Bên trong tòa nhà trụ sở của tập đoàn Inditex ở thị trấn Arteixo, Tây Ban Nha, một cô người mẫu yểu điệu khoác lên mình bộ váy vừa mới được thợ may hoàn thành vài phút trước. Một nhóm nhà thiết kế, trông cũng đẹp không khác gì người mẫu, ngắm nghía rồi gật đầu tán thành.
Chỉ trong vòng vài tuần, mẫu váy này cùng hàng trăm mẫu thiết kế khác, bao gồm từ thời trang đường phố cho tới dành cho các sàn catwalk, sẽ xuất hiện tại hơn 1.600 cửa hiệu Zara tại 85 quốc gia trên khắp 6 châu lục.
Kể từ khi mở cửa hiệu đầu tiên trong căn nhà bên bờ biển ở La Coruna vào năm 1975, nhà sáng lập của tập đoàn dệt may Inditex với thương hiệu Zara – tỷ phú Amancio Ortega – đã xây dựng nên chuỗi bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới. Thành công với Zara đã đem đến cho ông Ortega khối tài sản hiện thậm chí còn lớn hơn cả giá trị tài sản ròng của nhà đầu tư huyền thoại người Mỹ Warren Buffett.
Theo xếp hạng tỷ phú thế giới của hãng tin tài chính Bloomberg, tài sản của ông Ortega hiện ở mức 52,7 tỷ USD, đảm bảo cho ông vị trí giàu thứ 3 thế giới. Đứng ở vị trí thứ tư, tỷ phú Buffett có 46,3 tỷ USD. Từ đầu năm đến nay, giá trị tài sản của ông Ortega đã tăng gần 50%, trong khi tài sản của ông Buffett mới tăng hơn 8%.
Tài sản của ông Ortega không ngừng tăng ngay cả khi quê hương Tây Ban Nha của ông vật lộn với khủng hoảng nợ công và chìm sâu vào suy thoái kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp của nước này hiện ở mức khoảng 25%, nghĩa là cứ 4 người lao động ở Tây Ban Nha thì có 1 người “vô công rồi nghề”. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm nhất trong 3 năm, tập đoàn dệt may với những dây chuyền sản xuất đề cao vấn đề tiết giảm chi phí vẫn đạt được mức tăng trưởng doanh số đáng nể.
“Thật lạ là những biến động kinh tế hiện nay lại ủng hộ những nhà bán lẻ như Zara. Ngày càng có nhiều người ham mê thời trang muốn tìm kiếm sự sành điệu ở mức giá phải chăng hơn”, nhà nghiên cứu về lĩnh vực bán lẻ Nancy Koehn thuộc Trường kinh doanh của Đại học Havard nhận xét. Nữ công tước xứ Cambridge, Kate Middleton, một biểu tượng thời trang của thế giới hiện nay, đôi khi vẫn xuất hiện trên mặt báo trong trang phục của Zara.
Inditex là từ viết tắt của Textile Design Industries in Spanish, tạm dịch là “Công nghiệp thiết kế dệt may ở Tây Ban Nha”. Doanh thu của hãng này trong 6 tháng đầu năm 2012 đạt mức 7,2 tỷ Euro, tương đương 9,3 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tại thị trường Tây Ban Nha duy trì ở mức khoảng 1,6 tỷ Euro trong 6 tháng.
“Họ có phản ứng nhanh chóng với thời trang. Họ rất linh hoạt với sản phẩm của mình, và họ đang tăng trưởng tốt”, nhà quản lý quỹ Peter Braendle của Swisscanto Asset Management AG, một quỹ ở Thụy Sỹ có nắm cổ phiếu Inditex, nhận xét.
Tuy nhiên, theo những người làm việc cùng ông Ortega, thì việc giàu hơn cả tỷ phú Buffett không làm thay đổi con người của “ông trùm” ngành thời trang này.
Sau khi rời ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị của Inditex vào năm ngoái, ông Ortega vẫn dành nửa tiếng mỗi ngày để đi từ tư dinh ở La Coruna tới trụ sở của tập đoàn ở Arteixo. Ông thường xuyên trò chuyện cùng các nhà thiết kế, chuyên gia về chất liệu và người mua hàng cho dòng sản phẩm Zara Woman dành cho nữ giới.
Mặc một bộ quần áo đơn giản, hiếm khi là của các thương hiệu do ông sở hữu, và có vẻ hơi chật, ông Ortega hăng hái tham gia vào mọi công việc của Inditex, từ việc tra khóa vào sản phẩm cho tới ra mắt trang web bằng tiếng Trung Quốc của Zara vào tháng 9 vừa rồi.
“Ông ấy vô cùng gần gũi với hoạt động sản xuất kinh doanh. Ông gặp gỡ và trò chuyện với tất cả mọi người”, ông Antonio Camunas, một người đã làm công tác cố vấn cho ông Ortega suốt 2 thập niên cho biết.
Tiếc là ông Ortega, người giàu nhất châu Âu, từ chối dành cho Bloomberg một cuộc trả lời phỏng vấn.
Ông Camunas nhớ lại, khi ông bắt đầu làm việc cho ông Ortega vào đầu thập niên 1990, “đại gia” thời trang này khi đó vẫn chưa từng được phỏng vấn hay chụp ảnh đăng báo bao giờ. Ở thời điểm đó, có quá nhiều bí ẩn xung quanh người đàn ông đứng sau những cửa hiệu Zara hào nhoáng đang mọc lên khắp Tây Ban Nha. Người dân khi đó thậm chí còn đồn đoán rằng, Ortega hẳn là người đứng đầu một đường dây buôn lậu ma túy.
“Họ không hiểu là vì sao mà Ortega có thể làm được những việc mà ông đã làm”, ông Camunas nói.
Theo nhận định của bà O’Shea, người hiện là Chủ tịch của Trường kinh doanh thời trang ISEM ở Madrid, ông Ortega đã lật ngược ngành công nghiệp thời trang bằng cách đáp ứng những nhu cầu của khách hàng. Trước đây, bà O’Shea làm báo và bà là một trong số chỉ 3 nhà báo từng có bài phỏng vấn ông Ortega được đăng báo.
“Ông ấy nhận thấy rằng, thời trang cần phải là một thứ gì đó có thể tiếp cận, không phải chỉ dành cho một nhóm nhỏ. Thời trang với ông ấy là phải được ‘dân chủ hóa”, bà O’Shea cho biết.
Ông Ortega cũng không ngại “vay mượn” từ các thương hiệu thời trang xa xỉ. Vào năm 2008, hãng giày Christian Louboutin Sarl của Pháp đã đâm đơn kiện Inditex nhưng không thành công. Hãng này tố Inditex xâm phạm nhãn hiệu thương mại giày cao gót đế đỏ. Một đôi giày đế đỏ bình thường của Zara có giá chưa đầy 100 USD, trong khi một đôi tương tự của Louboutin “hét” giá trên 1.000 USD.
Inditex có 300 nhà thiết kế làm việc ở Arteixo, bên cạnh 100 nhà thiết kế ở Barcelona. Mỗi năm hãng tung ra khoảng 20.000 sản phẩm mới, dựa trên báo cáo từ các cửa hiệu xem sản phẩm nào đang bán tốt, sản phẩm nào bị tồn, sản phẩm nào bị khách chê. Một khi mẫu thiết kế đã được thông qua, robot với công nghệ từ hãng Toyota sẽ thực hiện cắt vải hàng loạt để may thành sản phẩm. Sau công đoạn là, hàng thành phẩm sẽ được gắn mác giá, gấp, và đóng gói rồi được hãng chuyển phát DHL giao hàng tới từng cửa hiệu Zara.
Hàng tồn kho của Inditex thường xuyên ở mức thấp vì công ty này liên tục đem mẫu mới đến các cửa hiệu thay vì chỉ ràng buộc các thiết kế theo mùa. Đây được đánh giá là một lợi thế của Inditex so với các công ty thời trang khác.
Inditex không trực tiếp sản xuất mọi sản phẩm của hãng. Đối với những sản phẩm ít tính thời trang hơn như quần jean hay đồ công sở, hãng thuê gia công khoảng một nửa tại các quốc gia có mức chi phí sản xuất thấp.
Là con của một công nhân đường ray, khi còn nhỏ, ông Ortega biết rõ thế nào là cái nghèo. Ông nghỉ học ở tuổi 13 để làm thuê các công việc lặt vặt cho một cửa hàng thời trang. Sau đó, ông cùng với anh trai và chị gái cùng vào làm cho một cửa hiệu khác. Tại đây, ông Ortega gặp Rosalia Mera, người vợ đầu tiên của ông. Vào năm 1963, anh em nhà Ortega cùng kinh doanh bằng cách sản xuất mặt hàng áo choàng tắm giá bình dân.
“Tôi nghĩ sẽ thật là không công bằng nếu chỉ có những phụ nữ giàu có mới được mặc đẹp”, ông Ortega nói trong một bài trả lời phỏng vấn vào năm 2003.
Những nỗ lực mở rộng kinh doanh được Ortega được thực hiện từ năm 1968 sau khi ông đến thăm một hội chợ hàng dệt may ở Paris. Đến năm 1975, ông đã có vài trăm nhân viên ở Arteixo và quyết định mở cửa hiệu Zara đầu tiên. Ban đầu, ông định lấy cái tên Zobra, nhưng sau đó lạ chuyển sang dùng cái tên Zara.
Đến năm 1990, ở bất kỳ thành phố nào có từ 100.000 dân trở lên ở Tây Ban Nha đều có một cửa hiệu Zara. Cái tên Zara đến lúc này cũng đã xuất hiện ở Paris và New York. Ông Camunas cho biết, ông Ortega có kỳ nghỉ đầu tiên trong đời chỉ sau khi Inditex phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2001.
Tuy kinh doanh phát đạt nhưng đời tư của ông Ortega có nhiều nỗi buồn riêng. Người vợ đầu Mera đã sinh hạ cho ông một cô con gái là Sandra và một cậu con trai là Marcos. Sandra hiện đã 44 tuổi và có tài sản trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên, Marcos từ khi sinh ra đã bị ngớ ngẩn, trở thành một trong những nỗi khổ tâm lớn nhất của người cha tỷ phú.
Vào năm 1983, Ortega có quan hệ tình cảm với một nhân viên tên Flora Perez Marcote và sinh hạ được một cô con gái nữa tên là Marta. Ông ly dị với người vợ đầu, nhưng 20 năm sau đó mới cưới Flora. Hiện người vợ cũ Mera của ông vẫn là cổ đông lớn thứ nhì của Inditex, sở hữu khối tài sản khoảng 5,2 tỷ USD.
“Điều khiến tôi hối tiếc nhất là không có đủ thời gian cho gia đình”, ông Ortega từng tâm sự với bà O’Shea.
Ông Ortega có lối sống tiết kiệm, nhưng chiều theo sở thích cưỡi ngựa của con gái út, ông đã xây một trung tâm cưỡi ngựa ở gần La Coruna. Trong số 3 người con của ông, thì chỉ có con gái út Marta là làm việc cho Inditex. Nhiều khả năng, Marta sẽ trở thành người đứng đầu Inditex trong tương lai.
Năm ngoái, ông Ortega đã có một bước đi quan trọng trong kế hoạch kế nhiệm của mình khi bổ nhiệm Giám đốc điều hành Pablo Isla vào vị trí Chủ tịch Inditex. Vào năm 2001, ông đã thành lập một quỹ có tên Fundacion Amancio Ortega, chủ yếu phục vụ cho các hoạt động giáo dục. Ông vẫn chưa phát tín hiệu xem sẽ làm gì với khối tài sản khổng lồ của mình sau khi qua đời.
Ngoài thời gian dành cho Inditex, ông Ortega thường xả hơi bằng bơi lội vào đọc sách báo cùng bạn bè tại một câu lạc bộ ở La Coruna. Một nhân viên bồi bàn cho biết, đôi khi anh nhìn thấy ông Ortega rảo bước đi dạo trong tòa nhà bằng đá Plaza Maria Pita ở La Coruna, bởi ông cũng muốn có những phút giây thật riêng tư, cho dù ông là tỷ phú giàu thứ ba thế giới.
Theo kienthuckinhte