Bài học cho các quỹ đầu cơ từ chiến lược đầu tư của Keynes

Mặc dù Keynes là một trong những nhà đầu tư thành công nhất trong nửa đầu thế kỷ 20, những bài học mà Keynes học được từ những thất bại quá trình đầu tư vẫn còn vang vọng đến tận ngày nay.
Cho đến tận ngày nay, lý thuyết kinh tế vĩ mô của nhà kinh tế học John Maynard Keynes vẫn tiếp tục là tâm điểm của các cuộc tranh luận về chính sách kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, chúng ta không nên quên rằng nhà kinh tế học vĩ đại này cũng là 1 trong những nhà đầu tư hoạt động sôi nổi nhất trong thời kỳ đầu những năm 1930.
Ở 1 khía cạnh nào đó, Keynes cũng chính là người đi tiên phong trong lĩnh vực quỹ đầu cơ. Ông đã đầu tư vào các macro hedge fund (loại quỹ tìm kiếm lợi nhuận từ các biến động của các chính sách vĩ mô như chính sách lãi suất – điều ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ, chứng khoán và trái phiếu) vào những năm 1920 và sau đó là các quỹ đầu cơ chứng khoán vào những năm 1930. 
Keynes đã kiếm được rất nhiều tiền từ đầu tư nhưng cũng bị thua lỗ khá nhiều. Các khoản lợi nhuận cũng như thua lỗ không chỉ liên quan đến tài sản của chính Keynes mà là tài sản của bạn bè, đồng nghiệp (tại King’s College hay Cambridge) và đến cả các tổ chức mà ông đóng vai trò là chủ tịch hoặc người sáng lập. 
Mặc dù Keynes là một trong những nhà đầu tư thành công nhất trong nửa đầu thế kỷ 20, những bài học mà Keynes học được từ những thất bại quá trình đầu tư vẫn còn vang vọng đến tận ngày nay. 
Keynes thực sự bắt đầu hoạt động đầu tư vào đầu những năm 1920. Khi đó, ông tin rằng hệ thống tiền tệ của các nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh thế giới thứ nhất (bao gồm Đức, Pháp và Italia) sẽ sớm sụp đổ khi lạm phát tăng vọt. Rất tự tin rằng đây là cơ hội để kiếm tiền, Keynes tuyên bố rằng chỉ cần có “một chút kiến thức uyên thâm và kinh nghiệm,” nhà đầu tư có thể kiếm tiền 1 cách đơn giản.
Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như vậy. Tháng 5/1920, thị trường nhất thời trở nên lạc quan về những tiến triển ở nước Đức. Do đó, vị thế của những nhà đầu tư có tỷ lệ đòn bẩy quá cao trên thị trường nhanh chóng bị đảo ngược. 
Keynes bị thua lỗ nặng và phải vay thêm tiền của người cha để bù lại số lỗ. Đến năm 1922, ông đã hoàn trả được cho các thành viên trong nghiệp đoàn số tiền thua lỗ và có tài sản tích lũy cá nhân trị giá 21.000 bảng Anh.
Những phán đoán về mặt kinh tế vĩ mô của Keynes vẫn là chính xác như thường lệ. Tuy nhiên, ông đã học được một bài học quan trọng: thị trường có thể sai lệch trong thời gian dài hơn so với thời gian mà hầu hết các nhà đầu tư có thể giữ vững được thanh khoản.
Cuối những năm 1920, Keynes lại lặp phải 1 sai lầm khác. Ông tin rằng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có thể giữ vững được tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế bởi lạm phát đang trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, mọi thứ lại diễn biến ngược lại. Do đó, tài sản của ông bị sụt giảm trước các biến động của thị trường chứng khoán. Đặc biệt, ông bị ảnh hưởng nặng nề bởi thị trường hàng hóa trong thời gian từ 1928 – 1929, khi Fed bất ngờ thắt chặt chính sách lãi suất và đế chế cao su toàn cầu sụp đổ.
Như vậy, 1 lần nữa, Keynes lại bị thua lỗ lớn khi cuộc đại khủng hoảng bắt đầu. Thời kỳ này dạy cho Keynes 2 bài học: không được chống lại Fed và cũng không được hiểu lầm những động thái của Fed. Đương nhiên, hiểu được chính xác những động thái của Fed không phải là điều dễ dàng.
Theo tài liệu nghiên cứu của D.E. Moggridge đưa ra vào năm 1992, Keynes là 1 người cực kỳ “cứng đầu” trước những biến động trong ngắn hạn của thị trường. Quá tự tin cùng với bảo thủ là điều tối kỵ đối với 1 nhà đầu tư quỹ macro. Kết quả đầu tư của Keynes trong thời kỳ những năm 1920 không mấy tốt đẹp. 
Tuy nhiên, giống như các nhà đầu tư vĩ đại khác, Keynes đã học được sự khiêm tốn và nhún nhường từ những thất bại trong quá khứ. Sang đến giữa những năm 1930, ông đã đặt niềm tin vào Tổng thống Franklin D. Roosevelt, cho rằng ông này sẽ thành công trong việc kích thích nền kinh tế Mỹ. 
Một lần nữa, ông lại sử dụng margin để tạo đòn bẩy cho danh mục đầu tư cá nhân. Mặc dù danh mục vẫn bị biến động mạnh, ông đã chọn đúng thời điểm và chứng kiến tài sản tăng vọt, vượt mức 400.000 bảng Anh khi ông qua đời năm 1946.
Không dừng lại ở đó, Keynes đã áp dụng phương thức tiếp cận mới khi đầu tư vào chứng khoán. Đầu năm 1924, Keynes đã nhận ra rằng trong dài hạn, phần bù rủi ro của cổ phiếu sẽ tạo ra lợi nhuận vượt trội so với trái phiếu. Trong khi đó, hầu hết các nhà đầu tư trên thị trường vào thời kỳ đó đều tin vào điều ngược lại.
Có thể nói, chiến lược phân bổ cổ phiếu và trái phiếu trong danh mục đầu tư của Keynes đã trở thành 1 bước đột phá. Ở đây, 1 bài học có thể được rút ra: chọn đúng loại tài sản để đầu tư luôn là nền tảng quan trọng nhất để thành công trong dài hạn.
2 học giả David Chambers và Elroy Dimson đã dựa trên những dữ liệu thu thập được từ King’s College để phân tích về kết quả đầu tư của Keynes. Họ rút ra kết luận rằng phương pháp đầu tư của Keynes là tập trung vào một số cổ phiếu chủ chốt (đây cũng là phương pháp được Warren Buffett áp dụng). 
Bên cạnh những cổ phiếu có giá trị vốn hóa cao, Keynes cũng tập trung đầu tư vào các cổ phiếu có vốn hóa nhỏ hoặc trung bình nhưng trả cổ tức cao. Keynes đã trở thành 1 nhà đầu tư ngược xu thế (contrarian investor) khi mua những cổ phiếu có diễn biến không tốt bằng diễn biến chung của thị trường. Ông cũng sử dụng đòn bẩy nhưng đi kèm với đó là các giới hạn chặt chẽ để có thể kiểm soát rủi ro. Cho đến nay, hầu hết các nhà quản lý quỹ đầu cơ chứng khoán (cả ngắn hạn và dài hạn) đang áp dụng các kỹ thuật này vào danh mục đầu tư của họ. 
Theo Chambers và Dimson, trong suốt 22 năm quản lý danh mục đầu tư của King’s College, hệ số Sharpe (thước đo lợi nhuận trên một đơn vị rủi ro khi đầu tư) trong danh mục của Keynes là 0,69, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ trung bình 0,45 của các danh mục cùng thời kỳ. Bất cứ nhà đầu tư nào hướng đến tỷ lệ cao hơn tỷ lệ này đều đang theo đuổi 1 giấc mơ không thể trở thành hiện thực.

Theo Thu Hương