Nghiệp kết nối “như là duyên số”

Phát hiện một thông tin hữu ích cho nhiều người, bạn sẵn sàng truyền tin. Thấy một cơ hội có thể thay đổi cuộc sống của nhiều người, bạn sẵn sàng chia sẻ. Đó là công việc của người kết nối…
Trước khi biết và có dịp trao đổi với Thanh Nguyễn, người sáng lập và là Giám đốc điều hành Mạng cộng đồng doanh nhân Anphabe.com, khái niệm về kết nối với tôi khá mông lung, chưa nói tới kết nối doanh nhân, những người vốn bị cho là không dễ “ngồi chung mâm”.  
Có lẽ vậy mà câu chuyện của chúng tôi cả buổi chỉ xoay quanh chủ đề này. Một phần cũng bởi Thanh Nguyễn có thể hào hứng chia sẻ hàng giờ về nghệ thuật xây dựng quan hệ, về đam mê lớn của chị. Đó là trở thành người kết nối tích cực nhất, giúp kết nối doanh nhân tại Việt Nam với những thông tin, mối quan hệ và cơ hội giá trị.

Từ những quyết định ra đi…
Thanh Nguyễn trông trẻ trung, tươi tắn hơn tuổi thực của chị. Ấy vậy mà, khi được hỏi về con đường dẫn tới những thành quả ngày hôm nay, chị có vẻ trầm ngâm: “Từ những quyết định ra đi…”.
12 năm trước, tốt nghiệp xuất sắc Đại học Ngoại thương Hà Nội, tấm bằng ưu dễ dàng đặt nhiều chỗ làm ngon lành tại các công ty xuất nhập khẩu danh tiếng cho cô sinh viên mới ra trường. Thậm chí, cả một suất học bổng tại Hawai diện “giữ chân nhân tài” cũng trong tầm tay. Nhưng, Thanh chọn đường Nam tiến, trở thành quản trị viên tập sự Hà Nội đầu tiên của Công ty Unilever Việt Nam.
Giờ nghe kể, vẫn thấy có gì đó vương vướng, không thuận. Cơ hội du học lúc đó không nhiều và dễ dàng như bây giờ. Chị nhớ lại, cũng phải trấn an mẹ rằng, nếu đã vượt được 8 vòng thi tuyển gắt gao, đấu lại hàng ngàn sinh viên từ nhiều trường đại học lớn để được chọn, có nghĩa là con gái mẹ đã đủ trưởng thành để chọn một hướng đi riêng.
Cuộc dịch chuyển đầu tiên ấy không chỉ mở ra trước mắt cô sinh viên trẻ cơ hội làm việc và đào tạo tuyệt vời xoay vòng quanh nhiều nhãn hàng lớn tại Unilever Việt Nam. Đây cũng là bước đệm đưa chị trở thành một trong những “marketeer” (người tạo lập thị trường) Việt Nam đầu tiên là giám đốc nhãn hàng khu vực vào đầu năm 2005.
Thế nhưng, sau khi hoàn thành 3 năm làm vị trí Trưởng nhãn hiệu cao cấp khu vực châu Á, châu Phi và Trung Đông của Unilever, khi mà các công ty đa quốc gia khác lúc đó mới rục rịch có chiến lược “xuất khẩu lao động” và lác đác có thêm vài người Việt được cử sang làm việc tại Bangkok (Thái Lan) hay Singapore, Thanh lại quyết định ra đi. Lần này, là từ bỏ tất cả để khởi nghiệp.
“Cứ như là duyên số vậy!”, chị bồi hồi nhớ lại. “Ý tưởng về việc thành lập một cổng thông tin việc làm cao cấp kết hợp kết nối cộng đồng đầu tiên tại Việt Nam không đến từ tôi, mà là từ đối tác lớn thời đó là Navigos Group. Có điều, ý tưởng sơ khởi ban đầu đó một lần nữa khơi đúng mạch ‘máu liều’ ở tôi. Là một người quảng giao, đam mê kết nối các mối quan hệ mới, luôn là ‘trung tâm tìm việc’ cho bạn bè và thường tự hỏi có cách nào để kinh doanh trên tài năng và cả đam mê này hay không”.
Thêm một lần đối diện trước hàng trăm con mắt hoài nghi và ngạc nhiên của bạn bè, đồng nghiệp, Thanh Nguyễn từng bước xây dựng công ty 1 người Caravat.com thành cổng thông tin tuyển dụng việc làm trên 1.000 USD đình đám một thời, thu hút được hàng ngàn nhân sự cấp cao.

Thương hiệu “Người kết nối”
“Chị có mong muốn trở thành người kết nối từ khi nào?”, tôi tò mò hỏi, bởi nghe qua, thì đây không giống với một danh từ chỉ nghề nghiệp.
“Từ khoảng 2 năm trước, khi đọc cuốn sách ‘Đừng bao giờ đi ăn một mình’ của Keith Ferrazzi. Keith đã dùng chữ người kết nối để chỉ những người có mối quan hệ rộng và biết cách nuôi dưỡng để những mối quan hệ đó luôn bền chặt. Khi đó, tôi cảm thấy rất phấn khích. Tôi định nghĩa lại rằng, nếu một người kết nối bằng cách nào đó tạo được giá trị cho rất nhiều người, không chỉ là kết nối thông tin nghề nghiệp như ở Caravat, mà còn là các mối quan hệ giá trị, những kinh nghiệm thành công, hay cả các cơ hội kinh doanh nữa, thì hẳn đấy cũng là một nghề đáng để theo đuổi. Kể từ đó, lúc nào tôi cũng nói về ước mơ này và ‘chết danh’ với thương hiệu người kết nối từ đó”.
Phải gọi đúng từ là phấn khích khi nghe chị kể về quyết định ra đi thứ ba. Sau cột mốc 3 năm, chị chia tay đồng sự, đóng cửa Caravat.com để thành lập Mạng cộng đồng doanh nhân Anphabe.com – cộng đồng của riêng chị. Theo cách chị nói, đó là “nơi cho tôi thỏa sức thực hiện những hoạt động kết nối và chia sẻ giá trị cho thành viên theo cách của riêng mình, mà không quá vướng bận vào cơm áo, gạo tiền”.
Với niềm tin “thành công chia sẻ là thành công nhân lên”, Thanh Nguyễn và Anphabe.com đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ 100 diễn giả là các doanh nhân và chuyên gia hàng đầu Việt Nam, những người đã giúp chị và Anphabe.com tổ chức được rất nhiều kênh chia sẻ để thành công. Có thể kể đến diễn đàn trực tuyến trên Anphabe.com, các sự kiện giao lưu doanh nhân thường xuyên, các chuyên mục chia sẻ trên nhiều tạp chí uy tín và cả một Talk show Anphabe trên kênh kinh tế tài chính FBNC do Thanh Nguyễn phụ trách cả nội dung và dẫn chương trình.
Khi chúng tôi trò chuyện vào một ngày đầu tháng 7, chỉ sau 1 năm thành lập, Anphabe.com đã cán mốc 35.000 thành viên.
Được biết, Thanh Nguyễn là một diễn giả thường xuyên được nhiều người yêu mến. Thế nhưng, khi được hỏi chị hay chia sẻ về vấn đề gì nhất, chị chỉ khiêm tốn: “Người kết nối là người biết người khác cần kiến thức gì và sẽ kết nối người nghe tới đúng diễn giả có thể chia sẻ hay về những kiến thức đó. Vì thế, tôi thường xuyên chỉ xin giữ vai trò người dựng nội dung, hoặc dẫn chương trình, trừ phi trong phạm vi hai chủ đề mà tôi nghĩ là mình có thể có một số kinh nghiệm, đặc biệt là nghệ thuật kết nối và xây dựng thương hiệu cá nhân, thì tôi lúc nào cũng sẵn sàng”.
Theo định nghĩa của chính chị, Thanh Nguyễn có lẽ không phải là người kết nối đầu tiên hay duy nhất mà tôi từng nghe nói tới, nhưng chị đúng là người tạo cảm hứng mạnh mẽ cho người đối diện về một đam mê kết nối cháy bỏng, một niềm tin mạnh mẽ vào quyền lực của kết nối và hết mình khi theo đuổi đam mê đó.
Thanh Nguyễn đang trăn trở về việc làm thế nào để có thể tạo thêm nhiều kênh kết nối hiệu quả cho nhiều thành viên nhất, với một nguồn lực còn giới hạn như hiện nay. Còn rất nhiều ý tưởng, chức năng và hoạt động mới chị muốn làm và làm nhanh hơn nữa. Cộng thêm cả mong mỏi muốn phổ cập kỹ năng xây dựng quan hệ cho thật nhiều người. “Kết nối là cả một quá trình xây dựng và tạo giá trị cho người khác, chứ không chỉ đơn thuần phát đi thật nhiều danh thiếp và hy vọng người ta mua hàng ngay của mình như nhiều người thường nghĩ”, Thanh cười và chia sẻ.
Không có lý do gì mà mơ ước trở thành người kết nối đắc lực nhất của “người sáng lập một doanh nghiệp chưa lớn, nhưng có một cộng đồng lớn và một ước mơ rất lớn” không đạt được, cho dù chặng đường có thể còn nhiều chông gai.

Chuyện trò với Thanh Nguyễn

Triết lý kinh doanh của chị là gì?
Cho là nhận. Cũng như khi xây dựng một mối quan hệ, muốn cho quan hệ lâu bền, mình phải cho trước.

Ba lần ra đi của chị có điểm nào giống nhau?
“Feel the fear and do it anyway” – tạm dịch là “Cảm nhận nỗi sợ hãi và vẫn tiếp tục bước tới”. Đây là tựa cuốn sách mà tôi yêu thích, tác giả là Susan Jeffer.

Ngay tại thời điểm này, niềm vui lớn nhất của chị là… 
… Là sự đồng hành của các diễn giả, cố vấn và đặc biệt là các cộng sự, những người cùng chia sẻ đam mê kết nối và niềm tin “cho là nhận” giống tôi.
Bên cạnh đó, nhìn thấy các thành viên hàng ngày đọc những chia sẻ trên diễn đàn Anphabe, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu cho thành viên khác. Tất cả những điều đó luôn đem lại cho tôi cảm giác hạnh phúc. 

Chị đánh giá thế nào về xu hướng phát triển của mạng xã hội?
Đó là xu thế không thể cưỡng của cả thế giới. Không chỉ Anphabe, sẽ còn nhiều mạng xã hội mới nữa phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Tuy nhiên, tham gia một mạng xã hội và có kết nối trên mạng xã hội không đảm bảo bạn sẽ có nhiều mối quan hệ tích cực và lâu bền, trừ khi bạn biết cách đầu tư đúng cách vào mạng lưới quan hệ thông qua mạng xã hội.

Mong muốn của người kết nối là gì?
Gặp và kết nối với thật nhiều người kết nối khác.

Theo Khánh An