Bạn là một nhà quản lý, một nhân viên trong một tập đoàn kinh tế đa quốc gia. Bạn chuẩn bị được cử đi làm việc tại nước ngoài với mức lương hấp dẫn hơn. Đừng vội mừng, có khá nhiều chông gai trước mắt đấy.
Những khó khăn khi hồi hương
Ở nước ngoài có lẽ công việc và mức lương của bạn sẽ rất hấp dẫn. Bạn cảm thấy thoải mái với cuộc sống sung túc và hiện đại. Và bạn nản lòng không muốn trở về nhà. Nếu bạn đang có một gia đình thì sao nhỉ? Liệu bạn có cưỡng lại được sức cám dỗ của vật chất để về với gia đình không?
Khi trở về từ các chi nhánh hay công ty ở nước ngoài, bạn sẽ gặp phải 3 khó khăn: khó khăn về tài chính cá nhân; khó khăn khi phải tự điều chỉnh để thích hợp với cơ cấu của công ty mẹ ở nước nhà và khó khăn khi phải điều chỉnh lại để thích nghi với cuộc sống gia đình.
Khi trở về công ty cũ, rất có thể bạn thấy rằng những người ngang hàng với bạn trước đây, nay đã được thăng cấp. Bạn cảm thấy mình bị soi mói nhiều hơn, công việc lạ lẫm hơn, hoặc đã có một sếp mới trong thời gian bạn vắng mặt. Bạn có cảm giác như mình đang làm việc trong một môi trường xa lạ.
Nếu bạn được đi công tác lâu năm và mang cả gia đình theo, vợ (chồng) bạn sẽ gặp khó khăn vì họ không có công ăn việc làm ổn định ở nước ngoài và khi trở về nước, chắc chắn họ sẽ phải làm lại từ đầu.
Ảnh hưởng đến sự nghiệp
Nhiều người cho rằng với những kinh nghiệm và cái mác “ở nước ngoài về”, họ sẽ dễ dàng được thăng tiến khi trở về nhà. Thực tế không hoàn toàn như vậy. Sự thăng tiến đôi khi không chỉ dựa vào năng lực. Bạn đã xa đồng nghiệp, công ty và sếp quá lâu. Có gì đảm bảo rằng mọi người sẽ ủng hộ bạn thăng chức?
Khi bạn trở về, vị trí trước đây đã có người thay thế. Vị trí cao hơn cũng đang có người đảm nhận, bạn bỗng dưng như bị thừa ra và thường phải làm một vị trí không mấy phù hợp với mình.
Đâu là sự đền bù xứng đáng cho bạn khi xa xứ?
Chấp nhận xa xứ, bạn nên yêu cầu có nhiều cơ hội thăng tiến. Nếu không, bạn có thể đòi hỏi một mức lương cao hoặc tăng trợ cấp.
Cũng nên tìm hiểu xem nơi bạn sắp đến có “khỉ ho cò gáy” quá không. Nếu đó là một nước tiên tiến và phát triển thì đừng đòi hỏi quá nhiều. Nhưng nếu công ty bạn cử bạn đi “đóng đô” ở một nước nghèo, bạn nên đòi hỏi tiền đền bù cho xứng đáng.
Lường trước những bất đồng
Ra nước ngoài, không những bất đồng về ngôn ngữ, bạn còn lạ lẫm về lối sống, văn hóa, sinh hoạt, tiền tệ, giá cả,… Hầu hết mọi thói quen và cách sống của bạn có thể phải thay đổi. Vì vậy sẽ có nhiều bỡ ngỡ.
Vậy đấy, không phải cứ ra nước ngoài là có lợi. Đôi khi, cái “mất” còn rõ nét hơn cái “được”, vì vậy bạn hãy cân nhắc cho kỹ trước khi quyết định nhé.
Theo Buisiness World Portal