. Có gì bí mật xin đừng nói ra”… được họa sĩ Quách Đông Phương – một họa sĩ chuyên kẻ chữ thời bao cấp kỳ công kẻ vẽ bằng tay, sơn màu cẩn thận để cho thật giống thời xưa. 
Ngay cả bộ bàn ghế cũng được sáng tạo từ chân máy khâu cũ. Đặc biệt, bộ ảnh đen trắng ghi lại cuộc sống ở Hà Nội những năm 70 của thế kỷ trước được họa sỹ Lê Thiết Cương mua lại bản quyền từ nhiếp ảnh gia người Thụy Điển góp phần tái hiện một góc không gian Hà Nội thời bao cấp. 
Chủ nhân của cửa hàng là ông Phạm Quang Minh – một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Do vậy, với ông, thời bao cấp đã trở thành một kỷ niệm sâu sắc. 
Ông Minh tâm sự, ý định mở một hàng ăn chứa đựng nhiều kỷ niệm về thời ấu thơ đã nhen nhóm từ lâu và ngày càng trở nên mãnh liệt trong ông. Ông Minh đã cất công mày mò, sưu tập hàng năm trời những vật dụng đặc trưng của thời bao cấp, từ những chiếc bát cũ kỹ tróc men đến những chiếc quạt gãy cánh long ốc… 
“Muốn tái hiện thời bao cấp nên tôi mở quán ở nơi phố cổ. Tôi hi vọng là sau khi đến đây, những người trẻ tuổi sẽ có thể hình dung được phần nào về một thời khốn khó của đất nước, của cha mẹ họ để họ sống có trách nhiệm và ý nghĩa hơn. Đây chính là một yếu tố hấp dẫn khách hàng đến đây”. 
Dưa xào tóp mỡ, cá khô Mậu dịch, bánh đúc tương, cơm độn khoai, phở trộn cơm nguội… có trong thực đơn của quán là những món ăn có thể xa lạ với những người trẻ tuổi nhưng đối với những ai đã trải qua thời bao cấp, chúng lại khơi gợi nhiều nỗi niềm. 
Khi mua đồ ăn đồ uống tại Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37, khách hàng phải mua các loại tem phiếu để đổi lấy đồ ăn đồ uống tương ứng. Việc thanh toán cũng được thực hiện thông qua tem phiếu. 
Anh Phạm Minh Hiệp (đường Nguyễn Ngọc Vũ, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Thấy thông tin về quán trên mạng Internet, vốn yêu thích những không gian Hà Nội xưa, mình rủ mấy người bạn thân đến để khám phá. Ở đây, mình được thưởng thức những món ăn ngày bé đã được ăn mà giờ đây không thể tìm lại ở bất cứ quán nào khác như dưa xào tóp mỡ. 
Thường nghe bố mẹ kể lại những câu chuyện về thời bao cấp khó khăn, nào là phải xếp hàng, phải mua tem phiếu, phải ăn cơm độn… Mình muốn hiểu hơn về một thời kỳ mà ông bà, cha mẹ đã trải qua khi đến quán ăn đặc biệt này”.

Theo dddn