Sức sáng tạo không ngơi nghỉ là “nguồn tài nguyên” chủ đạo làm nên thành công của cô gái trẻ Trần Phương Huyền, Giám đốc Công ty THHH Take One – thương hiệu gối thủ công nức tiếng đất Hà thành.
Kích hoạt khả năng ‘thiên bẩm’ từ sớm
Sinh ra trong một gia đình công chức, mẹ có nghề tay trái – làm đồng phục cho các trường ở Hà Nội, Trần Phương Huyền sớm tiếp xúc với vải vóc, kim chỉ. Từ những miếng vải thừa của mẹ, cô học sinh lớp 2 đã làm quen với máy khâu, tỉ mẩn may váy áo cho búp bê hay những món quà như túi, ví tặng bạn bè. Quà tặng của Huyền vừa “độc”, dễ thương, lại ý nghĩa nên được các bạn rất yêu thích.
Thích kinh doanh và say mê vải vóc, Huyền chọn Đại học Ngoại thương, Khoa Kinh tế để có thể phát triển cả hai lĩnh vực này. Môi trường học tập năng động thôi thúc cô sinh viên trẻ nghĩ đến một công việc giúp từng bước hoàn thiện bản thân. Huyền lựa chọn mặt hàng ‘handmade’ để kinh doanh, phát huy khả năng nổi trội của mình – sự sáng tạo.
“Bản thân em rất thích sáng tạo nhiều điều trong cuộc sống. Sáng tạo bắt mình phải suy nghĩ và giúp mình tiến bộ lên rất nhiều”, Huyền chia sẻ. Những miếng vải vụn qua bàn tay khéo léo của cô gái trẻ trở nên sinh động, có hồn. Dần dà, Huyền từng bước tạo dựng thương hiệu Take One được khách hàng, nhất là lứa tuổi sinh viên, học sinh nhiệt tình đón nhận.
Tuy Take One đã có đội ngũ thiết kế, nhưng Huyền luôn là người chủ động đưa ra các ý tưởng để mọi người cùng triển khai. Với Take One, khách có thể đặt hàng theo ý mình như ghi tên, tuổi, ngày sinh trên sản phẩm bằng những dòng chữ dễ thương. Đó là một đặc điểm phân biệt so với thị trường quà tặng nói chung.
“May mắn là lúc khởi nghiệp những sản phẩm đặc biệt như Take One thật sự rất ít. Có lẽ vì thế mà Take One được đón nhận nhiều hơn”, Huyền tươi cười nói.
Khơi nguồn những giấc mơ
Ghé các shop hoặc gian hàng Take One trên mạng, mọi người có cảm giác mình lạc vào thế giới của những giấc mơ. Những lời chúc thật ngọt ngào như: “Ngủ ngon em nhé”, “Khò khò anh yêu “, “Mình đừng thức khuya” ,”Sweet dreams honey”,… giúp nối liền những khoảng cách, ươm mầm cho những giấc mơ đẹp.
Thậm chí, những điều khó nói, những kỷ niệm khó quên, những lời tỏ bày hay một lời xin lỗi chân thành đều được thể hiện tự nhiên qua từng sản phẩm của Take One. Không chỉ đa dạng ở mẫu mã, mỗi sản phẩm còn thể hiện tình cảm cũng như cá tính của người sở hữu nó.
Sản phẩm Take One qua mỗi giai đoạn được cải tiến rất nhiều. Những chiếc gối đầu tiên đơn giản với hai màu sắc cơ bản, cách thức làm và mẫu mã đơn sơ. Sau từng giai đoạn, nhu cầu khách hàng đa dạng hơn buộc cô chủ Take One phải không ngừng nghĩ cách làm mới sản phẩm. Hiện nay sản phẩm Take One màu sắc rất đa dạng, kiểu dáng phong phú, còn mẫu mã thì thay đổi liên tục.
“Đủng đỉnh” tăng trưởng
Trong căn nhà số 38 Phó Đức Chính, nơi từng là “đại bản doanh” của Take One, cô sinh viên tuổi đôi mươi trẻ trung, năng động ngày nào giờ đã là mẹ của hai con nhỏ. Được hỏi về những dự tính lớn trong năm nay, Huyền đủng đỉnh tâm sự:”Take One phát triển dần dần theo sức của mình. Làm được đến đâu mình sẽ phát triển đến đó. Em không làm việc gì quá sức cả”.
Sau 8 năm gắn bó với nghề, Huyền đã thu lượm nhiều kiến thức chuyên môn cũng như kinh nghiệm quản lý. Được sự hậu thuẫn của chồng, bà mẹ trẻ được san sẻ ở cả góc độ công việc và tinh thần dự định sẽ tham gia một số khóa học ngắn hạn để phát triển cho sự nghiệp của mình.
Trước đây làm ăn nhỏ lẻ Huyền thấy công việc kinh doanh khá suôn sẻ. Chỉ có một chút khó khăn là khi khối lượng công việc nhiều lên đáng kể, đội ngũ nhân công chưa thể đáp ứng được nhu cầu khách hàng khiến thời gian sản phẩm ra đời dài hơn. Thế nhưng, trong quá trình phát triển, công ty ngày một mở rộng thì mọi thứ lại khác. Huyền phải lo học cách điều phối, quản lý một công ty. Trong đó, khó khăn lớn nhất mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải đối mặt đó là vấn đề nhân lực. Bên cạnh đó, chi phí thuê địa điểm hiện nay cũng chiếm tỷ trọng khá lớn.
Huyền “bật mí”, bí quyết kinh doanh của Huyền là giữ được sự tương tác với khách và marketing trực tiếp thông qua hệ thống các cửa hàng. Nhiều sản phẩm đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Riêng ở Hà Nội, cửa hàng của Take One đã có ở 8 quận. Take One cũng xuất khẩu một số đơn hàng chủ yếu là gối quà tặng ra nước ngoài. Tuy công ty đã có bộ phận chăm sóc khách hàng nhưng Huyền vẫn yêu cầu ghi số điện thoại cá nhân của mình trên mỗi sản phẩm. Huyền muốn là người trực tiếp nhận được những lời khen-chê, góp ý để rút kinh nghiệm. “Nhân viên nhiều khi thay đổi liên tục, mình không thể lúc nào cũng đi theo giám sát họ. Nhiều khi sản phẩm có vấn đề gì nhân viên không thông tin với mình nhưng khách hàng thì thẳng thắn góp ý”, Huyền chia sẻ.
Công việc hiện tại ở Take One cũng không quá bận rộn so với thời điểm cuối năm do đặc thù sản phẩm bán chạy từ cuối tháng 8-12 và những dịp lễ như Valentines, Noel, 8/3, 20/10,… Huyền lại có thời gian vận động trí óc, lòng nhiệt huyết và sự tìm tòi thúc đẩy tính sáng tạo cao độ, mang đến những luồng gió mới cho thị trường quà tặng.
“Bản thân em nhận thấy trong cuộc sống luôn luôn cần sự mày mò, sáng tạo, cũng như sự chịu khó, không nản chí, phải làm hết sức, làm đến cùng. Nhiều khi có những cái rất nhỏ và từ những cái nhỏ đó mình mới phát triển lên thành những cái lớn. Khi mình thích làm, mình phải quyết tâm làm bằng được. Tất cả những điều nho nhỏ đó giúp mình tiến bộ và phát triển hơn nữa. Đặc biệt trong lĩnh vực quà tặng, sản phẩm đòi hỏi tính cá biệt. Khách hàng thích sở hữu sản phẩm mang tính cách riêng của họ”, Huyền bộc bạch.
Theo Tân Hoa