Trái phiếu kém hấp dẫn, giữ ngoại tệ gặp rủi ro, diễn biến giá vàng bất ổn, còn đầu tư hàng hóa và ngoại tệ không dễ.
Thị trường trái phiếu Chính phủ thời gian gần đây đã mở ra cơ hội cho nhiều nhà đầu tư cá nhân, thay vì trước nay gần như vẫn chỉ là sân chơi của các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư và nhóm nhà đầu tư lớn, khi vào ngày 24/8 vừa qua, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã phối hợp với Kho bạc Nhà nước và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) tổ chức Lễ khai trương hệ thống giao dịch thứ cấp tín phiếu Kho bạc.
Toàn bộ trái phiếu Chính phủ bao gồm cả trái phiếu kho bạc và tín phiếu kho bạc sẽ được tập trung về giao dịch trên một thị trường. Điều này không chỉ có ý nghĩa cung cấp cho thị trường thứ cấp thêm một loại hàng hóa mới, tăng nguồn cung và tính đa dạng về chủng loại hàng hóa của thị trường trái phiếu thứ cấp, đem lại nhiều sự lựa chọn hơn cho nhà đầu tư, còn góp phần tăng tính thanh khoản cho toàn thị trường trái phiếu, mang lại nhiều lợi ích cho các chủ sở hữu.
Tuy nhiên, trên thực tế thì việc các nhà đầu tư tham gia rót vốn vào kênh tín phiếu ngắn hạn dưới một năm vẫn còn là sự… hứa hẹn của tương lai. Các phiên giao dịch trong mấy ngày sau khai trương vừa qua vẫn cho thấy nhà đầu tư cá nhân chưa quen sử dụng công cụ lãi suất tham chiếu để đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp ở kênh tín phiếu, do đó giá trị giao dịch ở kênh này vẫn chỉ là nhỏ giọt và đây vẫn chỉ là sân chơi quen của các tổ chức. Thống kê của cho thấy, trong 6 phiên giao dịch đã diễn ra kể từ ngày 24/8 đến ngày 4/9, thì có tới 4 phiên có kết quả… không có giao dịch thực hiện (nguồn: HNX).
Có thể nói như nhận xét của ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital, thị trường trái phiếu trước mắt vẫn còn nhiều hạn chế, mà một trong những hạn chế đó là “sản phẩm vẫn còn đơn điệu, chỉ hạn chế ở các trái phiếu trả lãi định kỳ, chưa có những sản phẩm phát hành liên kết gắn trách nhiệm, quyền lợi giữa Nhà nước và chủ đầu tư trái phiếu”.
Ở hai kênh đầu tư hàng hóa và ngoại tệ, có lẽ chỉ những nhà đầu tư nào đang hoạt động thật sự chuyên sâu, “chăm chút” cho kênh đầu tư mà họ đang theo đuổi, mới có “nhã hứng” với hai kênh này. Bởi vì với các nhà đầu tư cá nhân, việc các sàn giao dịch hàng hóa như sắt, thép, cà phê, gạo… đang mở ra và phát triển ở thị trường miền Nam (chủ yếu là TP HCM thông qua Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX) và ở Đắk Lắk thông qua Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Mê Thuột) gần như không tác động và khiến họ có nhu cầu chuyển kênh đầu tư. Hay nói cách khác là kênh đầu tư hàng hóa trên thị trường tài chính Việt Nam đang đứng “một mình một cõi”, với các giao dịch chủ yếu chỉ những doanh nghiệp hoạt động trong ngành.
Tương tự, nhà đầu tư cá nhân cũng không còn quan tâm đến kênh đầu tư ngoại tệ, do việc nắm giữ ngoại tệ sẽ chịu sự quy định và kiểm soát rất chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước. Việc giao dịch ngoại tệ trên thị trường “chợ đen” để kiếm lời như trước đây, không còn được nhiều nhà đầu tư theo đuổi.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính nói: “Càng về lâu dài, ngoại tệ càng không có đất để vẫn là một… kênh đầu tư, và các nhà đầu tư nên nhìn nhận điều đó theo nghĩa tích cực. Hơn nữa, sự ổn định tỷ giá trong gần một năm qua cũng cho thấy khả năng nói được, làm được của Ngân hàng Nhà nước trong việc ổn định tỷ giá đúng như mục tiêu đã định. Vì vậy, nhà đầu tư càng không có lý do nắm giữ ngoại tệ trong 4 tháng cuối năm, để tránh những rủi ro về mặt pháp lý không đáng có !”.
Dĩ nhiên, nhận định này chắc chắn không dành cho những nhà đầu tư cũng đang theo đuổi đầu tư trên các thị trường forex quốc tế mà chỉ cần một cú click chuột, họ vẫn có thể đặt lệnh với hàng chục cặp tỷ giá khác nhau.
Kênh đầu tư vàng đề cập ở đây thuần túy là kênh mua bán vàng vật chất, theo nghĩa mua đi bán lại kiếm lời rất thông dụng với các nhà đầu tư cá nhân Việt Nam, không bao gồm việc giao dịch vàng qua các sàn “ảo”.
Trong khoảng 2 tuần trở lại đây, kể từ 21/8 cho đến sau kỳ nghỉ lễ ngày 2/9, thị trường vàng trong nước đã có sự thay đổi đáng kể về giá và hiện đang giữ ở mức 45 triệu đồng/ lượng, đỉnh của giá vàng trong nước hơn 4 tháng vừa qua.
Ngoại trừ các yếu tố tin đồn và tâm lý thiếu cơ sở của đám đông trên thị trường tài chính sau hiệu ứng bầu Kiên, thì sự tăng vọt của giá vàng hoàn toàn hợp lý và tỷ lệ thuận với sự gia tăng của giá vàng quốc tế. Theo đó, động lực nâng đỡ cho giá vàng quốc tế đang kỳ vọng tiếp tục sẽ dâng cao, và dự kiến vượt mốc 1.700 USD/ounce trong khoảng 2 tuần tới, là gói định lượng QE3 là mà giới đầu tư cho rằng có khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ đưa ra. Gói định lượng này đồng nghĩa với một lượng tiền được đưa vào kích thích nền kinh tế Mỹ, cũng đồng nghĩa với lạm phát gia tăng, khiến giới đầu tư “đặt cược” vào nhu cầu bảo toàn vốn, trốn rủi ro, chống lạm phát của tài sản vàng. Bên cạnh đó, thông tin về việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc quyết định tăng mua vào thêm 6.000 tấn vàng cũng có ý nghĩa “trợ giá” cho giá vàng quốc tế.
Dầu vậy, khả năng về một gói kích thích kinh tế từ Mỹ, Trung Quốc hay châu Âu vẫn đang còn nằm trên bàn đàm phán của các nhà lãnh đạo, trong khi đó, việc điều chỉnh và bán tháo vàng của giới đầu cơ lại luôn khó lường. Điển hình là sau 5 tháng ì ạch quanh mốc 1.600 USD/ounce, chỉ sau một phát biểu của FED, vàng đã vượt qua mốc 1.700 USD/ounce, để rồi sau đó phải điều chỉnh về dưới ngưỡng này trong tâm lý… chờ đợi.
Vì vậy, đón giá vàng quốc tế để mua vàng vật chất trong nước, với kỳ vọng giá vàng quốc tế có thể vượt kỷ lục 1.900USD/ounce của tháng 9 năm trước, và vàng trong nước vượt được mốc 49 triệu đồng/ lượng của 2011, sẽ có phần rủi ro không nhỏ cho các nhà đầu tư.
TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng:
So sánh giữa tỷ giá 7 tháng đầu năm tiếp tục ổn định do thâm hụt thương mại thấp, kiều hối tăng, vốn FDI giải ngân ổn định và cán cân thanh toán được cải thiện. Ngoài ra CPI giảm mạnh, tín dụng thấp cũng hỗ trợ cho việc kiềm tỷ giá. Có thể thấy rằng tỷ giá có xu hướng ổn định từ cuối 2011 đến nay và khoảng cách giữa tỷ giá chính thức và thị trường tự do ngày càng thu hẹp. Và với các dấu hiệu vĩ mô đang được kiểm soát tốt, mức độ nhập siêu giảm trong năm, tín dụng tăng thấp và CPI dưới 10% như đã phân tích, thì tỷ giá USD cuối năm sẽ trong mức 21.000-21.500 VNĐ/USD.
Ông PK Basu, Giám đốc nghiên cứu toàn cầu của Tập đoàn Maybank Kim Eng tại Việt Nam, Công ty chứng khoán MaybankKim Eng:
Nếu việc gói kích thích QE3 không được thông qua thì có ảnh hưởng thế nào đến giá vàng? Tôi cho rằng, nếu không có gói QE3 thì vàng sẽ không có nhiều động lực tăng giá. Có hai nhân tố chủ yếu hỗ trợ cho giá vàng: Thứ nhất là lạm phát và kỳ vọng về lạm phát. Trong trường hợp không có gói QE3, các nhà đầu tư sẽ không e ngại nhiều về lạm phát và do đó thiếu động lực đẩy vàng tăng. Thứ hai, các giai đoạn bất ổn và dao động mạnh của thị trường. Hiện tại thị trường thế giới đang ổn định hơn. Vì các lý do trên nên tôi cho rằng vàng không có nhiều động lực tăng, nhất là nếu QE3 không được công bố. Tuy nhiên, vàng cũng không có nhiều khả năng giảm sâu, do tôi thấy có động thái mua vàng của một số ngân hàng trung ương. Do đó, vàng có thể tiếp tục chạy trong một biên độ nhất định.
Theo kienthuckinhte