Khoảng trống của doanh nghiệp thời trang Việt

Cận tết, cùng với những DN bánh kẹo, thực phẩm, các DN thời trang Việt Nam cũng tranh thủ tung ra những sản phẩm mới nhằm kích cầu sức mua của người tiêu dùng.
Song, ngoài lãnh địa là những cửa hàng bán lẻ của từng thương hiệu và một số trung tâm thương mại cao cấp, DN thời trang Việt Nam còn bỏ trống không ít địa chỉ mua sắm quen thuộc mà người tiêu dùng hay lui tới. Một điển hình có thể thấy rõ là trung tâm mua sắm Saigon Square, địa điểm quen thuộc không chỉ của khách Việt Nam mà còn của khách nước ngoài.
Thế nhưng, ở đây rất khó tìm thấy một thương hiệu thời trang Việt Nam có tiếng nào, mà chủ yếu là hàng Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Malaysia…Có hỏi đến hàng Việt chỉ thấy người bán giới thiệu một số sản phẩm hàng Việt Nam xuất khẩu. Tương tự, nếu đến những khu chợ có tiếng của TPHCM như An Đông, Bình Tây… cũng rất khó tìm ra một thương hiệu thời trang Việt Nam có tiếng.
Vì sao như vậy? Với những khu chợ truyền thống, DN chưa bước qua nổi tâm lý “hàng chợ”. Với một trung tâm như Saigon Square, không ít DN cho rằng đó là trung tâm bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nên không muốn vào vì sợ mất uy tín.
Thoạt nghe cũng có vẻ hợp lý, nhưng nếu phân tích kỹ lưỡng lại thấy không hẳn là như thế. Thời trang Việt Nam cho đến nay vẫn chưa được xếp vào phân khúc cao cấp, mẫu mã cũng không đa dạng nhưng giá thành lại khá cao so với túi tiền của đa số người tiêu dùng.
Nên dù đã quay về thị trường nội địa cả chục năm nay, nhưng các DN thời trang Việt vẫn chưa thể chiếm lĩnh được thị trường. Nhất là trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu thì thời trang Việt lại càng gặp khó hơn bao giờ hết, không ít DN phải thu hẹp quy mô vì không tìm được đầu ra cho sản phẩm.
Đã đến lúc DN thời trang Việt Nam cần nhìn lại vấn đề để tìm ra một hướng đi cho mình. Làm sao lấp đầy khoảng trống, đó là điều DN nên nghĩ đến trong thời điểm này, bởi khi khoảng trống được lấp đầy cũng là lúc DN có thêm thị trường, thêm doanh thu.
Bước vào chợ truyền thống chính là một cách hàng Việt đến với người tiêu dùng nông thôn, hiện đang chiếm hơn 70% dân số, nhưng đang bị chiếm lĩnh bởi hàng Trung Quốc. Nên chăng trong những chuyến hàng Việt, những phiên chợ hàng Việt sẽ có thêm nhiều thương hiệu thời trang Việt chứ không chỉ dừng lại ở những thương hiệu thực phẩm, hàng gia dụng…
Đó cũng là một cách để thời trang Việt tìm được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng Việt. Tất nhiên, để làm được như vậy các DN phải giải rất nhiều bài toán khó như làm sao để vừa giữ chất lượng, vừa đa dạng được mẫu mã mà vẫn phải có giá thành hợp lý. Song, nếu không thể tìm lời giải cho mình thì trong năm tới chắc sẽ có thêm DN trong lĩnh vực thời trang phải rời khỏi thị trường.

Theo Thanh Dung