Phương thức nào giải cứu thị trường bất động sản?

Nhiều giải pháp đã được thông báo nhằm giải cứu thị trường bất động sản, nhưng giới chủ đầu tư bất động sản vẫn tiếp tục kêu gọi “giải cứu”.
Đầu năm 2011, khi tín dụng cho bất động sản bị các ngân hàng thắt chặt theo yêu cầu của Chính phủ để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô theo Nghị quyết 11, thì cũng rất nhanh sau đó, hàng loạt tiếng “kêu cứu” vang lên từ chủ đầu tư các dự án bất động sản.

Từ tháng 3 đến tháng 6/2011, hàng loạt hội thảo, diễn đàn do Bộ Xây dựng, Phòng Thương mại và Công nghiệp, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Mạng các sàn giao dịch Bất động sản Việt Nam… tổ chức xoay quanh chủ đề tìm vốn cho bất động sản. Mục tiêu của các hội thảo này là thuyết phục Chính phủ rằng, bất động sản không phải là “lĩnh vực phi sản xuất” để cứu các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Mong muốn của các chủ đầu tư dự án bất động sản đã được lắng nghe, khi cuối năm 2011, Bộ Xây dựng chính thức có văn bản trình Chính phủ và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét các khoản vay cho bất động sản. Và đầu năm 2012, các khoản vay cho đầu tư, kinh doanh bất động sản được các tổ chức tín dụng xem xét giải ngân trở lại.

Cụ thể, Công văn số 674/NHNN – CSTT ngày 13/2/2012 và Công văn số 2056/NHNN – CSTT ngày 10/4/2012 của Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh một số khoản mục cho vay đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản ra khỏi lĩnh vực không khuyến khích, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Nội dung “giải cứu” thị trường bất động sản cuối cũng đã được chính thức đề cập trong một văn bản quy phạm pháp luật của Ngân hàng Nhà nước, với việc, không coi đầu tư, kinh doanh bất động sản là “lĩnh vực phi sản xuất”.

Các khoản mục được loại trừ khỏi “bản án” mang tên “lĩnh vực phi sản xuất” gồm hầu hết các nội dung đầu tư, kinh doanh bất động sản như: xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở, để bán, cho thuê; xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở trong khu đô thị; xây dựng nhà để bán, cho thuê cho người thu nhập thấp; công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở hoàn thành trong năm 2012 và sau năm 2012…

Sau khi “cởi trói” các khoản tín dụng cho bất động sản, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản tính đến ngày 31/10/2012 là 207.595 tỷ đồng, tăng 3,8% so với 31/12/2011. Dư nợ các nhu cầu đầu tư, kinh doanh bất động sản được loại trừ khỏi lĩnh vực phi sản xuất là 121.496 tỷ đồng. Nếu loại trừ số này thì dư nợ đầu tư, kinh doanh bất động sản bị khống chế trong nhóm “phi sản xuất” tính đến ngày 31/10/2012 chỉ còn 86.100 tỷ đồng – chủ yếu là các khoản nợ xấu phát sinh từ những năm trước.

Một loạt văn bản, chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước hướng đến việc “giải cứu” thị trường bất động sản cũng đã được ban hành từ tháng 2 đến tháng 4/2012 như: Chỉ thị số 01/CT – NHNN ngày 13/2/2012, Văn bản số 2056/NHNN – CSTT ngày 10/4/2012, Quyết định số 780/QĐ – NHNN ngày 23/4/2012… chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng để tháo gỡ khó khăn thông qua việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Đối với khách hàng được đánh giá là trước mắt gặp khó khăn, nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh có chiều hướng tích cực và có khả năng trả nợ ngân hàng, thì tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ được phân loại trước khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ.

Tiếp đó, ngày 22/8/2012, Ngân hàng Nhà nước có Công văn số 5464/NHNN – TD chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai một số sản phẩm tín dụng với thời hạn, lãi suất phù hợp đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, khách hàng mua nhà. Theo đó, Các ngân hàng đã dành hàng chục ngàn tỷ đồng hỗ trợ khách hàng cá nhân, hộ gia đình mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở với lãi suất 12%/năm…

Vậy nhưng, tại sao giới chủ đầu tư bất động sản tiếp tục kêu gọi “giải cứu”? Ngoài “tín dụng”, có những phương thức nào được đưa ra để giải cứu thị trường bất động sản?
Bản inPhản hồi

Theo Hà Quang