Hết dư địa cho giải pháp truyền thống

Thông điệp chính sách không rõ đang khiến giới chuyên gia kinh tế lo ngại về kết quả của các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế.

Rối thông điệp
Doanh nghiệp chưa kịp ngẫm cơ hội vượt khó từ những đề xuất miễn giảm, gia hạn các loại thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, tiền thuê đất vừa được Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, thì thông tin về tăng giá điện lại khiến họ lao đao.

Con số 7.000 tỷ đồng mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thu thêm từ đợt tăng giá điện lần này (với tỷ lệ 5%) được ngành điện cho là không ảnh hưởng nhiều tới nền kinh tế lại đang là câu chuyện lớn của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh hoạt động sản xuất – kinh doanh khó khăn trên diện rộng và kéo dài. Động thái này được đưa ra trong lúc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước đang được dự báo ở mức 6,8%, thấp hơn dự báo 7,5% được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra vào đầu tháng 12/2012 tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 2012.

Theo tính toán của ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư U&I, phí bảo trì đường bộ thu qua đầu phương tiện, dù doanh nghiệp có sử dụng sử dụng nhiều hay ít, tăng lương tối thiểu và giá điện đang đổ tiếp áp lực lên những khó khăn quá nặng của doanh nghiệp trong năm tới. “Tôi mong rằng, những khó khăn của doanh nghiệp được nhìn nhận đúng mức”, ông Tín đề xuất.

Mọi việc có vẻ như lại trở lại những khúc mắc cũ đã từng được nhắc tới vào giữa năm 2012. Khi đó, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp được đưa ra vào hồi đầu năm chưa phát huy tác dụng như mong muốn, chi phí sản xuất và giá thành chưa giảm được, thì giá xăng, dầu, điện lại điều chỉnh tăng liên tục, phí dịch vụ y tế đồng loạt tăng.

Rõ ràng, các điều chỉnh tăng giá, tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp trong các ngành có liên quan nói trên chắc chắn sẽ làm tăng chi phí sản xuất, khiến doanh nghiệp đã yếu lại yếu thêm. Điều quan trọng, theo ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, các giải pháp chính sách là chưa nhất quán theo hướng giải quyết các khó khăn đối với doanh nghiệp, đang ảnh hưởng tới niềm tin đối với sự nhất quán và kiên định của Chính phủ trong chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Cung nói.

Phương án chọn cho giải pháp

Không rõ về thông điệp chính sách đang khiến giới nghiên cứu kinh tế vĩ mô tiếp tục lo ngại về sự ổn định nhiều rủi ro của kinh tế Việt Nam trong thời điểm này. Ngay cả hướng đi xuống của CPI cũng không khiến ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương an tâm, bởi lòng tin thấp khiến lạm pháp hoàn toàn có thể quay lại. Thậm chí, ông Thành còn cho rằng, nếu như đáy của tăng trưởng Việt Nam năm 2012 là giai đoạn quý I, quý II, thì lúc này đang là thời điểm đáy của lòng tin doanh nghiệp.

Thực ra, theo ông Cung, trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, tỷ lệ phá sản, ngừng hoạt động tăng cao chưa từng thấy, thì những giải pháp hỗ trợ trực tiếp, như tăng chi tiêu công, nhất là đầu tư công, bù đắp thiếu hụt tiêu dùng tư nhân; đẩy nhanh giải ngân các dự án đầu tư công hiện có; mở rộng tín dụng, thậm chí kể cả hạ chuẩn cho vay, gồm cả tín dụng tiêu dùng; tăng hạn ngạch tín dụng; giãn nợ, khoanh nợ, xử lý nợ xấu; giảm lãi suất cho vay; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng… là cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, xử lý sự cần thiết này như thế nào.

“Xét điều kiện và bối cảnh kinh tế nước ta hiện nay, các giải pháp loại này sẽ còn dư địa rất nhỏ. Nếu tăng cầu, tăng thêm đầu tư và mở thêm tín dụng quá mức, thì tác dụng rất ngắn hạn và lạm phát cao, bất ổn kinh tế vĩ mô sẽ ngay lập tức quay trở lại. Còn nếu tăng cầu ở quy mô nhỏ như đã làm trong thời gian qua, thì không có tác dụng”, ông Cung phân tích. 

Vấn đề quan trọng là, các giải pháp chưa nhắm đúng vào nguyên nhân căn bản của doanh nghiệp, cũng như tình hình kinh tế Việt Nam, đó là sự sai lệch trong phân bổ nguồn lực. Hiện tại, một phần không nhỏ phần cung của nền kinh tế được hình thành trước đây có thể đã quá mức, hoặc không tương thích với cầu hiện tại và tương lai của nền kinh tế. Vì vậy, những giải pháp hỗ trợ hiện tại không những không thể tạo ra cầu để giải quyết các thành phần về cung nói trên của nền kinh tế, mà rất có thể sẽ tạo ra tâm lý chờ được cứu của nhiều doanh nghiệp.

Do đó, các giải pháp hỗ trợ nói trên đối với doanh nghiệp rõ ràng là hết sức hạn chế về quy mô và rất ít hiệu lực trong việc giải quyết vấn đề khó khăn hiện nay của doanh nghiệp. “Ngoài ra, nếu thực hiện “quá liều” và “lệch hướng”, thì nguy cơ lạm và bất ổn kinh tế vĩ mô quay trở lại là rất lớn”, ông Cung lo ngại.

Đây là lý do ông Cung cho rằng, thông điệp quan trọng nhất trong điều hành chính sách lúc này là sự kiên định trong chấn hưng nền kinh tế, để từ đó cứu doanh nghiệp bằng các tín hiệu thị trường.

Ý kiến – Nhận định

Việc cần làm trong năm 2013 là khơi tín dụng”

Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Cánh cửa kinh tế Việt Nam đang rất hẹp. Chính phủ phải để nhà đầu tư, DN thấy được rằng, cuộc chơi tới đây, cuộc chơi của năm 2013 thực sự bắt đầu. Có nghĩa là, sẽ không còn va chạm chính sách, về thông điệp trong điều hành để lòng tin thị trường vực dậy. Việc cần phải làm trong năm tới là khơi tín dụng, nhưng cái khó là việc hoàn tất khung khổ pháp lý cho xử lý nợ xấu sẽ mất 3 – 6 tháng. Điều đó có nghĩa là, thanh khoản ngân hàng có thể sẽ yếu trong 6 tháng đầu năm 2013. Hy vọng nằm ở chi tiêu công, hỗ trợ chính sách tiền tệ. Có lẽ, Chính phủ cần điều chỉnh lệch Chỉ thị 1792/CT-TTg về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ, theo hướng đường cao tốc chi trước, phát hành trái phiếu để chi. Trong xử lý nợ công về nợ xây dựng cơ bản, phải làm rõ mục tiêu chính không phải là cứu bất động sản.

Giải quyết các vấn đề tình thế phải được cân nhắc cẩn trọng”

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn cực kỳ bất bình thường, kể cả doanh nghiệp, ngân hàng. Một phần nguyên nhân là từ cách làm.

Lâu nay, chúng ta quá quan tâm đến tăng trưởng, chú trọng đến nó, nên mọi hành động đều vị tăng trưởng. Mục tiêu này ảnh hưởng tới cả định hướng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng tăng sản lượng, chứ không phải thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Có thể nói, căn nguyên hiện nay là do cấu trúc, do thể chế. Chính vì vậy, việc giải quyết các vấn đề tình thế phải được cân nhắc cẩn trọng, tránh tình trạng chỉ giải quyết các vấn đề tình thế, mà thiếu kết nối với giải quyết nguyên nhân căn bản.

Sự phối hợp chính sách chưa tốt”

Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế
Chính phủ có nhiều chính sách tốt với doanh nghiệp, nhưng đáng buồn là hệ thống chính sách tốt đó hoặc là chưa được thực hiện tốt, hoặc bị ảnh hưởng bởi chính sách ngược chiều. Rõ ràng, sự phối hợp chính sách giữa các cơ quan quản lý nhà nước chưa tốt.

Cũng phải quan tâm đến việc đánh giá tác động của việc ban hành chính sách. Việc này chưa được thực hiện tốt nên thời điểm, quy mô của chính sách không tạo nên những tác động như mong muốn. Đó là chưa kể tới chất lượng quá trình tham vấn chưa được thực hiện đến nơi đến chốn và giám sát thực thi chưa hiệu quả.

Một tay buông, một tay nắm chặt”

Ông Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế

Đang có tình trạng điều hành “một tay buông, một tay nắm chặt”. Những chính sách ưu đãi thuế nhiều khả năng sẽ được Chính phủ chấp thuận cho kéo dài sang năm 2013. Các tín hiệu về cắt giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cũng đã thành đề xuất của Bộ Tài chính. Động thái này cho thấy sự hỗ trợ của Chính phủ với doanh nghiệp đang thực chất hơn. Tuy nhiên, lại có những chính sách ngược lại, khiến những tác động tích cực bị ảnh hưởng.

Theo Bảo Duy