Chiều ngày 29/11 Bộ NN- PTNT phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình tổ chức Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn khu vực đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) 2012.
Đến tham dự diễn đàn có Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Vũ Văn Tám, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Ninh Bình, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính và các tỉnh thành phố vùng Đồng bằng Sông, cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Con số đầu tư còn ít
Theo số liệu báo cáo trong 10 tháng năm 2012, vùng ĐBSH có 288 dự án mới được cấp giấy phép chứng nhận đầu tư, tổng vốn 2548,04 triệu USD, là vùng đứng thứ 2 về số dự án đầu tư FDI của 10 tháng 2012. Lũy kế đến 10/2012 toàn vùng có 3.936 dự án, chiếm 27,5% cả nước.
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư cho các dự án nông nghiệp đã được chú trọng ngay từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987. Tuy nhiên, kết quả thu thu hút FDI vào lĩnh vực này chưa được như mong muốn. Tỷ trọng FDI trong nông – lâm – ngư nghiệp vốn đã chiếm tỷ trọng nhỏ, lại còn giảm mạnh (từ 9,4% trong giai đoạn 1988 – 1990 còn 1,6% giai đoạn hiện nay). Trong số vốn FDI ít ỏi này, có tới 81,6% thuộc lĩnh vực chế biến nông – lâm sản (2,86 tỷ USD), còn lại là 92 dự án đầu tư vào thủy sản (604 triệu USD, chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư đăng ký của ngành).
Cũng theo báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài, cho đến nay, đã có 34 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào ngành nông – lâm – ngư nghiệp Việt Nam, trong đó, các nước và vùng lãnh thổ thuộc châu Á (Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông) chiếm 62,5% tổng vốn đăng ký vào nông nghiệp. Trong số các nước EU đầu tư vào VN, đáng kể nhất là Pháp (6,5%), Quần đảo Virgin thuộc Anh (10%). Một số nước có ngành nông nghiệp mạnh như Mỹ, Canada, Australia… vẫn chưa thực sự đầu vào vào ngành nông nghiệp nước ta.
Điều đáng nói là, số vốn FDI phân bố không đồng đều, mà tập trung chủ yếu tại các tỉnh phía Nam. Trong đó, dẫn đầu là Đồng Nai (38 dự án, tổng vốn đầu tư 590 triệu USD, chiếm 18% tổng vốn đăng ký của ngành); tiếp theo là Bình Dương, Lâm Đồng, TP.HCM.
Con số đầu tư tại khu vực này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, sỡ dĩ có thực tế đó là do, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp rủi ro cao, lợi nhuận thấp và các chính sách ưu đãi còn nhiều bất cập. Ông Quỳnh cho rằng, chính sách thu hút FDI vào nông nghiệp cần sửa đổi, đặc biệt là các yếu tố như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng và tăng khả năng tiếp cận vốu ưu đãi cho DN.
“Cú hích” nào ?
Theo định hướng phát triển nông nghiệp ĐBSH đến năm 2020 sẽ tập trung phát triển vùng lúa hàng hoá chất lượng cao, vùng rau, hoa công nghệ cao; đồng thời, phát triển và xây dựng thương hiệu cho vùng cây ăn quả đặc sản, phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn về sản xuất hai vụ lúa và vụ đông… Về chăn nuôi, sẽ phát triển theo hướng công nghiệp tập trung gắn với cơ sở giết mổ, chế biến khép kín nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các tỉnh ĐBSH cũng khuyến khích đầu tư công nghiệp chế biến…
Chia sẻ với báo chí, ông Trang Hiếu Dũng- Vụ trưởng Vụ kế hoạch Bộ NN- PTNT cho biết, nông nghiệp là khu vực có rủi ro cao, không chỉ liên quan đến những biến động trên thị trường, mà còn bị tác động mạnh bởi thiên tai, dịch bệnh và nhiều yếu tố khác. Vì vậy, Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích đối với các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh đầu tư vào khu vực này, như miễn, giảm thuế, miễn giảm tiền thuê đất, hỗ trợ đầu tư hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm, tín dụng ưu đãi… Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, việc thực hiện các chính sách này còn chậm, chưa đủ mạnh để thu hút DN và người dân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. “Vì vậy, tôi cho rằng, để thu hút đầu tư nhiều hơn cho khu vực này không chỉ là sự hỗ trợ từ phía Bộ mà điều quan trọng nhất vẫn là nội lực của mỗi tỉnh. Nghĩa là chúng ta cần phải có những sáng kiến mới trong việc xây dựng cho vùng một thương hiệu đặc thù.” – ông Dũng nói.
Đồng quan điểm trên, nhiều đại biểu tham dự diễn đàn cũng cho rằng, việc xây dựng thương hiệu cho vùng là một “cú hích” quan trọng để phát triển bền vững nền nông nghiệp ĐBSH. Vì thực tế cho thấy, mặc dù là một vùng có nhiều lợi thế cho phát triển nông nghiệp nhưng chúng ta vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. Do vậy, hướng phát triển bền vững trong thời gian tới là cần phải xây dựng tốt thương hiệu. Tuy nhiên, để làm được điều đó các đại biểu cũng cho rằng, không chỉ riêng bản thân các tỉnh mà cần phải có sự phối kết hợp chặt chẽ với các bộ, ban ngành và các chủ đầu tư.
Được biết, bên cạnh đó, để huy động vốn đầu tư xã hội vào các lĩnh vực nông nghiệp tiềm năng, DN đang phối hợp với nhiều Cty lớn, như Bunge, Cargill Inc., Cisco Vietnam, DuPont Vietnam, Metro Cash & Carry Vietnam, Nestlé, PepsiCo Vietnam, Monsanto Vietnam, Swiss Re, Syngenta Asia Pacific, Unilever Vietnam, Yara International… triển khai các mô hình thí điểm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo hình thức đối tác công – tư (PPP) . Từ đó, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư để nhà nước có thể hỗ trợ nhà đầu tư nhiều hơn, trực tiếp hơn khi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Hy vọng, với những nỗ lực của ngành nông nghiệp nói chung và các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Hồng nói riêng trong thời gian tới ngành nông nghiệp khu vực này sẽ có nhiều khởi sắc đáng ghi nhận xứng đáng là vùng kinh tế nông nghiệp lớn của cả nước.
Theo Mai Thanh