Trong bối cảnh của việc gia tăng cường độ của cạnh tranh, thương hiệu giữ vai trò quyết định trong việc duy trì khách hàng trung thành, bổ sung không ngừng khách hàng mới và mục đích không nằm ngoài việc giúp DN tồn tại và phát triển bền vững.
Mới đây, ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên cùng hơn 3.000 nhân viên của công ty trên toàn quốc đã trực tiếp ra chợ bán hàng. Ông Vũ, với vai trò là nhân viên tiếp thị các sản phẩm của công ty và quảng bá cho thương hiệu Việt, kể cả những sản phẩm công ty không sản xuất như chè, điều và nhiều loại nông sản khác… đã đến chợ Bến Thành để vừa tiếp thị sản phẩm, vừa lắng nghe phản hồi của khách hàng về sản phẩm của Trung Nguyên nhằm tăng tính cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Câu chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu công ty của ông Vũ không đạt doanh thu tới 151 triệu USD trong năm 2011 và dự kiến tăng trưởng doanh thu năm 2012 của công ty có thể đạt 78%.
Được biết, cùng với Chủ tịch Vinamilk Mai Kiều Liên, Đặng Lê Nguyên Vũ là một trong số những doanh nhân Việt hiếm hoi được Tạp chí Forbes tôn vinh và ca ngợi.
Từ câu chuyện của ông chủ Tập đoàn Trung Nguyên, tôi nhớ lại trong chuyến công tác lên Xín Mần – huyện biên giới hẻo lánh của tỉnh Hà Giang, tôi thấy trong các cửa hàng thương mại huyện bày bán những túi dầu gội đầu, dầu xả của hãng Unilever. Thậm chí, còn có cả những sản phẩm bánh cuộn và bánh trứng Ego của Thái Lan… Trong khi, hàng Việt Nam hầu như vắng bóng.
Vì sao sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài có độ “thẩm thấu” sâu và xa đến vậy. Đơn giản, vì họ biết làm thương hiệu và không bỏ sót thị trường nào…
Cùng lúc liên tục nghe thấy những cảnh báo, như: “Nguy cơ mất thị trường nội địa”, “thua ngay trên sân nhà”… thì các DN Việt hình như còn mải mê với những kế hoạch chinh phục các thị trường quốc tế, hơn là tập trung cho thị trường nội địa.
Không ít DN trong nước hiểu rằng, bí quyết duy nhất và đơn giản nhất để xây dựng thương hiệu thành công, đi đến xây dựng thương hiệu mạnh, thậm chí thương hiệu dẫn đầu, là việc tác động đến nhận thức về công ty hoặc về sản phẩm. Và, xây dựng thương hiệu thành công phụ thuộc vào việc tìm hiểu khách hàng đã, đang và sẽ tìm kiếm cái gì; khả năng đáp ứng cho khách hàng ra sao.
Trong bối cảnh của việc gia tăng cường độ của cạnh tranh, thương hiệu giữ vai trò quyết định trong việc duy trì khách hàng trung thành, bổ sung không ngừng khách hàng mới và mục đích không nằm ngoài việc giúp DN tồn tại và phát triển bền vững.
Có lẽ, để chinh phục thị trường nội địa, các DN Việt không cần “đao to búa lớn”, mà đơn giản bằng hành động nhỏ đầu tiên như ông Đăng Lê Nguyên Vũ đã làm!
Theo Hoàng Châu