Bàn cân cho hàng Việt và hàng ngoại

“Nếu đặt một bên là hàng Việt, một bên là hàng ngoại, chỉ cần chất lượng và giá cả tương đương, người tiêu dùng chắc chắn sẽ chọn hàng Việt. Đây là điều quan trọng mà Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (Cuộc vận động) mang lại cho DN Việt. Điều quan trọng tiếp theo là làm sao tận dụng được lợi thế này để tiếp tục “thắng” trên thị trường”. Ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam đồng thời là thành viên Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động đã chia sẻ như vậy với phóng viên.
Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã được triển khai 3 năm. Theo ông, điều lớn nhất mà Cuộc vận động này đã làm được cho DN Việt là gì?
Theo tôi, ý nghĩa của Cuộc vận động khi được triển khai là làm sao giúp cho hàng Việt thắng trên thị trường. Để thắng trên thị trường có nguyên tắc người mua và nguyên tắc người bán. Nguyên tắc người mua là khi người tiêu dùng đã muốn mua hàng thì không ai có thể bắt họ không mua được. Tuy nhiên, để người tiêu dùng thích mua thì người bán hàng luôn phải đảm bảo yếu tố quan trọng nhất là: “Tôi mua hàng Việt tôi có lợi gì?”. Đây là điều DN phải giải quyết cho bằng được. Tất nhiên, mua hàng Việt vì tình yêu tổ quốc cũng là một lý do nhưng hàng hóa đó cũng phải đảm bảo có lợi về sức khỏe, đảm bảo chất lượng và kinh tế. Tôi nghĩ, Cuộc vận động muốn thắng thì phải làm được điều này. Theo đó, sau ba năm triển khai, Cuộc vận động đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận mà điều lớn nhất là là tâm lý người tiêu dùng đã hướng về hàng Việt. Ở tất cả các kênh phân phối từ siêu thị hiện đại đến chợ truyền thống đã thấy rõ ràng sự giằng co giữa hàng Việt và hàng ngoại nhập. Đây là điều đáng mừng bởi nếu như trước đây hàng Việt bị áp đảo hoàn toàn thì hiện nay, khi đi mua hàng, người tiêu dùng đã có sự đắn đo trong việc chọn mua hàng Việt hay hàng ngoại. Người tiêu dùng đã thích, có niềm tin và chọn mua hàng Việt.

Xét trên yếu tố tính cạnh tranh, hàng hóa muốn cạnh tranh được phải đảm bảo ít nhất 2 nguyên tắc là chất lượng và giá cả phải đủ sức cạnh tranh. Sau 3 năm vận động, hàng Việt hiện có thêm một lợi thế là nếu hàng Việt có chất lượng và giá cả tương đương hàng ngoại thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ chọn mua hàng Việt. Đây là bước tiến mạnh của Cuộc vận động mà để làm được điều này hoàn toàn không đơn giản. Người tiêu dùng yêu thích hàng Việt là yếu tố quan trọng giúp DN Việt thắng trên thị trường.

Vậy vai trò của DN sau khi Cuộc vận động đã triển khai được ba năm được khẳng định như thế nào, thưa ông?

Về phía DN, do có đặc điểm vừa là người mua hàng, vừa là người bán hàng, vừa tham gia xây dựng kênh phân phối nên DN là đối tượng nhận thức rõ ràng nhất ý nghĩa của Cuộc vận động. Theo đó, ở địa vị người mua hàng, DN đã thực hiện mua và sử dụng các sản phẩm sản xuất trong nước nhiều hơn. Ở địa vị người bán hàng, DN cũng chủ động trong việc nâng cao chất lượng, giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh. Còn ở phía các kênh phân phối, lượng hàng hóa Việt cũng đang xuất hiện ngày một nhiều.

Không chỉ cạnh tranh với hàng ngoại, hàng Việt hiện nay còn phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập lậu. Theo ông, để công tác chống hàng lậu được thành công phải tập trung vào khâu nào?

Để hàng Việt chiếm lĩnh mạnh hơn thị trường trong nước, một trong những yếu tố quan trọng là phải tập trung chống hàng lậu. Theo tôi, không dễ dàng để hàng lậu có thể tràn lan vào thị trường như vậy chắc chắn phải có bảo kê. Cho nên phải đánh vào khâu bảo kê hàng lậu. Triệt được khâu này rồi tự khắc sẽ loại trừ hàng lậu ra ngoài thị trường.

Xin cảm ơn ông! 

Sau ba năm triển khai Cuộc vận động, ý thức tiêu thụ hàng Việt đã tăng lên mạnh mẽ trong bản thân các DN Việt Nam. Theo thống kê từ Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, để hưởng ứng Cuộc vận động và liên kết sử dụng sản phẩm của nhau, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu trong nước phục vụ phát triển sản xuất, thiết lập 3.100 đại lý, 58 siêu thị thời trang và hàng trăm cửa hàng giới thiệu sản phẩm

Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã đầu tư và tự vận hành, khai thác tàu địa chấn 2D, 3D, giàn khoan tự nâng 90m nước…

Tổng công ty Xi măng Việt Nam đã ưu tiên sử dụng các nhà thầu Việt Nam và ưu tiên sử dụng 60-70% thiết bị, vật tư trong nước để giảm chi phí dự án. Đặc biệt, từ năm 2010 đã sử dụng 100% clinke trong nước (trước đây nhập khẩu trên 1 triệu tấn clinke/năm).

Tổng công ty Thép Việt Nam đã cải tiến hệ thống lò nung từ sử dụng dầu FO nhập khẩu sang sử dụng khí hóa lỏng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, tiết kiệm 71,6 tỷ đồng/năm.

Trong 3 năm qua, tỷ lệ mua sắm hàng hóa trong nước của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là 160.043 tỷ đồng, chiếm 70%

Tổng công ty Hàng Không Việt Nam đã sử dụng nhiên liệu máy bay từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thay nhập khẩu…

Về phía người tiêu dùng, theo tổng kết của Công ty Nghiên cứu thị trường định hướng (FTA), hiện nay, 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Số liệu nghiên cứu của Công ty Nielsen về xu hướng tiêu dùng năm 2011 cho thấy có đến 90% người tiêu dùng tại TP.HCM chắc chắn sẽ sử dụng hàng Việt. Con số này tại TP. Hà Nội là 83%.

Theo dddn