Ổn định thị trường và giảm hàng tồn kho là mục tiêu chính của ngành Công Thương trong tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013. Vấn đề này được đưa ra thảo luận tại buổi giao ban trực tuyến diễn ra ngày 3/12/2012.
Nhiều giải pháp hiệu quả
Tăng nguồn hàng hóa chuẩn bị Tết và bình ổn thị trường là nhiệm vụ trọng tâm đang được ngành Công Thương triển khai. Theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, thị trường bán lẻ đang dồn sức cho mùa mua sắm cuối năm, nhất là dịp Tết Dương lịch và Âm lịch sắp tới. Hiện đã có 43/63 tỉnh gửi báo cáo lên Bộ về triển khai bình ổn thị trường cuối năm, trong đó có 21 Sở Công Thương bắt đầu triển khai.
Công tác bình ổn thị trường năm nay có nhiều điểm mới, đang được xã hội hóa rất cao. Đến nay, các địa phương ứng vốn hơn 100 tỷ đồng, trong khi các doanh nghiệp (DN) đã chủ động chi ra hơn 12.000 tỷ đồng để bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết- Thứ trưởng Thoa nhấn mạnh.
Nhiều tỉnh, thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp với mục tiêu không để thiếu hàng, sốt giá và hàng bình ổn sẽ đến đúng người tiêu dùng. Đơn cử, TP.HCM đã tăng được 437 điểm bán hàng bình ổn giá so với đầu năm 2012, nguồn hàng dự trữ Tết tăng 23,9% so với năm trước. Theo Phó giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ Dương Nghĩa Hiệp, tại Cần Thơ, ngay từ cuối quý III, đầu quý IV/2012, ngành Công Thương đã làm việc với hơn 20 DN có quy mô lớn trên địa bàn để thực hiện tạm dự trữ hàng Tết với số lượng hàng hóa tương đương 2.489 tỷ đồng. Trong đó, hàng lương thực dự trữ tương đương 200 tỷ đồng, thực phẩm tươi sống 35 tỷ đồng, dầu ăn, đường, bánh kẹo 50 tỷ đồng…; Cần Thơ cũng yêu cầu các DN kinh doanh xăng dầu, gas dự trữ lượng hàng khoảng 180 tỷ đồng…
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Võ Văn Quyền cho biết thêm: Số lượng DN tự giác tham gia bình ổn thị trường không nhận sự hỗ trợ của nhà nước ngày càng cao. Hệ thống phân phối và bán hàng lưu động được tăng cường, hướng tới các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp. Một điểm mới của công tác bình ổn thị trường Tết năm nay là các ngân hàng cũng tham gia, cho DN vay với lãi suất ưu đãi để tích trữ hàng hóa. Ngành Công Thương một số địa phương còn thực hiện hình thức bình ổn giá tại chợ đầu mối, chủ yếu là hàng lương thực, thực phẩm…
Tạo đà cho năm mới
Tính đến hết tháng 11, tồn kho một số ngành hàng như bia tăng 57,6% so với cùng kỳ năm ngoái; thuốc lá tăng 45%; may mặc tăng 48,5%… Tuy nhiên, con số này không quá lo ngại bởi đây là mức tồn kho tương đối bình thường, tập trung chủ yếu ở một số ngành hàng phục vụ tiêu dùng dân cư chuẩn bị đón Tết. Đặc biệt, một số ngành tồn kho giảm mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ ngăm ngoái như: Đường giảm tương ứng 36,2% và giảm 48,2%; thiết bị dẫn điện giảm 27,7% và 27,1%…
Mặc dù hàng tồn kho đã giảm dần, nhưng Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đề nghị các DN, hiệp hội cần tận dụng thời gian còn lại để đẩy mạnhsản xuất, kinh doanh, nhằm đạt được kết quả cao nhất trong cả năm 2012. “Việc giảm tồn kho, điều tiết sản xuất – kinh doanh, bố trí kế hoạch năm 2013 cho phù hợp là công tác trọng tâm cần triển khai. Ngoài ra, cần lưu ý chống hàng giả, hành nhái; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giải quyết đầu ra cho sản xuất – kinh doanh và xuất khẩu…”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo: Các đơn vị chức năng trong Bộ phải hỗ trợ, giúp đỡ DN trong việc hoàn thành kế hoạch năm 2012 cũng như khởi động những tháng đầu năm 2013 thật tốt, nhằm tạo đà cho cả năm.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) Nguyễn Tiến Vy:
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 11 tháng ước đạt gần 2.118 nghìn tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại bỏ yếu tố tăng giá, mức tăng là 6,39%.
Theo Thùy Linh