Thoái vốn “nhẹ nhàng” trong thị trường chứng khoán?

Thời gian qua, một loạt quỹ đầu tư đã công bố mua lại chứng chỉ quỹ (CCQ) của mình, tương tự doanh nghiệp tiến hành mua CP quỹ. Đã có một vài nguyên nhân được đem ra lý giải với màu sắc tích cực nhưng ẩn đằng sau còn có vấn đề nào khác?

3 câu hỏi lớn
Thoạt nhìn, việc quỹ đầu tư mua lại CCQ sẽ có một số tác dụng như củng cố giá của CCQ, đảm bảo quyền lợi cho NĐT, phòng vệ trước nguy cơ thâu tóm… Nhưng ở đây cũng cần đặt ra 3 câu hỏi lớn:
Thứ nhất: Giá của nhiều CCQ hoạt động theo hình thức quỹ đóng đã giảm rất mạnh từ 30-50% thậm chí hơn nữa, liệu việc mua lại có đủ sức “đẩy” giá của CCQ tăng trở lại như ban đầu hay không? Điều này sẽ phụ thuộc vào nguồn tiền của quỹ cũng như tính hợp lý của việc này. Khó có khả năng các quỹ đầu tư hoạt động lâu năm hiện nay lại có một nguồn tiền mặt dồi dào.
Nhiều quỹ chỉ thấy bán ra rồi mới mua vào nhưng mua cũng không nhiều. Trong trường hợp quỹ có tiền chăng nữa, NĐT cũng sẽ đặt câu hỏi tại sao không giữ tiền hoặc đem tiền giải ngân vào những khoản giá rẻ, tiềm năng như quỹ đã nhận định, mà lại đem đi mua CCQ.
Thứ hai: Nếu giả thiết quỹ có tiền, mua vào và giá CCQ quỹ tăng có thực sự đảm bảo quyền lợi cho NĐT không? Đối với các NĐT lúc này, CCQ có tăng giá hay không cũng không quan trọng bằng tính thanh khoản và nguồn tiền thực thu về.
Như vừa phân tích, việc quỹ có nhiều tiền để đẩy giá tăng mạnh đồng thời gia tăng luôn thanh khoản là khó xảy ra. Vì vậy, lợi ích của NĐT nói chung nếu có được cũng chỉ ở mức “khiêm tốn” mà thôi.
Thứ ba: Đã có những trường hợp quỹ bị thâu tóm như của Indochina Capital Vietnam (ICV) hoặc gặp phải ý định thâu tóm như 2 quỹ VEIL và VFG, nhưng đâu phải tất cả các quỹ đều hấp dẫn đến độ có nguy cơ bị thâu tóm. Có thể cũng quỹ đầu tư đó, cách đây 2-3 năm còn hấp dẫn, nhưng hiện nay thì không.
Cũng có trường hợp, chất lượng tài sản của quỹ hiện nay quá thấp đến mức mong cho bị thâu tóm cũng chưa chắc đã được. Chính vì vậy, lý do chống thâu tóm đôi khi giống như tự “nâng giá” của một số quỹ lên hơn là thực chất. 

Hình thức trả tiền “êm”?
Có lẽ không ít NĐT đang thật sự chán ngán khi nắm CCQ trong tay vì giá giảm, chất lượng tài sản giảm trong khi với tình hình hiện nay CCQ cũng khó lòng có thanh khoản. Trong khi đó, đợi quỹ đến thời hạn chấm dứt hoạt động, thời gian có khi vượt quá sức chịu đựng.
Tất yếu, NĐT sẽ phải có những động thái gây sức ép đối với quỹ để “giải quyết vấn đề”. Khi quỹ công bố mua lại CCQ, những người nắm giữ CCQ sẽ phải bán ra, tất nhiên khó có chuyện bán có lãi, nhưng cái lợi lớn nhất chính là việc thu hồi được tiền mặt. Rõ ràng, mặc dù “âm” tiền nhưng “có còn hơn không” và cũng chưa chắc nếu “ngâm” thêm một thời gian nữa sẽ được nhiều tiền hơn.
Quỹ dùng tiền sẵn có hoặc bán tài sản để lấy tiền nhằm mua lại CCQ của NĐT cũng có thể hiểu là một hình thức trả tiền một cách nhẹ nhàng, êm thấm cho NĐT, thay vì phải đợi đến hết thời hạn hoạt động. Cụ thể hơn nữa, nếu xảy ra trường hợp quỹ bán ra danh mục, tài sản của mình để dùng tiền đó mua lại CCQ, cũng tương tự như thoái vốn trả tiền cho NĐT.
Nó khác hẳn với việc thoái vốn để cắt lỗ hoặc để thu hồi tiền về, sau đó tiếp tục giải ngân trở lại. Dường như các quỹ đầu tư và công ty quản lý quỹ đang muốn “làm nhẹ” đi chuyện thoái vốn và áp lực rút vốn của mình thông qua việc công bố mua CCQ.
Nhiều khả năng, trong tình hình hiện nay các quỹ có muốn áp dụng hình thức thoái vốn, trả tiền một cách êm thấm cũng không dễ gì thực hiện được nhanh vì thị trường đang trong giai đoạn khó khăn, chưa kể cũng có một số quy định mang tính ràng buộc.
Nhưng thực ra, cách thức này cũng chỉ mang tính chất ngắn hạn và tiềm ẩn rủi ro. Bởi lẽ có những NĐT này bán được CCQ cho quỹ và những NĐT khác chưa bán được. Vì vậy, những NĐT “về sau” chắc chắn sẽ không để cho quỹ được yên. Theo trình tự, nếu đem tài sản ra bán, những tài sản có thanh khoản, dễ bán được “xử” trước, càng về sau, có thể càng khó bán hơn.
Giải pháp chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, phạm vi hẹp trong khi nhu cầu được hưởng lại rất lớn. Khó bán tài sản, áp lực ngày một nhiều, các quỹ lúc này sẽ trở tay như thế nào?

Theo Nguyễn Minh Hà