Tiến sĩ Patrick Dixon, một trong những “bộ óc” quản trị hàng đầu thế giới đương đại cho rằng Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài trong những năm tới.
– Thưa ông, những xu thế quan trọng trong kinh tế toàn cầu sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam?
Nền kinh tế thế giới trong giai đoạn phục hồi sau suy thoái đang có những biến động khôn lường. Tuy nhiên, có những xu thế mà chúng ta có thể chắc chắn nhìn thấy rõ, sẽ biến đổi tương lai nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Mỗi xu thế sẽ tạo ra những cơ hội kinh doanh lớn cho những sản phẩm và dịch vụ mới.
Ví dụ như về vấn đề lợi thế nhân công, hiện nay, cùng Ấn Độ, Việt Nam được đánh giá là xã hội trẻ và năng động. Một phần tư dân số có độ tuổi dưới 14, độ tuổi trung bình chỉ là 27 với tỷ lệ biết chữ lên tới 94%. Giá nhân công ở Việt Nam rẻ chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc và Thái Lan. Đây sẽ là một yếu tố khiến các nhà đầu tư FDI sẽ phải xem xét việc dịch chuyển các nhà máy ở Trung Quốc sang nước khác trong đó có Việt Nam.
– So với các nước khác trong khu vực và thế giới, ông đánh giá thế nào về những thuận lợi và khó khăn của Việt Nam trong việc phát triển kinh tế?
Việt Nam trong quá trình chạy đua toàn cầu để thu hút vốn đầu tư có sự cạnh tranh rất lớn. Những quốc gia được các nhà đầu tư xếp hạng phụ thuộc vào các yếu tố như sự ổn định kinh tế và chính trị, hiệu lực của luật pháp, mức thuế, sự khuyến khích của chính phủ đối với nhà đầu tư, sự bãi bỏ các quy định hạn chế quyền sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài trong những lĩnh vực kinh doanh chính, vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ… Nhiều yếu tố trong số này của Việt Nam được đánh giá cao.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần cấp thiết thúc đẩy việc cấp tín dụng ngân hàng, đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đa số là các doanh nghiệp gia đình có số lượng nhân viên nhỏ hơn 20 người. Tuy nhiên, đây là mô hình tạo ra nhiều việc làm nhất. Điều này rất quan trọng cho tăng trưởng Việt Nam trong tương lai. Bên cạnh đó, có rất nhiều các nước đang phát triển gặp phải vấn đề các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động không hiệu quả và lâm vào cảnh nợ nần. Đó là vấn đề Việt Nam cần phải giải quyết, tuy nhiên nếu nóng vội đưa ngay ra các biện pháp rất có thể sẽ gây hậu quả.
– Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế trong và ngoài nước, theo ông, các doanh nghiệp Việt cần phải làm gì để vượt khủng hoảng?
Thế giới có thể thay đổi nhanh hơn việc tập hợp cuộc họp của ban điều hành và vì thế chúng ta cần lãnh đạo doanh nghiệp theo một cách thức khác. Chúng ta cần khuyến khích tư duy tương lai, có nhiều hơn một kế hoạch hay chiến lược. Tư duy tương lai có nghĩa là xác định được kết quả của sự việc trước cả khi chúng xảy ra và lường trước được các rủi ro từ những sự việc đó, nắm bắt được cơ hội từ sự việc mà những người không có được sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ gặp khó khăn khi đối mặt.
Khi khủng hoảng đe dọa một ngành, các công ty có lượng dự trữ tiền mặt thường đối phó tốt, nếu họ có thể phát triển nhanh và thậm chí có thể mua lại các công ty đối thủ hoặc tài sản cố định với giá thấp.
Cuối cùng, hãy làm tất cả những việc khác với đối thủ để phục vụ khách hàng tốt hơn, hãy tạo ra những thay đổi thực sự cho cuộc sống của họ. Khích lệ nhân viên của bạn làm việc một cách tốt nhất và sáng tạo nhất. Khơi dậy những ý tưởng mới mẻ, khám phá những tài năng mới và nhiệm vụ của các bạn là tạo ra những điều tốt đẹp hơn cho thế giới.
Theo dddn