Tại sao một chàng trai sinh năm 1990, học ở Singapore về lại từ chối mức lương 3.000 USD ở một công ty sản xuất nhựa để khởi nghiệp với mô hình kinh doanh bán cơm kẹp Việt?
Ở tuổi 22, Nguyễn Bá Quốc hẳn không thể hình dung được thời kháng chiến chống Mỹ và chống Pháp người dân miền Bắc lại phải độn cơm với khoai, sắn, bo bo. Nhưng chàng trai đi du học ở Singapore về biết rằng, với người Việt Nam, hạt cơm, hạt gạo là “ngọc thực”.
Bỏ nhựa theo cơm
Nguyễn Bá Quốc đang đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành của hệ thống AppeRice – chuỗi 14 cửa hàng cơm kẹp mới xuất hiện tại TP.HCM. Máu kinh doanh ngấm vào Quốc từ thời còn ngồi trên giảng đường đại học. Khi đó, cậu vừa đi học vừa đi làm thêm khá nhiều việc để lấy tiền đầu tư cho công việc kinh doanh riêng. Một ngày, Quốc đi ăn trưa với đồng nghiệp và chợt tự hỏi: vì sao thức ăn nhanh tại Việt Nam có giá cao, trong khi ở nước ngoài lại rất rẻ? Tại sao chưa có thương hiệu thức ăn nhanh đúng nghĩa của người Việt? Câu hỏi này đánh thức “máu kinh doanh” trong con người Quốc, khiến cậu nộp đơn xin nghỉ việc để theo đuổi giấc mơ.
Thực tế, Nguyễn Bá Quốc từng nhận được nhiều lời mời chào hấp dẫn trước và cả trong khi điều hành AppeRice. Một công ty sản xuất nhựa ở TP.HCM sẵn sàng trả mức lương 3.000 USD/tháng để mời Quốc về làm tổng giám đốc. Nhưng lương không phải là thứ quan trọng nhất với cậu, ngay cả khi phải mượn tiền bạn bè để… đổ xăng vì đã dốc hết vốn vào AppeRice.
Dù AppeRice mới đi vào hoạt động hơn 2 tháng với vô số thách thức, nhưng Quốc khẳng định: “Đáng tiếc nuối nhất là khi không dám theo đuổi đam mê của mình. Hiện tại em đang theo đuổi đam mê, vậy thì chẳng có gì để tiếc nuối nữa”.
Được biết, vốn đầu tư ban đầu của AppeRice là 1 triệu USD, trong đó Quốc và người chị họ góp 5%, còn lại là các cổ đông khác. Theo Quốc, tiền vốn góp vào Appe hoàn toàn đến từ khoản tích cóp do công sức lao động của hai chị em, dù gia đình hai bạn rất có điều kiện. Ngay cái tên thương hiệu “AppeRice” cũng xuất phát từ một ý tưởng táo bạo của chàng trai trẻ. Nguyễn Bá Quốc giải thích: “AppeRice” có thể hiểu nôm na là “Cơm ngon”. Đây là cách chơi chữ từ tiếng Anh “Appetite” nghĩa là ngon miệng và “Rice” là cơm. “Nó rất ý nghĩa với cơm kẹp AppeRice, vì chúng tôi muốn mang một bữa ăn ngon “như mẹ nấu” đến với khách hàng”.
Chiến lược đàn sói
Cũng giống như các doanh nghiệp quy mô nhỏ do người trẻ điều hành, huy động vốn là một trong những thách thức lớn nhất với AppeRice. Giám đốc điều hành Nguyễn Bá Quốc và cộng sự đã dốc cạn nhiệt huyết để huy động được 1 triệu USD từ mọi nguồn có thể. Mô hình kinh doanh nhượng quyền của AppeRice khá đơn giản, nhưng nhất quán: chọn mô hình bán cơm kẹp bằng các quầy ki-ốt với diện tích 5-15 mét vuông và mức vốn đầu tư từ 50 – 100 triệu đồng/ki-ốt. Quốc lý giải, mô hình của AppeRice không quá hoành tráng như KFC hay Lotte vì thế dễ phát triển điểm bán. Đặc biệt, AppeRice chủ trương dùng nắm cơm kẹp với nhiều loại nhân thịt gà, heo và rau sạch, sốt để nhắm vào các đối tượng thực khách đại trà, như: học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động.
TP.HCM được chọn là nơi khởi đầu của AppeRice. Thành phố này cũng trẻ trung, năng động và cởi mở tiếp nhận cái mới, đồng thời là thị trường tiêu dùng lớn nhất nước. Nhưng quan trọng hơn cả, đây là nơi khởi đầu của những trào lưu và phong cách ẩm thực mới. Các chuyên gia đánh giá, đây là yếu tố quyết định thành bại của AppeRice, vì thực ra cơm kẹp Việt không chỉ là một bữa ăn mà còn là một phong cách sống mới.
Có một số liệu khảo sát rất thú vị trong giới học sinh, sinh viên mà Quốc tâm đắc. Đó là có 65% cho rằng, họ có phong cách hiện đại hơn trong mắt bạn khác giới, khi vừa đi vừa… ăn cơm kẹp. Quốc cũng chia sẻ, với mức đầu tư ban đầu 50 – 100 triệu đồng/ki-ốt thì dự tính sau khoảng 3 tháng là điểm bán có thể bắt đầu có lãi và sau 6- 9 tháng có thể thu hồi vốn đầu tư. Công nghệ sản xuất được AppeRice áp dụng khá hiện đại với dây chuyền sản xuất có giá trị khoảng 500 nghìn USD. Vì sao khó khăn về vốn mà ban giám đốc vẫn quyết định “chơi sang”? “Chúng tôi buộc phải bỏ tiền nhập khẩu dây chuyền sản xuất hiện đại của nước ngoài nhằm giải quyết vấn đề vận tải, lưu kho. Thách thức lớn nhất của AppeRice, cũng như nhiều chuỗi bán thức ăn nhanh khác là vấn đề quản lý chất lượng từng sản phẩm tới tay người tiêu dùng theo đúng tiêu chuẩn: nóng sốt, hương vị thơm ngon và bổ dưỡng”, Quốc lý giải.
AppeRice đã nghiên cứu 3 tháng liền để tạo ra công thức phối trộn gạo, chỉ để bánh cơm thoảng mùi khói lam chiều, như một ký ức về những bữa cơm gia đình ngày xưa ở nông thôn với rơm rạ, với khói bếp. Nguyễn Bá Quốc chia sẻ, cậu và cộng sự luôn nỗ lực mang lại niềm vui cho thực khách trong mỗi bữa ăn, giống như slogan của AppeRice: “Cơm – phải Kẹp mới dzui”, được Quốc “chế biến” từ slogan tiếng Anh (AppeRice- Appetite comes with Rice) và dùng luôn làm thương hiệu.
Nguyễn Bá Quốc gọi chiến lược kinh doanh của AppeRice là “chiến lược đàn sói”. Nghĩa là, khi các thương hiệu thức ăn nhanh lớn bắt đầu tung ra cơm kẹp, họ đã có sẵn hơn 100 cửa hàng bán thức ăn nhanh trên cả nước, như trường hợp Lotte. AppeRice không hướng tới thị trường ngách, mà tạo ra sân chơi mới với những sản phẩm mang ruột truyền thống trong chiếc vỏ hiện đại. Tuy vậy, Appe cần tiếp cận gần hơn với khách hàng. Để làm được điều này, họ cần có nhiều điểm bán hàng hơn mọi đối thủ khác.
“Nếu một người muốn đi ăn “fastfood” như KFC, Lotte, họ có thể đi 3 ki lô mét đến một quán ăn, còn với AppeRice, khách có thể đi bộ ra đầu ngõ. Đó là mục tiêu của chúng tôi. Đến nay AppeRice đã có 14 điểm bán hàng ở TP.HCM. Theo kế hoạch, cứ 3 ngày chúng tôi phải mở 1 điểm và 1 tháng phải có 10 điểm mới”, Nguyễn Bá Quốc tỏ ra tự tin.
Nguyễn Bá quốc: “Vì tính tiện lợi của sản phẩm và chi phí đầu tư ban đầu thấp, chúng tôi kỳ vọng tại các thành phố lớn ở Việt Nam cứ 500 mét – 1 ki lô mét sẽ có một cửa hàng cơm kẹp AppeRice. Trong 5 năm tới, cơm kẹp AppeRice sẽ phát triển ra quốc tế và thị trường châu Âu là điểm ngắm đầu tiên”.
Theo dddn