Trong nhiều cuộc phỏng vấn xin việc, bạn có may mắn được trao đổi với chính vị giám đốc của công ty đó. Sếp có thể không cứng nhắc như vị cán bộ phòng nhân sự, nhưng đôi khi sếp lại khiến bạn toát mồ hôi vì những câu hỏi khó.
1.Xem hồ sơ của bạn tôi thấy có một số môn học bạn không đạt kết quả cao? Bạn có thể nói nguyên nhân?
Phân tích: Với loại câu hỏi này, nếu bạn trả lời một cách thành thật thì quả là sai lầm. Câu hỏi này của các sếp không phải muốn chỉ ra điểm yếu của bạn mà chỉ muốn xem thái độ và cách giải quyết của bạn trước một tình huống khó xử. Đừng cố giải thích cho những môn học kém.
Trả lời: Cách trả lời tốt nhất là đối diện với sự thật. Bạn có thể nói: “Vâng, đúng là tôi có một số môn học không được tốt, nhưng tôi tin đấy không phải nguyên nhân gây cản trở công việc của tôi hiện tại cũng như sau này”.
2. Nếu bạn là giám đốc tài chính, khi tổng giám đốc yêu cầu trốn 10 triệu tiền thuế mỗi năm thì bạn sẽ làm thế nào?
Phân tích: Bạn đừng cố nghĩ ra cách trốn thuế làm gì. Câu hỏi này chỉ nhằm kiểm tra đạo đức nghề nghiệp của bạn mà thôi.
Trả lời: Bạn nên trả lời: “Tôi nghĩ câu hỏi của ông (bà) chỉ là một ví dụ. Với một công ty uy tín như quý công ty đây thì không thể nào có chuyện trốn thuế. Tuy nhiên nếu tổng giám đốc bắt buộc tôi làm điều đó thì tôi chỉ có một lựa chọn duy nhất là xin từ chức. Bởi vì, thành thật là nguyên tắc đầu tiên để trở thành người nhân viên tốt”.
3. Trong các công việc bạn đã làm, việc gì khiến bạn tự hào nhất?
Phân tích: Hỏi về vấn đề này, sếp không muốn ngồi nghe bạn kể các thành tích đã đạt được mà chỉ muốn thăm dò một phần “tính cách” của bạn. Nếu bạn thao thao bất tuyệt tự hào nói về những thành tích mình đạt được thì ấn tượng lưu lại cho người phỏng vấn chỉ là tính tự mãn của bạn mà thôi.
Trả lời: Bạn có thể nêu các thành tích của mình nhưng nhớ rằng câu đầu tiên nên nói là: “Với sự giúp đỡ của mọi người, tôi cũng đã đạt được một số thành tích nhất định…”.
Câu trả lời như vậy vừa thể hiện tinh thần tập thể vừa thể hiện sự tôn trọng của bạn đối với sức lao động của người khác, thể hiện tính khiêm tốn nhưng vẫn có thành tích cá nhân trong đó.
4. Khi nào bạn có thể đi làm được?
Phân tích: Nhận được câu hỏi này, rất nhiều người mừng thầm rằng “mình đã được tuyển” và trả lời “Tôi có thể đi làm ngay lập tức” hoặc “Tôi sẽ có mặt ngay khi quý công ty cần”. Câu trả lời này có thể áp dụng cho những người bắt đầu xin việc, còn những nhân viên muốn thay đổi công việc thì hoàn toàn không phù hợp. Thực ra đối phương đang muốn thăm dò tinh thần trách nhiệm của bạn. Một nhân viên khi từ bỏ một công việc sẽ mất khá nhiều thời gian để bàn giao lại công việc cho công ty cũ. Nếu bạn trả lời là có thể đi làm ngay thì nhà tuyển dụng sẽ đánh giá thấp tính trách nhiệm của bạn, rất có thể bạn sẽ đánh mất cơ hội.
Trả lời: Bạn có thể trả lời: “Tôi sẽ nhanh chóng bàn giao lại công việc của mình ở công ty cũ, sau khi mọi việc được giải quyết xong xuôi thì tôi sẽ liên lạc với quý công ty” hoặc “Những thủ tục ở công ty cũ tôi đã giải quyết xong rồi, hiện tại tôi chờ vào sự sắp xếp của quý công ty”.
5. Rất tiếc, chúng tôi không thể tuyển bạn được.
Phân tích: Trong suốt quá trình phỏng vấn, bạn đã phải hết sức tập trung để “đấu sức và đấu trí” với các sếp, nhưng cuối cùng nhà tuyển dụng lại dội vào bạn một gáo nước lạnh bằng câu nói trên. Thực ra, trong nhiều trường hợp các nhà tuyển dụng khó tính chỉ muốn xem biểu hiện của bạn như thế nào khi gặp một tình huống bất ngờ và khó xử như thế. Nếu như lúc đó bạn hoàn toàn thất vọng, buồn chán thì bạn đã rơi vào “bẫy” của họ rồi.
Trả lời: Thực ra lúc này bạn cũng không nên nói bất kỳ điều gì bởi đây không phải là một câu hỏi. Điều duy nhất mà bạn nên làm là “mỉm cười trước thử thách”. Bởi vì, một nhân viên bản lĩnh chính là một nhân viên biết mỉm cười trước mọi khó khăn, thử thách. Có khi chính nụ cười lại đem lại cho bạn sự thành công.
Trong một vài trường hợp, nếu bạn tự tin với màn phỏng vấn của mình, bạn cũng có thể “đấu” lại sếp bằng câu hỏi: “Không biết ông có thể nói cho tôi biết tôi không đáp ứng được yêu cầu nào của quý công ty?”
Theo VietNamnet