Khi Facebook chạm mốc 1 tỷ người dùng đánh dấu thời kỳ đỉnh cao của truyền thông mạng xã hội thì cũng là thời điểm “đại gia” này bỏ ra 715 triệu USD để mua lại công ty cung cấp mạng xã hội hình ảnh nổi tiếng Instagram.
Cho dù khác với mức giá 1 tỷ USD được thỏa thuận trước, nhưng rõ ràng Instagram đã và đang trở thành một phần không thể thiếu của Facebook.
Với phần mềm chụp hình đơn giản, các bộ lọc hình ảnh thông minh, đa dạng và hoài cổ, ngay cả một cậu bé không biết gì về máy ảnh cũng có thể trở thành nhiếp ảnh gia với một thiết bị di động thông minh. Không bỏ qua sự phổ biến này, từ những thương hiệu khổng lồ như Levis cho tới các cửa hàng đồ ăn nhanh đều đặn “chia sẻ” những bức hình thông qua Instgram như một cách thức Marketing hữu hiệu tới hơn 80 triệu thành viên.
Đơn giản, tinh tế, tiện lợi là những tính từ chính xác để miêu tả về phần mềm chia sẻ hình ảnh nổi tiếng này. Hệ thống của Instagram liên kết sâu với không chỉ mạng xã hội Facebook mà còn cả Pinterest, Twitter… tạo ra sự chủ động đến với từng người dùng. Các chuyên gia Marketing mạng xã hội khẳng định rằng sự xuất hiện và trưởng thành của Instagram trong hơn 3 năm qua đã tạo ra một giải pháp tăng nhận biết thương hiệu, củng cố lòng trung thành khách hàng đồng thời cá tính hóa doanh nghiệp.
Hãy cùng khám phá 5 cách Marketing thông qua Instagram đang rất phổ biến:
1. Kênh khuyến mãi trực quan.
Đã qua rồi cái thời những tờ rơi khuyến mãi, băng – rôn giảm giá được trưng bày “la liệt” ở mặt tiền của cửa hàng. Giờ đây, chỉ cần một email với hình ảnh nổi bật được gửi tới hàng chục ngàn khách hàng một lúc, doanh nghiệp đã đạt được mục tiêu giới thiệu chương trình khuyến mãi. Tuy nhiên, những bức thư điện tử quảng cáo dễ đem về phiền toái từ khách hàng đồng thời bị xếp là “thư rác”.
Instagram đã làm mọi thứ trở nên nhẹ nhàng và tự nhiên hơn, chỉ đơn giản là sản phẩm được khuyến mãi được chụp lại ấn tượng, chia sẻ với một caption (lời tựa) ngắn gọn đã đủ gây chú ý với bất cứ ai. Chuỗi cửa hàng cà phê Starbucks đã và đang áp dụng triệt để cách này, theo ước tính mỗi ngày có hơn 858.000 bức ảnh về cà phê, bánh ngọt của hãng được chia sẻ.
2. Cuộc thi chụp ảnh.
Với sự đơn giản của mình, Instagram biến bất cứ ai thích chụp ảnh trở thành những nhiếp ảnh gia trong “nháy mắt”, do vậy chẳng phải là vô lý khi các cuộc thi chụp ảnh trong cộng đồng này ngày một nhiều. Một cuộc thi ảnh không dừng lại ở việc tìm ra bức ảnh đẹp nhất, mà tạo ra một không khí vui vẻ, thoải mái giao lưu và khám phá sáng tạo mới. Các nhà marketing đã khéo léo “gợi ý” cho người dùng điều kiện chụp chung với các sản phẩm của hãng và gửi dự thi, vô hình trung hình ảnh thương hiệu được lan tỏa mạnh mẽ trên diện rộng mà không hề tốn kém. Năm 2012 này, hãng quần bò lớn nhất thế giới Levis đã tổ chức cuộc thi ảnh mang tên “Go Forth” thu hút hơn 3.513 bức ảnh mỗi ngày.
3. Bí ẩn giấu trong bức ảnh.
Đa số các doanh nghiệp sử dụng kênh chụp hình này để tương tác với khách hàng đều có cả trăm ngàn người “follow” (theo dõi) do đó, thay vì chỉ quảng cáo đưa thông tin một chiều, hay nhận phản hồi từ khách hàng thì nay các doanh nghiệp sử dụng những bức ảnh từ Instagram để tương tác. Thông qua số lượt yêu thích, bình luận từ chính những bức ảnh đó người làm marketing có thể định lượng gần như chính xác các thống kê thị trường, còn khách hàng có thể đề xuất phản hồi trực tiếp tới doanh nghiệp. Hãng bán lẻ thời trang Topshop ở Anh quốc, với 218.000 người theo dõi, còn tổ chức cả cuộc thi tìm kiếm những gương mặt đại diện cho hãng thông qua Instagram.
4. Khoảnh khắc hậu trường.
Khách hàng giờ đây tò mò hơn rất nhiều, họ muốn biết công ty được hoạt động thế nào, kiến trúc văn phòng thú vị ra sao, cách thức để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh có phức tạp hay không?… do đó không ít doanh nghiệp thường xuyên chia sẻ những bức hình chụp khung cảnh của công ty họ trong các bữa tiệc, buổi họp, các chuyến dã ngoại, ra mắt sản phẩm, hội chợ… Đó là cách tiếp cận thân thiện và hiệu quả tới số đông khách hàng, hình ảnh đời thường, phía sau hậu trường qua góc nhìn Instagram làm doanh nghiệp trở nên gần gũi, hãng giày Zappos khẳng định. Mọi công đoạn từ thiết kế, lên ý tưởng, gia công sản phẩm của hãng này còn thu hút nhiều lượt yêu thích hơn các tấm ảnh quảng cáo đẹp long lanh.
5. Tìm kiếm khách hàng trung thành.
Marketing qua mạng xã hội nói chung, và qua Instagram nói riêng đều là những phương pháp xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp theo hướng “lan tỏa” và “truyền miệng” vừa tiết kiệm, vừa hiệu quả. Nhưng mấu chốt của giải pháp này không nằm ở phía doanh nghiệp mà nằm ở những người loan tin – influencers, một bức ảnh công ty đưa lên cần những người loan tin tích cực, đi chia sẻ và phát tán chúng. Đó cũng chính là những khách hàng trung thành nhất của hãng.
Do vậy, đừng tiếc gì khi sẵn sàng tặng thưởng cho những followers tích cực như cách Sharpie thường làm. Những người chia sẻ hình ảnh của hãng nhiều nhất mỗi tuần sẽ được gửi tặng những chiếc bút dạ và bút bi độc đáo. Ngay lập tức 40.000 người đã tích cực tham gia.
Theo Đình Vũ