Doanh nghiệp nội khó bứt phá trong quy hoạch mạng lưới siêu thị

Với quy hoạch mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại do Bộ Công thương vừa đưa ra, các cơ quan quản lý kỳ vọng sẽ giải toả những bức xúc của doanh nghiệp trong nhiều năm qua, song điều này còn chờ câu trả lời từ thực tiễn.

Sẽ có hơn 500 siêu thị mới tại Việt Nam
Ngay từ đầu năm 2012, Bộ Công thương đã xác định vấn đề hàng đầu của ngành bán lẻ trong năm 2012 là hoàn thành quy hoạch và phát triển hệ thống phân phối, đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu, từng bước phát triển hệ thống phân phối hiện đại tại các thành phố, đô thị lớn, trong đó ưu tiên hàng Việt Nam.

Cuối tháng 10/2012, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 6184/QĐ-BCT phê duyệt “Quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại cả nước đến 2020 và tầm nhìn đến 2030”. Theo đó, cả nước sẽ có 1.200 – 1.300 siêu thị các loại, tăng thêm 585 – 695 siêu thị so với năm 2011. Ngoài ra, cả nước sẽ có 180 trung tâm thương mại, tăng 82 trung tâm so với năm 2011, trong đó, Hà Nội và TP.HCM là hai thành phố trong tâm cả về siêu thị và TTTM.

Cũng theo quy hoạch này, Bộ Công thương đặt mục tiêu đến năm 2020, siêu thị, trung tâm thương mại trở thành kênh bán lẻ hàng hóa chủ yếu trên thị trường; tốc độ tăng tốc mức bán lẻ hàng hóa qua kênh này đạt bình quân 26 – 27%/năm vào năm 2015 và 29 – 30% thời kỳ 2016 – 2020. Tỷ trọng bán lẻ qua mạng lưới này cũng chiếm 27-30% tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội vào năm 2015 và 43 – 45% vào năm 2020.

Điểm nhấn trong lần quy hoạch này là, các cơ quan quản lý sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư theo quy hoạch đã phê duyệt, tiếp tục thể chế hóa các cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về mở cửa thị trường bán lẻ, dịch vụ để đảm bảo cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đặc biệt, Nhà nước sẽ tăng cường kiểm soát doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh các mặt hàng thuộc danh mục loại trừ và việc xin mở điểm bán lẻ thứ hai, khuyến khích xây dựng siêu thị, trung tâm thương mại ở khu vực xa trung tâm đô thị. Các dự án xây dựng trung tâm thương mại ở các tỉnh có thu nhập bình quân đầu người thấp hơn cả nước sẽ được hỗ trợ theo quy định.

Đảm bảo cạnh tranh công bằng?

Việc thống nhất quy hoạch mạng lưới siêu thị, chợ sẽ là cẩm nang để DN có định hướng phát triển. Tuy nhiên, yếu tố cản trở lớn trong phát triển mạng lưới bán lẻ của DN trong nước vẫn là thuê mặt bằng. Điều này lý giải vì sao, trong khi các nhà bán lẻ ngoại có những thông báo chắc “như đinh đóng cột” về chiến lược thâm nhập và mở rộng các điểm bán lẻ, trung tâm thương mại theo lộ trình, thì DN trong nước gần như im hơi lặng tiếng.

Nhắc đến vấn đề này, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái không khỏi chạnh lòng bởi câu chuyện 5 năm về trước. Khi đó, bốn doanh nghiệp bán lẻ trong nước (là Hapro, Satra, Saigon Co.op và Tập đoàn Phú Thái) quyết định cùng thành lập Công ty Đầu tư và Phát triển hệ thống phân phối Việt Nam (VDA) với vốn đăng ký 600 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Đoàn khẳng định trong vòng 5 năm tới, VDA sẽ phải đóng cửa vì không có chính sách hỗ trợ DN tiếp cận đất đai một cách hữu hiệu. Trong khi đó, các địa phương chỉ cho thuê và giao đất khi doanh nghiệp giao tiền trong một lần. Với tiềm lực về vốn còn hạn chế, doanh nghiệp Việt Nam khó đáp ứng được yêu cầu này.“Chính phủ biết những điều này và cũng muốn hỗ trợ, nhưng tại sao vẫn chậm? Cần phải xem có rào cản nào để sớm tháo gỡ?” ông Đoàn đặt câu hỏi.

Liên quan đến vấn đề này, ông Võ Văn Quyền, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cũng thừa nhận, việc thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước và Quy hoạch mặt bằng bán lẻ trong 5 năm qua còn rất nhiều điểm khiến doanh nghiệp bức xúc. Ví dụ, Quyết định số 27/2007/QĐ-TTg ngày 15/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển thương mại trong nước đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 có đề xuất nhiều cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế, đất đai, nhưng sau 5 năm vẫn chưa đạt được. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, dự kiến thời gian tới sẽ sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2006/NĐ – CP ngày 22/6/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Theo đó, sẽ đưa tất cả các loại hình đầu tư hội chợ thương mại, kho hàng, logistics, trung tâm thương mại, chợ… được hưởng ưu đãi đầu tư.

Ông Quyền cho biết thêm, tới đây sẽ thể chế hóa bằng thông tư gắn vai trò của Sở Công thương vào cấp phép đầu tư để theo đúng quy hoạch. “Đề nghị cơ quan chức năng yêu cầu DN có quy mô lớn sẽ ưu tiên phát triển các siêu thị lớn. Cố gắng dành quyền tốt hơn cho DN Việt Nam. Hy vọng, Hiệp hội Bán lẻ sẽ tập hợp được 500 DN kinh doanh thương mại và hơn 2 triệu hộ kinh doanh cá thể trên cả nước để tạo sức mạnh tổng hợp trên thị trường cũng như trong đối thoại chính sách với Chính phủ”, ông Quyền nói.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại – người đề xuất thành lập Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam (AVR), nhận định: “Việc mở cửa thị trường bán lẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài là tất yếu. Việt Nam đã có 10 năm chuẩn bị, nhưng rất tiếc do những yếu tố khách quan và chủ quan mà các DN đã không vươn lên được mạnh mẽ để chuẩn bị cho cạnh tranh khốc liệt như hiện nay”.

Đóng góp 14 – 15% GDP Việt Nam, nhưng sự “tụt hạng” liên tiếp của thị trường này trong mấy năm qua giống như một sự “cảnh báo” đối với nền kinh tế. Thực trạng không như mong muốn trên có một phần căn nguyên của việc bắt buộc DN phát triển bằng mệnh lệnh hành chính, mà không có chính sách ưu đãi kèm theo.

Song nếu có chính sách ưu đãi thì cũng không hết bất cập. Chẳng hạn, về chính sách lãi suất bởi ngân hàng chỉ ưu tiên lãi suất thấp cho sản xuất, không ưu tiên lãi suất cho những người làm thương mại. “Chúng tôi đã đề xuất rất nhiều lần điều chỉnh lãi suất cho vay thương mại bằng lãi suất cho vay sản xuất, nhưng đã không được chấp thuận. Thậm chí, hiện nay, DN nước ngoài đang được ưu tiên những địa điểm đẹp dù có cơ chế ràng buộc các doanh nghiệp này khi muốn mở cơ sở thứ 2”, ông Tuyển nói.

Vậy nên, những cam kết mà Bộ Công thương đưa ra trong Quyết định quy hoạch mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại đến năm 2020 là đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước chưa được nhiều doanh nghiệp tin tưởng.

Theo Anh Hoa