Chấp nhận bán cả ngành cốt lõi

Khi khủng hoảng đã khoét sâu vào mọi lĩnh vực kinh tế, thì câu chuyện mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) không còn nằm ở quyết định bán những công ty, dự án đầu tư ngoài ngành, mà nhắm tới cả những ngành kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp.

Cách đây không lâu, dư luận sửng sốt khi nghe tin Công ty Eastman Kodak (Mỹ), chuyên kinh doanh các sản phẩm phim ảnh kỹ thuật số và truyền thống, công bố bán mảng kinh doanh cốt lõi là phim âm bản và một số mảng kinh doanh khác để tăng vốn. Đặc biệt, hãng này sẽ phân phát đều các bằng sáng chế cho các bên liên quan như Apple, Google, Samsung và LG, cùng một số các công ty khác, tránh để rơi vào tay một công ty, nhất là Apple. 

Đối với lãnh đạo điều hành của Eastman Kodak, việc bán mảng kinh doanh cốt lõi thực sự khó khăn, nhưng họ cần một quyết định cứng rắn để xây dựng lại tương lại của mình. Trước đó, Kodak đã lên kế hoạch ngừng sản xuất các dòng sản phẩm máy ảnh số, máy quay film và khung ảnh số…

Tương tự, Hãng RIM (Canada) đang có kế hoạch bán mảng phần cứng điện thoại, cùng với dịch vụ tin nhắn độc quyền BBM, BIS, BES. Họ cũng dự kiến kinh doanh bản quyền dịch vụ tin nhắn trên để chạy được trên nền tảng khác như iOS, Android… RIM đang cân nhắc một lựa chọn khác là chuyển nhượng cổ phần cho một tập đoàn lớn hơn như Microsoft. 

Như vậy, khi khủng hoảng đã khoét sâu vào mọi lĩnh vực kinh tế, thì câu chuyện M&A không còn nằm ở quyết định bán dự án đầu tư ngoài ngành như thường thấy, mà còn nhắm tới cả ngành kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, không ít nhà đầu tư tìm đến doanh nghiệp chỉ có nhu cầu mua lại ngành kinh doanh cốt lõi. Lúc này, bài toán đặt ra đối với doanh nghiệp là phải tính đến phương án bán đi những mảng kinh doanh cốt lõi của mình. Việc này dĩ nhiên gây ra nhiều lo ngại cho lãnh đạo công ty, các cổ đông, thậm chí gây sức ép từ dư luận.

Hẳn nhiều người vẫn chưa hết thắc mắc xung quanh việc Phở 24 bán 100% cổ phần cho Highlands Coffee, với giá trị giao dịch theo lời đồn đoán là hơn 20 triệu USD. Theo giới phân tích, ông chủ của thương hiệu này không chỉ biết “bỏ phở khi còn nóng”, mà còn biết chọn đúng thời điểm để mua nhượng quyền thương hiệu khác.

Ông Đỗ Anh Tú, chủ thương hiệu Diana cũng quyết định bán 95% cổ phần Công ty cổ phần Diana cho Tập đoàn Unicharm (Nhật Bản). Lý do được đưa ra là điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn, doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng hoạt động khó khăn, không thể tích lũy vốn và có lãi. Với số tiền bán được, ông Tú cùng anh trai là ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn DOJI quyết định mua 20% cổ phần của TienphongBank, vì cho đó là cơ hội vàng cần phải nắm lấy.

Rõ ràng, việc mua bán cổ phần, doanh nghiệp, dự án là chuyện hết sức bình thường, phụ thuộc vào chiến lược từng thời điểm của công ty và cung – cầu trên thị trường. Điều quan trọng là CEO phải xác định điều gì có lợi nhất cho các cổ đông. Chương trình Chìa khóa thành công – CEO phiên bản 2012 phát sóng trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam vào 10 giờ sáng Chủ nhật tuần này (16/12) và phát lại vào 8 giờ sáng thứ Hai (17/12) sẽ trao đổi kỹ hơn vấn đề “nóng” nàyn 

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình Chìa khóa thành công – CEO do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự tài trợ của Thép Pomina.

Theo Vũ Anh