Cuối năm sốt việc làm thời vụ

Các dịch vụ tết đang cần tuyển một lượng lao động thời vụ lớn với thu nhập khá cao.

Năm hết tết đến là thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, nhưng với lực lượng nhân viên như hiện nay thì cho dù đó là một nhà hàng hay là một quán ăn “lề đường” cũng cần phải bổ sung thêm nhân sự để lắp vào khoảng trống tạm thời đó. Vì vậy, việc làm thời vụ dịp cuối năm cũng trở nên vô cùng sôi động, với hàng loạt các hoạt động tuyển dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng đa phần là các công việc có tính chất lao động phổ thông, không đòi hỏi nhiều ở bằng cấp hay chuyên môn.
Mới đây, Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm Thanh niên TP.HCM có nhu cầu tuyển hàng trăm lao động làm thời vụ tết với các công việc bảo vệ, phục vụ quán cà phê, bán quần áo thời trang, phụ bếp, đóng gói sản phẩm, phục vụ nhà hàng thức ăn nhanh… với thu nhập 100 – 300 ngàn/ngày.
Bắt đầu từ 8g sáng, những con hẻm nhỏ quanh khu cư xá Đường Sắt (thuộc P.1, Q.3bắt đầu nhộn nhịp không khí tết với việc sản xuất mứt. Đây là khu lao động nghèo nên tập trung nhiều hộ cho thuê nhà trọ, nhà nhà làm mứt, số sinh viên, lao động nhập cư tại đây cũng tranh thủ nhận hàng kiếm tiền tết.
Nhóm bạn Mẫn, Đạt, Thúy và Huệ… cùng quê Quảng Ngãi (ở trọ khu Chợ Chuồng Bò, Q.10) cho biết: “Thời gian làm mứt chỉ tập trung 20-30 ngày trước tết nên chúng tôi ngưng việc đi bán để làm, chịu khó cũng kiếm được vài trăm ngàn lại đỡ cực hơn đi bán bánh dạo. Làm hàng mứt không khó, chỉ cần 1- 2 tiếng làm quen sẽ biết việc với giá tiền công 5000 đồng/kg sản phẩm gia công.”
Hiện các doanh nghiệp kinh doanh hàng phục vụ mua sắm, tiêu dùng có nhu cầu tuyển dụng khoảng 2.000 chỗ làm thời vụ, tập trung vào các công việc: bán hàng, làm kẹo mứt, đóng gói, giao hàng… Những công việc này được tính lương theo ngày (120.000 đồng/ngày).
Một DN chuyên cung cấp bánh chưng gấc vào dịp tết cho hay dự kiến năm nay công ty sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 12 tấn bánh. Hiện công ty đang cần nhiều nhân viên bán hàng trên mạng, trực tiếp và nhân viên giao hàng với mức lương khoảng 200.000 đồng/ngày.
Nhiều DN, đơn vị kinh doanh đã có sự chuẩn nhân sự bị từ cách đây khoảng một tháng , một phần là để tránh tình trạng không tìm được người lao động vào thời điểm cận kề, mặc khác để đảm bảo cho nhân viên của họ có thể làm quen với tính chất đặc thù của công việc. Tránh tình trạng bỡ ngỡ khi mới vào làm đã gặp phải một lượng khách hàng quá lớn, điều đó thể hiện họ là một người quản lý rất chuyên nghiệp cho dù họ là ai.
Ông Hoàng Hùng, chủ một shop thời trang trên đường Quang Trung (Gò Vấp) cho biết: “Nếu như các công việc đơn giản như bưng bê, lau chùi quét dọn thì không khó để người lao động tiếp thu. Nhưng ở vị trí khác như bán hàng may mặc chẳng hạn, phải mất một thời gian để có thể biết được giá cả, cách thức bán hàng cũng như là “nghệ thuật” thuyết phục người mua. Đó là lý do để cửa hàng tuyển dụng từ cách đây hơn một tháng cho dù chưa phải là giai đoạn cao điểm.”
Thành phần lao động trong giai đoạn này vô cùng đa dạng, nhưng nhiều nhất vẫn là các bạn trẻ, những người công nhân, những học sinh sinh viên có cuộc sống xa nhà. Có rất nhiều lý do khác nhau để họ tìm đến việc làm thời vụ, nhưng cho dù là gì đi nữa thì cũng không thể thiếu họ, nó như là một mối quan hệ cộng sinh mà đôi bên cùng có lợi, không thể có họ nếu như nhu cầu người dân không phát sinh đột ngột, ngược lại nếu không có họ thì sẽ rối tung cả lên vì cung không đủ cầu.
Theo khảo sát thì đa phần người lao động hài lòng và thích thú với công việc tạm thời đó, họ cảm thấy xứng đáng với sức lực họ bỏ ra, hơn nữa đây là giai đoạn người tiêu dùng “phóng khoáng” nhất cho nên ngoài mức lương họ còn được những khoản thưởng khác không kém phần hậu hỉnh.
Tuy nhiên người lao động cần lưu ý là cho dù là công việc tạm thời nhưng cũng cần phải tìm hiểu trước khi làm việc, tránh tình trạng “bỏ của chạy lấy người” vừa tốn công sức vừa tốn thời gian. Cần phải nghiên cứu tính chất đặc thù của công việc, phải có một sự thỏa thuận trao đổi rõ ràng với người tuyển dụng tránh tình trạng bị các nhà tuyển dụng bóc lột công sức vì không có sự thỏa thuận trước, mà đa phần khi có mâu thuẫn xảy ra phần thiệt luôn về người lao động.

Theo Dân trí