Khở sự một doanh nghiệp bắt đầu từ cá nhân!

Khởi sự một doanh nghiệp thường bắt đầu từ những cá nhân nhỏ lẻ, sau đó lớn dần và phát triển theo quy mô của doanh nghiệp. 
Nhìn chung, doanh nghiệp vẫn gắn liền với người sáng lập ra nó và có khi dấu ấn của cá nhân cũng như triết lý kinh doanh của chủ doanh nghiệp có tác động nhiều lên doanh nghiệp qua nhiều năm. Người ta vẫn nhớ đến cái tên Lý Ngọc Minh của Minh Long 1, Cao Thị Ngọc Dung của PNJ, Võ Quốc Thắng của Đồng Tâm Long An hay Kao Siêu Lực của Đức Phát hay ABC… như là những người chủ thực sự làm nên những thương hiệu ấn tượng trong giai đoạn đầu thời mở cửa. Chính những “nhân hiệu” này đã gắn liền với doanh nghiệp và mang lại sức mạnh cho doanh nghiệp từ những ngày đầu lập nghiệp rồi nhiều năm sau đó.
Hiện chưa có một nghiên cứu nào chỉ ra tác động thực sự của “nhân hiệu” lên thương hiệu. Nhưng một ghi nhận thú vị trong những cuộc M&A gần đây đã cho thấy, những người chủ mới sau khi mua bán, sáp nhập doanh nghiệp đều đặt điều kiện là người chủ cũ của doanh nghiệp phải tiếp tục duy trì sự lãnh đạo doanh nghiệp sau M&A ít nhất 3-5 năm. Đây là ghi nhận tại Công ty Giấy Saigon hay AVC Edelman…
Mới đây, cuối tháng 11/2012 tại TP.HCM, đã có một cuộc hội thảo đặc biệt với nội dung “Xây dựng nhân hiệu Việt” với sự tham dự của 100 đại diện các trường đại học, chuyên viên tiếp thị, giám đốc doanh nghiệp, sinh viên, báo chí truyền thông… do Vietnam Marcom phối hợp với VietKings tổ chức. Sự kiện này đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng vì đề tài có tính giáo dục văn hóa bao quát. Hầu hết đại biểu tham dự đều tán đồng quan điểm, muốn có thương hiệu Việt tốt, trước hết phải có con người, cá nhân tốt, tức nhân hiệu tốt. Vì vậy, trong đào tạo đội ngũ doanh nhân có thể tạo thương hiệu mạnh, nên có giáo án đào tạo nhân hiệu phối hợp để trong hội nhập có thể đáp ứng yêu cầu kinh doanh mà quốc tế đã đề xuất và khuyến khích theo tiêu chuẩn “Honest Business – Kinh doanh trung thực”. Theo các chuyên gia, muốn hiện thực kinh doanh trung thực thì vai trò và hình ảnh của cá nhân doanh nhân phải có uy tín trong cộng đồng, xã hội. Theo GS.Võ Khắc Thuần, Đại học Bình Dương, mọi người phải cùng nhau nỗ lực để xây dựng hình ảnh của người Việt Nam nói chung, không riêng gì doanh nhân.
Ông Võ Hoàng Nguyên, Giám đốc Tiếp thị quốc tế ASA nhấn mạnh: “Chính con người mới tạo vinh quang cho nghề nghiệp” hay “con người hãy tạo nên một chút gì đó, để doanh nghiệp bán giá trị chứ không phải bán một món hàng”.
Bàn về các tiêu chí để xây dựng nhân hiệu Việt, cô giáo Ngọc Thảo thì cho rằng, muốn vận động cho phong trào xây dựng nhân hiệu thành công, phải có cơ sở triết lý, tức phải tìm ra câu trả lời “để vì mục đích gì”? Có một phương hướng rõ ràng như vậy thì mới đạt được thành công.
Nói như ông Trần Hoàng (Việtnam Marcom) thì “con người là vốn quý nhất của gia đình, xã hội và quốc gia nên việc xây dựng nhân hiệu Việt và quản trị tài sản vô hình của nhân hiệu Việt là một vấn đề còn khá mới về lý luận và thực tiễn. Làm thế nào để xây dựng “hòn gạch chuẩn” cho đời người và phương pháp hiện thực hóa các tiêu chuẩn này, nhằm giúp mỗi công dân tạo dựng một cuộc sống ý nghĩa, hạnh phúc và thành đạt kể cả thành đạt trong mỗi thương hiệu kinh doanh”.
Hy vọng một tương lai không xa, những nhân hiệu và thương hiệu Việt sẽ được nhắc đến nhiều hơn với sự góp “gạch chuẩn” của nhiều người.

Theo Lê Văn Sâm