“Muốn có hiệu quả công việc tốt thì người quản lý phải làm sao khai thác được cả con tim và khối óc của người lao động. Để làm được điều này, theo tôi, kết hợp hài hòa hai trường phái quản lý Đông – Tây là phương pháp tốt nhất”, theo Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Tổng giám đốc BVTVAG Huỳnh Văn Thòn.
Nhận nhiệm vụ làm kinh tế vào những năm cuối thập niên 80 với số vốn 750 triệu đồng và 23 con người, sau hơn 20 năm, Bảo vệ thực vật An Giang (BVTVAG) trở thành công ty CP với hơn 2.300 cán bộ, công nhân viên. Phong thái giản dị với chiếc áo đồng phục màu xám có dòng chữ “Cùng nông dân ra đồng”, Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Tổng giám đốc BVTVAG Huỳnh Văn Thòn chia sẻ: “Chúng tôi luôn bám sát ruộng đồng, lắng nghe suy nghĩ của bà con nông dân để quyết định chiến lược phát triển công ty. Trong điều hành, “chìa khóa” của tôi là “nhân trị” và “tình trị”.
Cuộc trò chuyện bắt đầu từ một câu chuyện rất đời thường nhưng lại làm cả người kể và người nghe ray rứt. Nhân vật chính là cô gái phụ việc nhà ông Thòn đã gần mười năm. Đó là một cô gái ngoan hiền và thật thà, từ lâu đã được xem như “người nhà” của gia đình ông.
“Cách đây khá lâu, con bé khoe với tôi là mới lượm được một số tiền đô la rất lớn, gặng hỏi mãi mới biết đó là 10.000 đô la. Tôi và bà xã giải thích, phân tích cỡ nào cũng không thuyết phục được nó đem đi trả cho người đánh rơi. Thậm chí tôi còn năn nỉ: “Con đến công an khai báo, trả cho người ta, chắc chắn người bị mất khi nhận lại được tiền sẽ cho con 2-3 ngàn USD. Rồi bác Tư (ông Thòn – PV) sẽ cho con 2-3 ngàn nữa. Như vậy là bay có được 5-6 ngàn rồi, mà mình có thể làm việc đàng hoàng, không trái lương tâm”. Thế mà nó vẫn không chịu, một hai xin nghỉ, ôm tiền về quê mở quán buôn bán. Chưa đầy một năm sau, tôi được bà xã nói cho biết hoàn cảnh của con bé: tiền tiêu hết, gia đình lộn xộn, ẩu đả lung tung…”, ông kể mà không ngăn được tiếng thở dài. “Thật tiếc cho một cô gái ngoan đã bị đồng tiền làm thay đổi! Luật nhân quả báo ứng nhanh quá phải không?”, câu đúc kết của ông kéo tôi về thực tại.
“Nhân trị” và “tình trị”
Trước khi nhận nhiệm vụ quản lý Công ty BVTVAG, ông Huỳnh Văn Thòn là Chi cục trưởng Chi cục BVTVAG.
* Hơn 20 năm từ bỏ lớp áo công chức để đi làm kinh tế, nhìn lại, ông thấy mình đang là một công chức làm kinh tế hay là một doanh nhân?
– Thật khó có thể tách bạch rõ ràng. Trong con người tôi có nhiều “dòng máu” đang chảy và tôi luôn cố gắng hài hòa tất cả: dòng máu kinh tế thị trường của người làm doanh nghiệp; dòng máu nóng của một cá nhân đang sống trong tập thể, trong xã hội; dòng máu có tính nguyên tắc của một cán bộ, Đảng viên. Điều quan trọng là tôi có thể làm cho chúng hài hòa một cách linh động và luôn thực thi nhiệm vụ đúng lúc.
[I]* Được biết, một trong hai triết lý kinh doanh của BVTVAG là “phân phối và phân phối lại lợi nhuận một cách có đạo lý và hợp lý”. Như thế nào mới được gọi là “ có đạo lý” và “hợp lý”, thưa ông?[/I]
– Hiểu theo nghĩa đen, “hợp lý” có nghĩa là lấy một thứ ở chỗ nào thì phải trả lại một cái gì tương tự vào chỗ đó; còn “đạo lý” là phải có trách nhiệm với cuộc sống, với nơi mình sinh ra và nuôi mình lớn lên. Tôi muốn cùng anh em ở BVTVAG đi theo hai chữ nhân và nghĩa.
Cụ thể, kinh doanh là phải đi theo quy luật thị trường, hướng đến tính bài bản, chuyên nghiệp; không thể làm việc theo cảm hứng, tùy tiện. Tôi ví dụ một chuyện nhỏ như thu mua lúa của bà con, nếu lúa đó đạt chất lượng loại 1 thì mua đúng giá loại 1, lúa loại 2 thì mua giá loại 2, chứ không phải thấy nơi này khó khăn quá mà tự động nâng giá, thu lúa loại 2 bằng giá lúa loại 1.
Tất cả phải rõ ràng. Tuy nhiên, khi kinh doanh có hiệu quả rồi, dứt khoát phải biết phân phối, chia sẻ phần được đó về nơi đã “nuôi” mình.
* Trở về câu chuyện của những năm thập niên 90, khi mới bắt đầu “bén rễ” tại đồng bằng, tại sao ông lại làm cuộc “dân vận” để chuyển BVTVAG lên ngôi nhà thứ hai tại TP.HCM, và phải ròng rã suốt 10 năm mới thành công?
– Khi tôi nói ra ý định của mình, từ cán bộ trong công ty đến anh em bên ngoài đều bảo là hoang đường, không tưởng. Ngành nghề của mình liên quan đến nông nghiệp, ở đồng bằng là quá phù hợp, tại sao phải “Sài Gòn tiến”?
Họ đặt vấn đề như vậy. Không phải chờ đến năm 1996, ngay từ những ngày đầu nhận đơn vị tôi đã có ý tưởng này. Và tôi đã “nuôi” nó gần 5 năm trời mới công bố. Nói như vậy để hiểu đó không phải là một ý tưởng bột phát nhất thời hay tôi mắc bệnh “sính” hình thức.
Thử nghĩ, nơi nào có nhiều thông tin và cập nhật thông tin kinh tế thị trường nhanh nhạy nhất? Nơi nào có nguồn nhân lực dồi dào nhất? Nơi nào tập trung những yếu tố trên và luôn ở trong trạng thái sôi động nhất chắc chắn sẽ tạo ra nguồn năng lượng dồi dào cho kinh doanh. Tôi chọn Sài Gòn là ngôi nhà thứ hai của BVTVAG vì những lý do như thế.
Anh em sống ở đồng bằng đã quen, mà thói quen thì không thể thay đổi một ngày hai bữa. Không còn cách nào khác, tôi phải dành thời gian đi giải thích, phân tích cho mọi người hiểu. Cứ thế, từ ngày này sang ngày khác, mất hết 10 năm dự án mới hoàn tất.
Đến bây giờ thì mọi người hoàn toàn thoải mái khi được đi đi về về với “hai ngôi nhà” của mình. Đó là một minh chứng về hiệu quả của phương pháp “nhân trị” và “tình trị”, không nhất thiết luôn phải “kỷ trị” mới có nề nếp, đúng không?
Ước mơ thành hiện thực
Từ khi còn làm ở Chi cục BVTVAG, ông Thòn đã nghĩ và mơ về những cánh đồng mẫu lớn, về một quy trình lúa gạo khép kín từ đồng ruộng đến bàn ăn mà người nông dân luôn ở thế chủ động. Và cùng với cán bộ, công nhân viên Công ty BVTVAG, ông đã từng bước biến ước mơ đó thành hiện thực…
* Từ 12 người, đến nay đội FF (Farmer’s Friends – Những người bạn của nông dân) của BVTVAG đã lên đến con số 800 và sẽ không dừng lại ở đó. Ông có ngại đội quân này sẽ “đụng” cán bộ khuyến nông địa phương?
– Không sợ! Mà sao lại sợ? FF xuống ruộng, cùng làm và chia sẻ kiến thức với bà con nông dân để mùa màng tốt hơn thì cán bộ khuyến nông phải mừng và nhiệt liệt ủng hộ mới đúng chứ. FF là những người bạn của bà con nông dân theo đúng nghĩa.
Nông dân thì thừa kinh nghiệm thực tế nhưng lại thiếu kiến thức lý thuyết và chưa có điều kiện tiếp cận khoa học công nghệ. Trong khi đó, FF xuất thân là các kỹ sư nông nghiệp, được học hành bài bản nhưng kinh nghiệm thực tế thì chưa nhiều.
Hai nhánh này gặp nhau sẽ bổ sung cho nhau để tạo ra những kết quả tốt. Một FF đồng hành với khoảng 20 nông dân, hướng dẫn họ làm lúa theo quy trình mới, cùng ăn, cùng sinh hoạt với bà con nông dân.
* Cách đây không lâu, tại một diễn đàn, Đại sứ hàng Việt – NSƯT Kim Xuân có kể câu chuyện: Trong chuyến đi thực tế của đoàn về vùng nông thôn, một bác nông dân cười thiệt tươi khoe với nghệ sĩ rằng: “Làm nông bây giờ sướng như tiên”. Tự nhận là người luôn bám sát và nghe từng “hơi thở” của bà con, ông nghĩ sao về câu nói ấy?
– “Được mùa mất giá, được giá mất mùa”, nhà nông xứ ta không xa lạ với thực tế này, đặc biệt ở ngành lúa gạo. Đối với sản phẩm lúa sau thu hoạch, nông dân gặp rất nhiều trở ngại: thiếu chỗ phơi, chỗ sấy, lưu trữ thóc; rồi giá cả lên xuống thất thường…
Khi trúng mùa thì gặp khó ở đầu ra vì máy sấy, kho dự trữ đều quá tải… Nông dân thường đi kèm với ba thứ ít: vốn, kiến thức khoa học, thông tin thị trường.
Từ những năm còn làm ở Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, tôi đã ấp ủ một dự án lúa gạo khép kín từ đồng ruộng đến bàn ăn cũng từ thực tế này. Có như vậy bà con mình mới giành thế chủ động với thị trường được. Rất mừng là đến nay dự án này đã và đang được triển khai rất tốt.
Hiện nay, đội ngũ FF ngày đêm bám sát ruộng đồng cùng bà con nông dân. Lực lượng này sẽ giúp nông dân tránh được rủi ro, phát huy hiệu quả sản xuất – kinh doanh.
Nhân lực là vậy, công ty còn tính đến một hình thức bảo hiểm cho bà con: cung cấp vật tư cho nông dân, tiêu thụ lúa và tính đúng, tính đủ mọi khoản chi phí để định giá mua cho nông dân có lời rồi mới tính tới phần của doanh nghiệp. Từ đó có thể phần nào giải thích được câu nói của bác nông dân kia với nghệ sĩ Kim Xuân.
Khi chúng tôi làm mô hình này, nhiều người bán tín bán nghi, không biết BVTVAG có ý đồ gì không. Họ nghi ngờ: “Ai mà tin được một công ty bán thuốc trừ sâu lại đi làm chuyện chỉ cho bà con xài ít thuốc. Thế thì bán hàng cho ai?”.
Nhưng họ quên rằng, buôn bán cần biết quan sát và lắng nghe nhu cầu từ khách hàng. Nắm được nhu cầu thì cứ theo đó mà phục vụ, mà kinh doanh.
Làm kinh doanh, chúng tôi phải chịu áp lực và tính cho ra bài toán về lợi nhuận, nhưng vấn đề là phải tính làm sao để doanh nghiệp có lợi nhuận từ những quyết định trên thương trường chứ không phải tạo áp lực với nông dân để kiếm lời.
Khơi được chữ tình sẽ nhận thương yêu
Giải đua xe đạp toàn quốc về nông thôn tranh cúp BVTVAG tháng 5/2012 là lần tổ chức thứ 24, và BVTVAG là đơn vị tài trợ chính của cuộc chơi thường niên này. Đây chỉ là một trong những hoạt động xã hội của Công ty.
* Không chỉ ở trong nước, người ta còn nhìn thấy chiếc áo đồng phục của BVTVAG, chiếc nón của đội quân FF trên nhiều vùng đất, trên những cánh đồng của các nước bạn Lào, Campuchia. Đây là những hoạt động mang tính thiện nguyện hay là chiến lược thâm nhập thị trường ngoài nước của BVTVAG, thưa ông?
– Cũng khó tách rời hai mục đích này. Nhưng thực tế, mục đích ban đầu của dự án này là hướng đến cộng đồng. Chữ “đồng bào” theo quan niệm của chúng tôi khá rộng. Thời chiến, Việt Nam, Lào và Campuchia đã cùng một vòng tay đoàn kết thì thời bình cũng vậy.
Trước đây, hằng tuần chúng tôi đều có những đội y – bác sĩ thiện nguyện sang Lào và Campuchia, đến những vùng sâu để khám và phát thuốc cho bà con nghèo. Sau một thời gian, thấy bà con nông dân ở đây còn thiếu về kiến thức nhà nông, chúng tôi mới luân phiên tổ chức cho đoàn FF cùng bà con ra đồng. Như vậy vừa có thể làm công tác xã hội, vừa có thể phần nào phụ bà con trong việc đồng áng.
* Từ những năm đầu của thập niên 90, khán giả xem truyền hình đã biết đến BVTVAG là đơn vị tài trợ xuyên suốt với một khoản kinh phí không nhỏ cho một giải đua xe đạp toàn quốc. Không thể phủ nhận mục đích làm thương hiệu của hoạt động này. Điều này có mâu thuẫn với tuyên bố “dẫn dắt và xây dựng thương hiệu BVTVAG bằng con đường chất lượng” không, thưa ông?
– Chúng tôi đã và vẫn đang đi theo con đường xây dựng thương hiệu bằng chất lượng. Chữ “thương” trong thương hiệu tôi cho đó là “thương yêu”, phải làm sao khơi được chữ tình thì người ta sẽ nhớ đến và thương yêu mình.
Trở lại chuyện tài trợ cho giải đua xe đạp, lúc ấy tỉnh An Giang cần, người dân An Giang cần thì Công ty BVTVAG tham gia. Điều gì người ta cần mà mình có khả năng thì nên đáp ứng, tự nhiên người ta sẽ thích mình.
Mà đã tham gia thì phải tham gia cho đàng hoàng để được người ta yêu quý, để nhận được cái tình. “Người ta” ở đây chính là khách hàng của BVTVAG!
Thế cân bằng động
Với những thành quả đã đạt được và những hoạt động mang ý nghĩa xã hội, Công ty BVTVAG đã được nhận nhiều danh hiệu: Anh hùng Lao động (2000), Bạn nhà nông Việt Nam, Cúp vàng “Vì sự nghiệp bảo vệ môi trường Việt Nam 2009”, Cúp “Điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường năm 2010”… Với cương vị là người đứng đầu doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Thòn cũng đã vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động do Nhà nước trao tặng năm 2002.
* Trách nhiệm của một Anh hùng lao động trong thời bình là như thế nào, thưa ông?
– Quên (đặt nhẹ) lợi ích cá nhân, dám làm những chuyện người khác không dám làm, dám chịu trách nhiệm những gì mình đã quyết.
* Xin quay về nguyên tắc quản lý, điều hành. BVTVAG là một công ty CP, liệu nguyên tắc điều hành “nhân trị” và “tình trị” của ông có xung đột với cách quản lý của các cổ đông, mà cụ thể là các quỹ đang đầu tư tại Công ty?
– Có xung đột nhưng không đối kháng! Xung đột được tôi ví như một nguồn năng lượng để mình có thể vận hành. Khi thích ứng được, nguồn năng lượng này sẽ tạo ra thế cân bằng động vô cùng tốt trong điều hành.
Ví dụ, cách cư xử tình nghĩa trong suốt một thời gian dài sẽ tạo cho người lao động sức ỳ, không năng động thì khó mà làm kinh tế thị trường được. Lúc ấy, tôi cần một chính sách quản lý sòng phẳng, rành mạch theo kiểu phương Tây để “nắn” người lao động theo khuôn phép.
Muốn có hiệu quả công việc tốt thì người quản lý phải làm sao khai thác được cả con tim và khối óc của người lao động. Để làm được điều này, theo tôi, kết hợp hài hòa hai trường phái quản lý Đông – Tây là phương pháp tốt nhất.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi lý thú.
Theo marketingchienluoc